Nghề “ăn” ong vò vẽ
(Dân trí) - Mặc kệ đám ong bò vẽ dữ tợn rít lên trong túi lưới, người phụ nữ nhỏ thó tên Tâm bình thản mở miệng túi dốc đám ong quân vào chậu rượu. Một lúc sau bầy ong chết sạch, chị dùng tay bốc từng nhúm ong cho vào túi để khách mang về.
Tôi rợn mình khi nhìn thấy cảnh này. Năm tám tuổi, một con ong vò vẽ đã đốt tôi một nhát chí mạng ốm liệt giường suốt 3 ngày. Chị Tâm bảo: “Đến tụi em quen bị ong đốt mà còn hãi, nhiều khi nhìn thấy ong là kinh, chỉ muốn bỏ nghề.”
Tâm chỉ là người mua lại rồi đem đi bán dạo ở Hà Nội. "Ăn" ong vò vẽ nguy hiểm, cánh đàn ông còn hiếm người dám làm nghề này vì ong vò vẽ cực độc, năm rồi một cháu bé 16 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc đi chăn bò trêu ong bị ong đốt chết ngay trên đồi.
Dân "ăn" ong vò vẽ chỉ dám bắt vào buổi tối, khi ong về cả trong tổ. Lúc đấy ong ngủ nên người bắt ong chỉ cẩn thận bịt kín cửa tổ là có thể an toàn, vậy mà họ vẫn phải trang bị như phi công vũ trụ: mũ bảo hiểm, áo mưa bộ, găng tay và ủng.
Trên xe của Tâm treo lủng lẳng chục tổ ong, mỗi tổ giá từ 70 đến 100 ngàn đồng tuỳ vào trọng lượng. Loanh quanh một lát, đã thấy đám đàn ông, đàn bà phố tôi vây kín mua hết sạch. Nghe bảo: rượu ngâm ong vò vẽ cường dương bổ thận, tăng cường sức đề kháng của cơ thể... vả lại ăn ong chỉ có mùa.
| |
Ong vò vẽ được cho vào |
Ong vò vẽ ở đây nhiều vô khối, trước kia còn rừng, ong làm tổ ở các vách đá, bụi cây... đến mùa vào rừng mà đốt, mà hun tha hồ mà ngâm rượu, nấu cháo. Bây giờ dân nuôi “Ong ve” như anh Bình “Oanh” nhờ bọn trẻ con thám thính chỗ nào có tổ thì mách cho anh biết. Tổ nhỏ cỡ cái chén thì anh cắt đem về nuôi, tổ lớn đem ngâm rượu, đánh chén.
Không gặp được Bình “Oanh”, tôi đến Ủy ban xã Xuân Hoà gặp Bình “Yến”, vườn nhà anh hiện có 4 tổ ong đang ngụ trên các cành bưởi, cành vải và cả trên tường nhà. Năm nay hạn nên ong vò vẽ làm tổ thấp, tất cả chỉ là đà trên đầu người. "Nước lớn thì ong làm tổ cao, nước nhỏ ong làm tổ thấp”- Đó là các cụ xưa bảo thế, Bình giải thích. Dắt tôi đi thăm mấy tổ ong trong vườn nhà cụ thân sinh, anh Bình cho biết: “Ong mùa này còn non, tổ lớn giỏi lắm cũng chỉ bằng cái ấm tích, nhỏ thì bằng quả cam. Phải từ rằm tháng bảy trở đi tổ ong mới nhiều quân, lắm nhộng, nhiều khi to bằng cái mâm, nặng 6,7 cân, lúc đó mới thu hoạch. Ăn ong theo mùa là vậy".
Tôi cứ nhớ mãi cái cách hành quyết lạnh lùng cả một tổ ong của người phụ nữ tên Tâm. Tôi cũng nhớ cái cảm giác ớn lạnh mê mệt sau khi ong đốt năm lên 8 tuổi. Nghĩ đến cái mặt sưng vù của Bình “ Oanh” khi thều thào nói: “May mà giữ dược cái mạng đấy.” Nghĩ thôi mà nổi cả da gà!
|
|
|
|
Lê Anh Tuấn