Nghệ nhân già và những bảo vật xưa nay hiếm
(Dân trí) - Sở hữu trong tay những món cổ vật vô giá nhưng người nghệ nhân 81 tuổi ấy vẫn sống một cuộc sống rất đỗi bình dị trong căn nhà nhỏ giữa thành phố Huế...
Những ấm trà khiến dân đồ cổ mê mẩn
Nghệ nhân Lê Văn Kinh, chủ hiệu thêu Đức Thành, nổi tiếng là người đã lưu giữ nghề thêu truyền thống Cung đình của Huế. Ông là một trong những nghệ nhân dân gian của Việt Nam được Bộ Văn hóa - Thông tin trao bằng chứng nhận đợt đầu tiên. Ngoài sở hữu những ngón nghề thêu truyền thống, hiện tại ông Kinh còn cất giữ nhiều bảo vật quý giá có một không hai.
Đặt nằm sấp thì miệng ấm, quai và vòi nằm trên một mặt phẳng.
Chiếc ấm Tuyên Đức có quai bằng đồng đen gắn vào ấm bằng đất nung bằng kỹ thuật chưa ai khám phá
Chiếc ấm Tuyên Đức được làm bằng đất nung, có gắn chiếc quai bằng đồng đen. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ nung của chiếc bình đất đạt tới 2.000 độ C, trong khi đó nhiệt độ nóng chảy của quai đồng chỉ tới 1.200 độ C. Vậy làm sao người ta có thể gắn được chiếc quai đồng vào ấm trà là một bí ẩn của công nghệ mà tới nay các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được. Đặc biệt, khi đặt nằm sấp thì từ quai ấm, miệng ấm đến vòi đều bằng nhau, cho thấy cổ vật này được chế tác tinh xảo, công phu như thế nào.
Bộ chén Nhất Tống tứ Quân có tuổi hơn 500 năm
Ngoài bộ ấm chén, ông Kinh còn sở hữu nguyên một bộ dụng cụ pha chế đầy đủ theo cách uống trà xưa: Một cây đũa ngà voi dài, một bình hoa nhỏ có đế gỗ, một hũ đựng trà. Một cù lao đồng thau có lõi ruột để đựng than hầm đảm bảo trong khoang xung quanh luôn đủ độ nóng để pha trà. Hai khay gỗ nhỏ nhắn một bằng gỗ trắc, một bằng gỗ mun được chạm trổ tinh xảo cho thấy người thợ xưa đã dồn tâm tâm, dồn trí vào từng nét đục.
Báu vật bị "bỏ quên" trong hốc tủ
Tác phẩm Cành vàng lá ngọc ở Huế hiện chỉ còn ba bộ, bộ của ông Kinh là bộ nguyên bản 100%
Cành vàng lá ngọc gồm hàng chục hạt ngọc đủ loại
Ông Kinh cho biết, Cành vàng lá ngọc ông đang lưu giữ vốn do vua ban tặng cho ông ngoại của ông là Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo. “Tác phẩm này còn nguyên vẹn như ngày hôm nay cũng là do gia đình chúng tôi “để quên” trong hốc tủ. Những năm đói kém của gia đình như năm 1978, nếu không bị bỏ quên thì chắc cũng đã rứt ra vài trái ngọc đem bán kiếm sống rồi”, ông Kinh nửa đùa nửa thật.
Chiếc đĩa có khả năng giữ nóng cho thức ăn
Chiếc độc lư dùng để xông trầm trong những ngày giỗ, chạp
Bình rượu và chén rượu dùng trong cung đình xưa
Những món cổ vật mà ông Kinh gìn giữ đã có rất nhiều người hỏi mua, trong nước có mà nước ngoài cũng có, từ giới mê đồ cổ chuyên nghiệp cho đến những người có tiền muốn mua về trưng bày trong tủ kính. Nhưng ông Kinh nhất quyết không bán vì với ông cổ vật là vô giá, hay đúng hơn là không thể tính giá trị bằng tiền mà nặng ở giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của nó.
“Sẽ có lúc nào đó tôi sẽ tặng lại cho bảo tàng những món cổ vật này. Việc tôi trình làng cho mọi người cùng xem cũng là để cho những bảo vật quốc gia này sẽ không mất đi, để con cháu sau này còn được biết đến di sản văn hóa của cha ông một thời”, ông Kinh khẳng định.
Bài, ảnh: Sông Lam