Hải Phòng
Nghệ sĩ violin đường phố Hải Phòng qua đời vì tai nạn giao thông
(Dân trí) - Khoảng gần 12h trưa nay (28/7), sau khi biểu diễn tại đường Lê Hồng Phong, trên đường về nhà, ông Đỗ Bá Lý, nghệ sĩ violin 82 tuổi đã qua đời bởi va chạm giữa chiếc xe máy chở ông và xe container. Sự ra đi của ông khép lại một cuộc đời đầy gian truân và để lại nhiều sự tiếc nuối về một tiếng đàn từ lâu đã trở nên thân thuộc trên đường phố...
Thông tin từ công an quận Ngô Quyền cho biết, lúc 11h45 một vụ TNGT xảy ra trên đường Nguyễn Bỉnh khiêm (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) làm 1 người tử vong tại chỗ.
Theo đó, chiếc xe ôm chở ông Đỗ Bá Lý (nghệ sĩ violin đường phố) lưu thông theo hướng BigC – Lạch Tray đến đoạn trước cửa số nhà 203 thì va chạm với xe container BKS 15LD – 00479 kéo rơ-mooc chạy cùng chiều. Vụ va chạm khiến ông Lý ngã xuống đường và tử vong. Người cầm lái xe máy bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, sáng nay 28/7, ông Lý vẫn ra khu vực ngã tư Lê Hồng Phong – Nguyễn Bỉnh Khiêm (gần siêu thị Big C) kéo đàn violin như thường lệ. Đến trưa, ông được một người lái xe ôm đến đón về nhà ăn cơm trưa. Không may đến đoạn đường trên đã xảy ra tai nạn.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng đã có mặt, phong toả, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và đưa thi hài ông Lý về Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp để quàn tại đó. Bà Lâm Thị Hải, vợ ông Lý cũng có mặt tại hiện trường sau khi tai nạn xảy ra.
Ông Đỗ Bá Lý được biết đến như một “nghệ sĩ đường phố” ở Hải Phòng từ nhiều năm qua. Hình ảnh người nghệ sĩ già hàng ngày vẫn mưu sinh ở các ngã tư, công viên với cây đàn violin đã trở nên thân thuộc với nhiều người Hải Phòng.
Không chỉ thân thuộc bởi những bản nhạc réo rắt, da diết… đi vào lòng người mà người “nghệ sĩ đường phố” này còn khiến bao người thương cảm vì cuộc đời đầy cay đắng, cơ cực và gian truân của ông.
Chính vì vậy, ngay sau khi hình ảnh về cái chết thương tâm của ông được mạng xã hội truyền đi cùng với lời kêu gọi ủng hộ đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của rất nhiều người.
Trên Facebook nickname Văn Tớn bày tỏ: “Cuộc sống này chỉ được nghe cụ kéo đàn mấy lần nhưng thấy cuộc đời đã đè nặng lên thân thể ấy. Cụ an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Thiên thu vĩnh biệt 1 nghệ sĩ tài ba”.
Nickname Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ: “Cả cuộc đời cụ là những bi thương mất mát. Vĩnh biệt cụ người nghệ sĩ tài hoa”.
Nickname Phạm Duy: “Sáng nay trên đường đi về mình vẫn còn nhìn thấy cụ, cuộc sống thật ngắn ngủi. Cầu móng linh hồn cụ sớm siêu thoát”.
Khép lại một cuộc đời đấy gian truân
“Nghệ sỹ đường phố” Đỗ Bá Lý sinh năm 1935, là người Hải Phòng gốc. Ngay từ nhỏ gia đình đã phát hiện năng khiếu âm nhạc của ông nên đã sớm cho ông theo học nhiều loại nhạc cụ trong đó có đàn violin.
Trải qua nhiều biến cố, gia cảnh hết sức éo le nhưng gia đình, nhất là mẹ ông vẫn giúp ông thực hiện được mơ ước của mình.
Thời kỳ bao cấp, ông Lý được Đoàn Cải lương Hải Dương đón nhận, ông trở thành nhạc công của đoàn và lập gia đình trong giai đoạn này. Sau đó vợ ông tái phát bệnh tim bẩm sinh và mặc dù ông đã dốc hết sức lực cùng tài sản để mong giành lại sự sống cho người vợ nhưng cũng không thắng nổi mệnh trời. Vợ mất, nhà cửa không còn, một nách 3 con dại, ông Lý như rơi xuống vực thẳm.
Tuy nhiên số phận dường như đã mỉm cười khi ông gặp và tái giá với bà Lâm Thị Hải (khi đó là công nhân Xí nghiệp mì sợi Hải Phòng) vào năm 1979. Do cuộc sống khó khăn, ông bà quyết định không sinh con mà tập trung nuôi dạy con riêng của mỗi người. Cứ thế ông bà đã bên nhau cùng vượt qua những năm tháng gian khó, nuôi dạy các con.
Thế nhưng cuộc đời dường như chẳng ưu ái đối với ông bà, khi tuổi đã già, sức đã cạn thì các con riêng của ông bà người chẳng may mất vì bạo bệnh, người phiêu dạt làm ăn xa nên ông bà vẫn phải tự bươn chải, xoay sở lo cho nhau.
Năm 2002, ông Lý lâm bệnh phải lên Hà Nội chữa trị cả tháng trời, bà Hải tần tảo chợ búa gom từng đồng gửi lên để ông chữa bệnh.
Chưa hết, bà Hải trong một lần đi bán rau ở chợ không may bị tai nạn gãy chân. Gánh nặng dồn cả lên đôi vai gầy của ông Lý nên ông đành mang sáo ra chợ thổi để có tiền lo cho mình cùng người vợ ốm đau.
Sau rồi ông cũng tích cóp mua được chiếc đàn violin cũ và từ đó cây đàn trở thành vật bất ly thân, theo ông suốt những năm tháng sau này để mưu sinh. Bà Hải, vợ ông sau này được xuất viện nhưng lúc nào cũng phải có cặp nạng gỗ làm bạn.
Ông Đỗ Bá Lý và vợ bên mâm cơm gia đình
Hai ông bà thuê trọ ở gần trường ĐH dân lập Hải Phòng. Căn phòng ở một xóm trọ sinh viên, nhỏ xíu chỉ chừng hơn 10m2. Hàng ngày đều đặn ông Lý mang theo cây đàn ra khỏi nhà mưu sinh và trở về nhà khi tối muộn. Cuộc sống tuy nghèo nhưng ông bà sống rất hòa thuận, vui vẻ, chẳng ai nghe thấy ông bà to tiếng với nhau bao giờ.
Một nhóm tình nguyện sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của ông bà Lý đã tìm đến chia sẻ, động viên và giúp đỡ. Ông Lý đã được mời giảng dạy cho lớp học về đàn violin cho một trường học. Và thế là hàng ngày, cứ ban ngày là một “nghệ sĩ violin đường phố” đến tối lại là một giảng viên, truyền dạy những kỹ thuật và hiểu biết của mình tới các học viên.
Số phận thật nghiệt ngã vẫn không chịu buông tha ông. Tai họa đã ập đến khiến người nghệ sĩ đường phố đã phải rời bỏ cõi trần, để lại người vợ bệnh tật và sự tiếc nuối của những người đã biết đến tiếng đàn của ông nhiều năm qua.
An Nhiên