1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghe lén điện thoại, bí mật ghi hình để điều tra án tham nhũng?

(Dân trí) - Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi vừa được trình UB Tư pháp của Quốc hội đã quy định cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về ma túy, tham nhũng, tội khủng bố, rửa tiền...

Tuy nhiên, qua thảo luận, Nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp cho rằng, việc quy định thời điểm áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt ngay từ khi kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm là chưa chặt chẽ. Cần cân nhắc để xác định thời điểm áp dụng hợp lý, tránh lạm dụng, áp dụng tràn lan như khi xác định được đối tượng nghi vấn hoặc kể từ khi khởi tố bị can.

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị quy định rõ vào trong luật các biện pháp đặc biệt như bí mật nghe điện thoại, ghi âm, ghi hình, khám xét, bóc mở thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, phong tỏa tài sản, nguồn tài chính… chứ không để thể hiện trong một văn bản dưới luật. Yêu cầu khác đề ra là phải làm rõ, biện pháp điều tra đặc biệt được áp dụng với ai, thời hạn bao lâu, người có thẩm quyền áp dụng, người có thẩm quyền phê chuẩn.
Nghe lén điện thoại, bí mật ghi hình để điều tra án tham nhũng?
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hoà Bình giải trình thêm chương quy định về biện pháp điều tra đặc biệt trong dự thảo bộ luật.

Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương nêu quan điểm của Bộ Công an là không nêu việc này, còn nếu đã nêu thì luật phải nêu rõ biện pháp điều tra đặc biệt là gì, chứng cứ của nó có đặc biệt hay không.

“Đã nêu là phải nêu rõ. Biện pháp điều tra đặc biệt là gì? Chứng cứ của nó có đặc biệt không? Nếu đưa mà lại có câu “giao Chính phủ và Viện kiểm sát quyết định các biện pháp điều tra đặc biệt” thì hai cơ quan này cao hơn luật rồi” – Tướng Vương nói.

Ủy viên UB Tư pháp Phạm Xuân Thường cũng cho rằng, đã quy định là phải cụ thể mới thực hiện vì lo ngại “có quy định rồi ông nào cũng đặt máy nghe trộm thì chết”, xâm phạm quyền tự do của người dân.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cân nhắc thời điểm áp dụng: “Từ khi khởi tố bị can mới được áp dụng chứ nếu mới xác minh tin báo tội phạm mà đã nghe lén điện thoại là không được”.

Trong khi đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đề xuất giao tòa án phê chuẩn việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt.

Giải trình thêm về nội dung này, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trước hết khẳng định, thông tin thu thập từ các biện pháp điều tra đặc biệt chính là một nguồn chứng cứ trực tiếp, hiệu quả chứng minh tội phạm. Như nhiều đại biểu đã phân tích, việc này cần thiết trong điều tra án nghiêm trọng, án tham nhũng mà thời gian qua nếu được sử dụng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho cuộc chiến chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Bình cũng giải thích việc không thể quy định các nội dung trực tiếp như các biện pháp đặc biệt là gì, áp dụng như nào, trong trường hợp nào vào luật được vì rất phức tạp.

“Chúng tôi chỉ quy định khái quát về 3 loại án được quyền áp dụng các biện pháp trinh sát, điều tra đặc biệt là an ninh quốc gia, ma tuý, khủng bố - rửa tiền vì đây là những nội dung phải thực hiện theo cam kết quốc tế; tội phạm có tổ chức như trong vụ Năm Cam, Khánh Trắng; sử dụng khi người bị hại, người tố giác tội phạm đề nghị tự nguyện yêu cầu tiến hành các biện pháp trinh sát đó như nghe điện thoại, ghi âm, chụp ảnh, theo dõi. Còn việc hướng dẫn, thực hiện cụ thể như lúc nào nghe trộm điện thoại, bí mật đặt máy ghi âm, ghi hình… thì xin nhường quyền cho Chính phủ (Bộ Công an)” – ông Bình nêu thẳng quan điểm.

Viện trưởng VKSND tối cao giải thích, với sự phát triển công nghệ hiện nay, có đưa vào luật cũng chưa thể hình dung hết các biện pháp, công cụ trinh sát có thể tiến hành vì ngoài nghe trộm điện thoại, kiểm soát thư tín… thì việc đột nhập vào máy tính, máy chủ, tạo ra những bẫy nghiệp vụ trên mạng… thực tế cũng đã có, sao ghi hết được vào luật?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoà Bình cũng nhấn mạnh, dự luật đã quy định chặt chẽ điều kiện sử dụng các biện pháp điều tra đặc biệt, ví dụ như việc nghe trộm điện thoại, nếu có thu lượm được những chuyện bạn bè, đời tư… của đối tượng thì cũng phải huỷ hết các chứng cứ này, chỉ được sử dụng những thông tin phục vụ việc chứng minh tội phạm.
 

Về “quyền im lặng” của bị can, bị cáo, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói: “Chúng ta gọi là “quyền im lặng” nhưng thế giới không gọi như vậy. Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự, chính trị của con người và luật nhiều nước gọi là “quyền không buộc đưa ra lời khai chống lại mình”. Anh chỉ được im lặng, nhận tội hoặc không nhận tội nhưng không được im lặng khi nói về tội của người khác. Anh im lặng khi khai về tội của mình thì đấy không phải tình tiết tăng nặng. Nhưng anh im lặng khi khai về đồng bọn thì hoặc đó là tình tiết tăng nặng hoặc anh ta sẽ bị truy tố thêm về tội không tố giác tội phạm. Đây là vấn đề nhạy cảm nên chúng tôi nêu hai phương án: một là bỏ, hai là ghi”.

Về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây không chỉ là giải pháp chống bức cung, nhục hình mà còn để bảo vệ các cơ quan tố tụng trước khiếu nại của bị can, bị cáo. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện lại đề nghị cân nhắc thêm: “Không phải tất cả cuộc hỏi cung đều ghi âm, ghi hình được. Cấp huyện, vùng sâu vùng xa đâu phải lúc nào họ cũng ghi âm, ghi hình được, như thế thì họ vi phạm tố tụng hết. Có chăng chỉ bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết, căn cứ vào mức án hoặc loại tội”.

P.Thảo