1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nghề… tảo mộ

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, nghĩa trang Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân, TPHCM) có phần tấp nập hơn mọi ngày. Góc khuất cuối nghĩa trang, một nhóm người lặng lẽ, cặm cụi rẫy cỏ, đắp đất, quét vôi hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác. Họ làm nghề… tảo mộ.

Nghề độc nhất vô nhị

 

Đó thật sự là một cái nghề với những đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Nghề tảo mộ ra đời từ hơn chục năm trước, từ khi vùng đất Bình Hưng Hoà trở thành khu “đô thị” sầm uất dành cho… người đã khuất. Một vài người vô gia cư sống trong nghĩa trang đã được chủ mộ nhờ cuốc đất, rẫy cỏ mộ vào những ngày tảo mộ cuối năm. Chủ mộ khỏi mất công mang vác cuốc xẻng, chỉ đến thắp nhang cúng bái, còn người nghèo thì có thêm thu nhập. Thế là dần hình thành nên nghề tảo mộ, cái nghề sống trên đất chết theo đúng nghĩa đen của nó.

 

Theo nhịp sống, nghĩa trang Bình Hưng Hòa không ngừng gia tăng “dân số”, những ngôi mộ chen chúc, chật chội; nghề tảo mộ trở nên béo bở hơn. Anh Hai Nở, trưởng một nhóm tảo mộ thuê, kể: “Lúc đầu thì chỉ có vài người làm, làm không hết mộ. Sau thấy làm ăn được nhiều người nhảy vô, rồi giành giựt, đánh lộn, bát nháo lắm! Cuối cùng mấy anh quản lý nghĩa trang kêu các nhóm lại rồi chia ra từng khu, hai ba nhóm vô một khu. Tính tới giờ có hơn một trăm nhóm”.

 

Tên mỗi nhóm là tên của người nhóm trưởng, là người vô nghề lâu nhất. Nhóm của Hai Nở “chung sống yên bình” với nhóm ông Bình, nhóm Ba Cư trong một khu mộ dành cho người Công Giáo, mỗi nhóm “sở hữu” hơn ba trăm mộ.

 

Chỉ một vết sơn đỏ vẽ nghệch ngoạc bằng cọ trên đầu một ngôi mộ, Hai Nở cho biết: “Cái mộ nào trên đầu có chấm này là mộ của nhóm tui, màu vàng của ông Bình, màu xanh của chú Ba Cư. Vậy đó, làm dấu chơi chứ ai cũng nhớ vanh vách mộ của nhóm mình nằm ở chỗ nào!”.

 

Sống trên đất chết

 

Mùa làm ăn chính thức của nghề tảo mộ rầm rộ vào tháng cuối năm. “Thường thì người ta kéo nhau lên đây viếng mộ từ sau ngày ông Táo về trời, mình có làm sớm cũng mất công thôi, cỏ lại mọc um tùm. Vô tháng Chạp bắt đầu là hợp lý, ai lên cũng thấy mộ thân nhân mình vừa mới được dọn dẹp sạch sẽ họ hài lòng”, một trưởng nhóm khu mộ Phật giáo ven bên đường Tân Kỳ Tân Quý, giải thích.

 

Vào đợt, các trưởng nhóm lại huy động lực lượng từ khắp nơi vì số người “trực chiến” của mỗi nhóm thường rất ít. Một thợ tảo mộ tên Cải cho biết: “Năm nào cũng vậy, gần Tết là cô Út (Út Bông, một trưởng nhóm có nhà ngay sát nghĩa trang), gọi điện về quê kêu anh em tui lên đây phụ làm mộ cả tháng. Cũng hổng có gì nặng nhọc chỉ là quét dọn, rẫy cỏ, đắp đất cho mộ đất, quét vôi cho mộ xi măng thôi. Cuối năm được bả cho kha khá, ăn Tết ngon lành”.

 

Em của Cải, tên Út, là công nhân làm đường, cuối năm cũng về đây đầu quân vào nhóm tảo mộ của cô mình.

 

Ngày thường, nhóm thợ “trực chiến” khoảng 5 - 7 người, thu nhập bằng các công việc dịch vụ chôn cất khác như đào huyệt, đắp mộ, xây mộ... Riêng các trưởng nhóm còn có “lương”, là số tiền giữ mộ hàng tháng họ nhận được từ các chủ mộ khá giả.

 

Công việc chăm sóc mộ hàng ngày của họ là mỗi ngày vào quét dọn, cắm nhang, trồng hoa, xua bò và dè chừng bọn nghiện ngập vào “phi”; phí trông giữ mỗi tháng là 40-60 ngàn đồng/mộ, tùy theo mộ đó thuộc “khu nhà lầu” hay “khu nhà đất”.

 

Không giàu, nhưng cuộc sống của những người thợ tảo mộ, nhờ thế cũng khá ổn định. Ít ai ngờ những vô gia cư ngày nào nhờ nghề tảo mộ mà thoát được kiếp sống “chung chạ” cùng người chết, dựng lều sống ngay bên mộ. Bây giờ họ đã có tiền thuê nhà trong khu dân cư cạnh nghĩa trang.

 

Chữ Tâm trong nghề tảo mộ

 

“Nghĩa tử là nghĩa tận” - Với những người thợ tảo mộ ở đây, cái tâm nghề nghiệp cũng xuất phát từ tinh thần đó.

 

Ngoài những ngôi mộ thuê giữ tháng, người thợ tảo mộ chính thức nhận được tiền từ thân nhân người chết mỗi năm một lần vào dịp cuối năm, thường vào ngày 25 tháng Chạp. Ai cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, hoàn toàn không có một khung giá cố định nào. Người khá giả cho năm sáu chục, người nghèo khó đưa mười, mười lăm ngàn, cũng vui vẻ đón lấy.

 

Nhưng không vì thế mà có sự phân biệt mộ giàu hay mộ nghèo. “Mộ nào cũng là nơi yên nghỉ của một con người, làm ẩu làm tả coi sao được!”, đó là tâm niệm chung của những người làm nghề tảo mộ nơi đây. Có những ngôi mộ mấy năm trời không thấy ai tới lui thăm viếng, người thợ tảo mộ vẫn cần mẫn coi sóc, coi như một nghĩa cử “làm ấm lòng người nằm dưới đất”.

 

Và cuối năm, lên Bình Hưng Hoà nhìn những khu mộ sạch sẽ, khang trang; tôi - một người đang sống - cũng cảm thấy ấm lòng. 

 

Đức Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm