1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

“Nghệ nhân làng” nhặt phế liệu làm rối điện

(Dân trí) - Sau khi đoàn múa rối nước tan rã, để thỏa niềm đam mê và tình yêu dành cho con rối nước, “nghệ nhân làng” Hồ Văn Thân đã tự mày mò tìm hiểu, đi nhặt những chiếc mô tơ nhỏ và chế ra một giàn rối điện tự động.

Nhặt phế liệu “chế” dàn rối tự động điêu luyện

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó của mảnh đất làng Quỳnh (Nghệ An), từ nhỏ khi có dịp được xem những màn múa rối nước điêu luyện vui nhộn của các đoàn múa rối nước trong các dịp hội làng, cậu bé Hồ Văn Thân, xóm Xuân An, xã Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đem lòng yêu những câu hò, vở tuồng, điệu lý, những con rối nước tự lúc nào không biết. Tình yêu, niềm đam mê cứ lớn dần và trở thành một ước mơ, một khao khát mãnh liệt là được tự mình điều khiển những con rối trong tiếng reo hò, tràng pháo tay cổ vũ của khán giả phía dưới.
 
“Nghệ nhân làng” nhặt phế liệu làm rối điện
Ông Hồ Văn Thân với giàn rối đồ sộ “Hợp tấu nhạc Tây Nguyên” với 15 nhân vật và 15 nhạc cụ của mình.
 
“Hồi đó nhìn những đoàn biểu diễn rối sao mà tài tình đến thế. Những con rối cứ múa lượn thật sinh động, cuốn hút. Mỗi vở múa là một nhân vật, một sắc thái tình cảm, mỗi kiểu hành động, điệu bộ cứ y như nó có linh hồn thật ấy... Tôi chỉ mơ mình có thể cầm giây tự tay mình điều khiển chúng thôi”, ông Hồ Văn Nhân chia sẻ.
 
Cuộc sống nghèo khó, rồi phải lo cơm áo gạo tiền sau khi lập gia đình khiến ước mơ của ông vẫn mãi chỉ là mơ ước. Cách đây hơn 10, ông mới thực sự được thỏa cái niềm đam mê bấy lâu nay khi được nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê.

Ông bảo: “Được vào đoàn, được sở hữu những con rối ban đầu đó chỉ là những vai diễn nhỏ nhưng với tôi như thế là đã vui lắm rồi. Càng đi diễn, kiên trì tập luyện tôi cũng nhận được nhiều vai chính”. Nhưng niềm vui đến với ông Thân cũng chỉ ngắn tày gang chỉ sau một thời gian đi lưu diễn khắp các vùng đất xứ Nghệ đoàn múa rối nước đồng quê giải thể không hoạt động nữa.

Phần vì tuổi tác của những thành viên trong làng đã quá cao, phần cũng vì “đất diễn” của loại hình nghệ thuật này đã dần bị thu hẹp nhường chỗ cho những loại hình nghệ thuật mới theo xu hướng của thị trường.

Ông trở về với ruộng vườn, không còn được đi diễn nữa ông thấy nhớ con rối đến da diết. Tuy nhiên một mình ông không thể điều khiển cả một giàn nhân vật theo đúng các hoạt cảnh mà mình dàn dựng được. Trăn trở bao nhiêu đêm, cuối cùng ông quyết tự mày mò tìm hiểu, tự mình chế ra một dàn rối tự động chạy bằng điện để cùng một lúc tất cả các nhân vật đều có thể biểu diễn theo một hoạt cảnh dựng sẵn?
 
Vở “Nhảy sạp” với 12 nhân vật, rộn rã trong tiếng nhạc mà ông Thân đã dày công sáng tạo, chế tác.
Vở “Nhảy sạp” với 12 nhân vật, rộn rã trong tiếng nhạc mà ông Thân đã dày công sáng tạo, chế tác.

“Khi đó tôi đi nhặt, đi xin rồi tìm mua những cái mô tơ (mô tơ điện) cũ từ các bãi đồng nát. Vì tất cả các nhân vật đều sử dụng một mô tơ chính nhưng mỗi nhân vật lại phải có một mô tơ phụ để sử dụng riêng. Làm được một giàn rối với khoảng 7 - 8 nhân vật rất công phu, mất thời gian nhiều lắm. Từ việc tạo khung chung cho mỗi vở, rồi tạo hình nhân vật, đến dáng vẻ điệu bộ, rồi đấu nối dây, may trang phục, nhạc cụ... cũng phải mất cả tháng chưa chắc đã xong”, ông Thân chia sẻ thêm về quá trình  làm ra một giàn rối tự động.

Người thổi hồn vào những hình nộm vô tri

Khi giàn rối tự động đầu tiên ra đời, ông Thân quyết định biểu diễn buổi đầu tiên cho bà con trong xóm cùng xem. Cùng một lúc cả giàn rối với gần 10 nhân vật tự động hát múa theo đúng nhịp điệu của bài hát khiến những “khán giả” làng có mặt không khỏi trầm trồ thán phục, thích thú theo dõi.

Thấy bà con yêu thích, ông Thân càng hăng say chế tác thêm nhiều giàn rối mới. “Muốn làm lắm nhưng chỉ những lúc nông nhàn tôi mới có thời gian làm. Khó nhất là việc làm các nhân vật sao cho giống từng điệu bộ. Người kéo đàn ánh mắt phải nhìn chăm chú nhìn vào cây đàn, đôi tay phải uyển chuyển kéo theo nhịp. Rồi trang phục cho các nhân vật nữa. Mỗi vở, mỗi lớp nhân vật là một loại trang phục khác nhau sao cho đúng với bản sắc văn hóa” - ông Nhân vui vẻ chia sẻ.
 

Với ông mỗi nhân vật ra đời là một đứa con tinh thần. Ông thổi hồn mình vào con rối.

Hiện ông Thân đã chế tác được hơn 10 giàn rối tự động khác nhau, được chia ra làm các vở như: Độc tấu đàn bầu, Nhảy sạp, Nhạc Tây Nguyên, Nhạc then, múa nụ xòe, Nhạc trẻ, Bộ gõ... Vở có nhiều nhân vật mà ông dày công chế tác nhất là vở nhạc Tây Nguyên với 15 nhân vật, cùng các loại nhạc cụ.

“Hàng năm giáo hội cũng như ở xóm làng thường mời tôi ra diễn cho bà con xem vào các dịp lễ Tết. Ai cũng vui, đông người xem lắm bởi người ta thấy lạ thấy hay. Tôi còn muốn chế tác thêm nhiều giàn rối nữa và cố gắng hoàn thiện hơn từng nhân vật bởi sắc thái trên khuôn mặt hay hành động vẫn chưa đạt lắm”, ông Thân nói.

 
Một đội nhạc trẻ.
Một đội nhạc trẻ. 

Tình Huê - Lany Nguyễn