1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Nghề” ngủ trong quan tài

Chỉ cần chui vào quan tài nằm im giả chết từ khuya tới sáng là có tiền từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/lần, tuỳ theo chủ trại hòm lớn hay nhỏ, “sộp” hay “keo”. Nếu chủ trại hòm bán được nhiều quan tài, người giả chết sẽ được thưởng thêm vì có nhiều người chết thật!

Lâu không được chết” lại thấy... nhớ

Đang lai rai mấy chai bia, tán gẫu cùng ba người bạn là Vinh, Hiển và Linh trong một quán cóc trên đường Trường Chinh (Q. Tân Bình, TPHCM), Tý mừng rỡ khi nhận được điện thoại của một chủ trại hòm ở gần khu nghĩa trang Bình Hưng Hoà.

Nói chuyện xong, Tý hớn hở khoe: “Đêm nay tao lại được ngủ trong chiếc quan tài “xịn” nữa rồi. Tội nghiệp vợ chồng anh chị Tám chủ trại hòm, vừa xuất xưởng mấy chiếc nhưng bị ế nên nhờ tao “mở hàng”. Tao mà ra tay thì linh lắm, chắc chắn sẽ bán ào ào”. Cả nhóm cùng nâng ly chúc Tý ngủ ngon và có giấc mơ đẹp trong... quan tài!

Tại TPHCM có một bộ phận người dân chuyên kiếm sống bằng những nghề đòi hỏi phải có “thần kinh thép”! Đó là nghề nhặt xác chết vô danh, nghề canh nhà xác, nghề trang điểm làm đẹp người chết trước khi cho vào quan tài, “tạo hình” cho người chết không nguyên vẹn (do tai nạn), tắm rửa, gói xác, tẩn liệm, châm lửa đốt xác trong các lò thiêu, canh giữ mộ tại các nghĩa địa... Những công việc này tuy khá “đặc biệt” nhưng tính chất và mức độ “kỳ lạ” chắc hẳn không bằng công việc của Tý.

Tuy “thâm niên” chưa cao nhưng với hơn 5 năm kể từ khi theo “sư phụ” thử việc, Tý đã có hàng trăm lần chui vào... quan tài nằm từ 11 giờ đêm đến sáng hôm sau.

Tý tâm sự: “Công việc mới nghe qua rất đơn giản, nhưng khi làm thì hoàn toàn không dễ chút nào. Những ngày đầu tập tễnh vào “nghề”, mỗi lần chui vào quan tài tôi lại cảm thấy buốt lạnh cả xương sống, suốt đêm không sao chợp mắt được. Đầu óc nghĩ ngợi bao nhiêu chuyện rùng rợn, kinh hoàng dẫn đến sợ... đủ thứ!”.

Cũng theo lời Tý, "để tránh suy nghĩ miên man, hễ đêm nào có “mối”, tôi sương sương nửa lít hay ba xị đế cho say bí tỉ rồi chui vào quan tài đánh một giấc tới sáng. Hôm nào mệt, nốc rượu không nổi, tôi lại nhờ đến mấy viên thuốc an thần... Mọi chuyện làm riết rồi cũng quen, sự sợ sệt, nỗi ám ảnh dần tan đi.

Giờ đây, tôi xem ngủ trong quan tài hay trên giường cũng gần như nhau. Thậm chí lâu lâu không được “chết”, tôi lại cảm thấy... nhơ nhớ”.

Nói mạnh bạo vậy chứ Tý vẫn còn sợ mỗi khi được chủ trại hòm X trên đường Tân Kỳ Tân Quý thuê. Tý kể: “Chẳng biết nghe được ở đâu mà theo chủ trại hòm này, cứ nửa đêm (đúng 0 giờ) dùng búa gõ mạnh vào chiếc hòm ba cái sẽ bán được “hàng” (?).

Ông ta nói, nếu gõ vào quan tài tôi đang “chết” thì càng linh hơn. Nằm trong quan tài, nghe tiếng gõ, tôi muốn thót tim. Liền sau đó là lời khấn vái của ông chủ đến rợn người. Thêm vào đó là mùi nhang (do ông chủ đốt) phải ngửi suốt gần nửa giờ, giống như cúng người chết thật càng làm tôi thêm hoảng!

Tuy bị “tra tấn” nhưng bù lại chủ trại hòm này rất “sộp”, trước đây trả từ 100.000 đến 150.000 đồng cho một lần “chết”; nay do vật giá leo thang, ông ta tăng thêm 50.000 đồng/lần. Nếu trong tuần bán được nhiều quan tài, tôi được thưởng thêm hai ba trăm nghìn”.

Vì sao chủ trại hòm thuê người chui vào quan tài giả chết? Thắc mắc của chúng tôi được Tý giải đáp ngay: “Có gì đâu, do “hàng” bị ế nên một chủ trại hòm mới bày ra trò này vừa “xả xui” vừa hy vọng bán được nhiều quan tài.

Thường chỉ một số ít chủ trại hòm làm, còn đa số cho rằng bất nhân thất đức, thậm chí còn là điều kiêng kỵ vì trù ẻo nhiều người chết. Tôi thì chẳng quan tâm, ai thuê thì tôi “chết” trong vài giờ, sáng ra sống lại, nhận ngay tiền công...”.

Giả “chết” mãi rồi cũng thành chết thật

Tin thằng bạn tên Lý ra đi ở tuổi 35 khiến Tý vừa buồn vừa sợ. Lý không chỉ là bạn chí cốt mà còn cùng làm công việc chết giả như Tý. Cả hai luôn hỗ trợ nhau rất nhiệt tình. Hôm nào có “mối”, nếu ai bận không làm được thì người kia sẵn sàng “chết” thay. Sau khi nhận tiền thì “chia sẻ” với bạn bằng ly cà phê, điếu thuốc thơm.

Nhớ bạn, Tý không cầm được nước mắt: “Hai anh em sinh ra và lớn lên gần “thành phố buồn” Bình Hưng Hoà, ngày qua ngày chứng kiến cảnh người sống tiễn đưa người chết về thế giới bên kia. Tụi tôi đã quen với cảnh sinh ly tử biệt như cơm bữa.

Có lẽ vì thế nên không ngần ngại khi làm cái việc chết giả này. Thằng Lý hay nói vui, người ta thì chết thật cũng trở nên bình thường, còn mình chỉ chết giả có gì mà sợ! Nhưng không ngờ nó đã chết thật rồi, thương nó quá!”.

Đám tang của Lý được làm đơn sơ. Chiếc quan tài hạng bình dân cùng toàn bộ chi phí mai táng cho Lý được chủ một trại hòm (từng thuê Lý chết giả trước đây) lấy giá vốn 5 triệu đồng.

Cũng như Tý, công việc chính của Lý là thổi kèn cho các đám tang. Tý cho biết: “Công việc này bấp bênh lắm, có ngày vài ba đám, có hôm nằm chèo queo ở nhà chẳng biết làm gì. Đó là lý do khiến tôi và Lý rủ nhau làm thêm việc chết giả để tăng thu nhập.

Nay nó theo “chầu ông bà” do bệnh nan y, không liên quan gì đến việc chết giả, vậy mà mấy đứa bạn cứ đùa tôi coi chừng có “huông” chết thật theo bạn chí cốt! Đôi lúc cũng cảm thấy lo lo nhưng tôi vẫn tiếp tục chết giả nếu có người thuê, khi nào chết thật như Lý hẵng hay”.

Theo Văn Cương
Báo Công an TPHCM