Nghề “nắn”, “bóp” cân gian
Lâu nay, cân thiếu trong mua bán hàng hóa ở các chợ rất phổ biến. Những chiếc cân bàn, cân đồng hồ, cân điện tử... chỉ cần đem đến “thợ độ” chỉnh lại là người bán hàng ăn gian được từ vài kg đến vài chục kg, tùy loại cân.
Những chiếc cân được bày bán trước tiệm sửa chữa cân (Ảnh: PLTPHCM)
Một kg thiếu mấy lạng
Một chiếc cân đồng hồ loại 4 kg của Công ty Nhơn Hòa được một cơ sở sửa chữa cân gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) bán với giá 130 ngàn đồng. Theo lời người bán, đây là hàng mới, chỉ bị trầy xước chút ít. Anh này tiếp luôn: “Cân này đúng giá phải hơn 250 ngàn đồng nhưng tôi bán nửa giá cộng thêm tiền công chỉnh sửa. Ai muốn chỉnh lệch bao nhiêu, tôi chỉnh sửa luôn”! Anh ta còn tiết lộ kinh nghiệm: “Nếu như bán hàng rong thì chỉnh thiếu nhiều, còn bán ở nhà hoặc sạp cố định thì chỉnh thiếu ít thôi”. Thấy chúng tôi lưỡng lự, anh ta xổ toẹt: “Mấy bà ở chợ nông sản này toàn xài cân của tôi. Ai mua cân mới cũng tới đây chỉnh lại rồi mới dùng. Nhờ cân, 1 kg trái cây bán ra lời được vài lạng không phải lợi hơn sao?”.
Tại một cơ sở chỉnh sửa cân ở phường Tam Bình (quận Thủ Đức), trên kệ trưng bày hàng chục cân đồng hồ đủ loại. Vài cái cân bàn loại 500 kg nằm chình ình phía trước. Một số cân cũ được tháo tung, nằm xếp xó ở góc phòng. Tại đây, giá bán cân đồng hồ hiệu Nhơn Hòa 4 kg “bèo” hơn, chỉ có 100 ngàn đồng, tiền chỉnh cân 5.000 đồng.
Thoắt cái, một anh thợ đem cân ra phía sau nhà để chỉnh. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi hỏi thăm “thợ độ” này. Anh ta nói: “Cân đồng hồ thì chỉnh rất dễ, chỉ cần dùng kìm xoay cái tai ấn lò xo lên một vài nấc là trọng lượng tăng lên khi cân. Còn muốn giảm thì kéo cái tai ấn xuống vài nấc. Cân nào “độ” xong thì 1 kg chỉ còn tám lạng. Làm xong rồi mình niêm chì lại không ai biết đâu. Nhìn bên ngoài chỉ có người trong nghề mới phát hiện được hoặc đem hàng cân lại chỗ khác mới biết”. Anh này kể thêm ở đây có thể chỉnh được tất cả các loại cân đang bán trên thị trường. “Cân đồng hồ, cân bàn, cân điện tử, cân khám sức khỏe từ 1 kg cho đến trăm kg đều có thể chỉnh được. Nhưng chỉnh khó nhất vẫn là cân điện tử vì loại này nhảy bằng số, không như loại cân bằng cơ nên phức tạp lắm, phải làm tới làm lui mấy lần mới chỉnh được”.
Chủ cơ sở đang ghi bảo hành cho khách sau khi đã chỉnh cân xong (Ảnh: PLTPHCM)
Vô giảm, ra tăng!
Trong vai người đi mua cân số lượng lớn để bán các chợ, chúng tôi tiếp xúc với ông Danh, chủ cơ sở AD. “Ở đây có hai loại cân hiệu Nhơn Hòa và Bến Thành. Anh cần số lượng bao nhiêu, có cần kê tiền hoa hồng không, tôi kê luôn. Tuy là hàng xài rồi nhưng chúng tôi mông má lại y chang như mới”. Chúng tôi nói muốn điều chỉnh cân sao cho người bán kiếm lời chút ít. Lập tức, ông liền khoe: “Nếu cần “nắn”, “bóp” thì tôi làm luôn cho”. Tôi hỏi “nắn”, “bóp” nghĩa là gì, ông Danh giải thích: “Tức là chỉnh sửa cân làm sao đầu vô giảm, đầu ra tăng lên thì tôi làm cho”. Tôi hỏi vậy khi “nắn”, “bóp” có sợ bị phát hiện không, ông ta đáp: “Có trời mới biết!”.
Vừa trò chuyện, ông Danh vừa kê hóa đơn bán lẻ một số loại cân từ một đến 100 kg. Theo ông, giá thành trong hóa đơn thấp hơn giá thị trường gần một nửa và đảm bảo “nắn”, “bóp” có lợi cho người mua cân. Nếu khách lấy hàng, chỉ cần điện thoại trước để thợ “nắn”, “bóp” sẵn, khỏi mất công đi lại nhiều lần.
Chống cân gian bằng cân mẫu
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trọng Hiệp, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nhơn Hòa, khẳng định không có chuyện công ty bán cân đã trầy xước ra thị trường. Cân của công ty trước lúc xuất ra thị trường đều được kiểm định, kẹp chì niêm phong hai bên thân cân và dán tem chống giả. Ông Hiệp nói: “Chúng tôi sẽ tung lực lượng kiểm tra các cơ sở làm giả thương hiệu cân Nhơn Hòa để khỏi ảnh hưởng đến uy tín công ty. Nếu mức độ nghiêm trọng sẽ kiến nghị cơ quan pháp luật vào cuộc”.