1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Phòng:

Ngày về "đắng chát" của người phụ nữ Việt 30 năm lưu lạc xứ người

(Dân trí) - Sau 30 năm lưu lạc xứ người, Mai Thị Sự đã tìm được đường trở về quê hương. Nhưng ngày về bên cạnh niềm hạnh phúc sum vầy là nỗi cô đơn, mất mát, khó khăn khó vượt qua...

Nước mắt ngày hội ngộ

Trong số 3 người phụ nữ Việt Nam được phát hiện tại Bệnh viện tâm thần Phúc Châu (Kiến Xương, Trung Quốc), Mai Thị Sự (SN 1966, quê Đồng Thái, An Dương, Hải Phòng) có hoàn cảnh bất hạnh nhất. Sự còn có tên gọi khác là Nai. Từ nhỏ chị đã sớm chịu cảnh mồ côi, được người chị gái là Mai Thị Hòa nuôi dưỡng trong hoàn cảnh nghèo khó.

Biết tin Sự trở về, bà con lối xóm cùng chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi chia vui với chị em bà Hòa. Trong không khí ấy, chị Sự vẫn chỉ ngồi bất động trên giường, ánh mắt xa xăm hướng về nơi vô định. Dáng người nhỏ thó, đầu tóc đã bị húi trọc, chị bó gối ngồi bất động cả ngày, chẳng nói, chẳng cười và cũng chẳng còn nhận ra mấy người thân.

Bà Hòa ứa nước mắt kể: "Nhà tôi nghèo, tôi đã vất vả nuôi nó từ nhỏ. Cứ tưởng chờ ngày em lớn gây dựng gia đình cho nó chứ ai ngờ nó bỏ đi rồi mất tích, bị lừa sang tận bên Trung Quốc sống cảnh đời nhơ nhớp, khổ sở. Từ ngày biết các cấp ngành đang giúp em tôi trở về với gia đình tôi mừng lắm. Mừng là vậy rồi lại lo lắng nhiều hơn, không biết lâu quá rồi em còn nhớ và nhận ra tôi không. Đó là chưa kể gia cảnh nghèo khó thế này có bù đắp được, chăm sóc hẳn hoi cho em không".

Ngày 18/2, khi nhận được thông báo từ phía chính quyền về việc các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã hoàn tất việc xác minh và đưa chị Sự về nước. Oái ăm thay nhà bà Hòa không chạy đâu ra vài triệu để đi đón người. Bà mạo muội ra xã bày tỏ nguyện vọng, Xã Hồng Thái với trách nhiệm và tình thương dành cho một người con của quê hương mất tích trở về, đã trích 2 triệu đồng để thuê xe đi đón chị Sự.

Chị Sự và chị gái sau 30 năm gặp lại
Chị Sự và chị gái sau 30 năm gặp lại

Theo lời kể của bà Hòa, khi gặp lại em gái, bà đã cảm thấy như ai đang bóp nát tim mình. Em bà ngồi co ro, chân tay tái nhợt, ánh mắt sợ hãi không dám nhìn ai. Bà lại gần chị Sự cũng không nhận ra. Thấy bà Hòa khóc, chị Sự an ủi: “Chị đừng khóc, ngồi đây này”. “Nó né người cho tôi ngồi mà không biết tôi là chị ruột nó. Bao năm lưu lạc đã khiến thân em tôi tàn, tâm em tôi bại mất rồi. Giờ về nhà mà có lúc nó cứ hốt hoảng khi có người lạ, có tiếng nói to...”.

Ký ức đau buồn của 30 năm đen tối

Sau thời gian chúng tôi ân cần trò chuyện và tiếp cận, chị Sự đã đỡ sợ và dần kể lại quá khứ. Chị nhớ lại: "Em thích đi Trung Quốc để chơi nên khi ra khỏi nhà, cứ chỗ nào đường nhẵn là em đi. Đến khi em gặp hai người phụ nữ Việt Nam và được họ đưa sang bên đó. Em bị bán cho một “anh xã hội” (cách chị Sự gọi về những người không quen - PV). Hàng ngày, “anh xã hội” nấu cơm cho em ăn và ngủ với em. Được hơn 1 năm, em chán lại bỏ đi. Sau đó em lại bị bán tiếp cho 3 "anh xã hội" khác. Tại đây, em được nuôi ăn và ngủ với cả 3 "anh xã hội" này. Em thực sự không nhớ em sống với bao người "anh xã hội" nữa, chỉ nhớ là rất nhiều. Khi nào không chịu nổi thì em lại trốn đi. Trời rét em lấy vải mưa làm áo ấm, đói em đi xin ăn. Rồi một hôm, em được nhiều "người xã hội" đưa em vào bệnh viện. Ở đây, em gặp hai người phụ nữ Việt Nam khác. Bọn em nói chuyện được với nhau...”. Chậm rãi từng lời, chị Sự kể: “Em không biết tiếng Trung Quốc nên khi họ hỏi chuyện, em chỉ biết nói tiếng Việt Nam. Em giờ không dám bỏ đi nữa đâu. Đừng đuổi em quay lại nơi đó”. Với miêu tả của chị Sự cuộc sống bị những người "anh xã hội" Trung Quốc xâm hại tình dục suốt 30 năm qua khiến người tiếp xúc không khỏi rùng mình, kinh hãi.

Chị Sự suốt ngày ngồi thu mình bó gối trên giường trong nỗi sợ hãi
Chị Sự suốt ngày ngồi thu mình bó gối trên giường trong nỗi sợ hãi

Khúc mắc lớn nhất của chị Sự khi về lại quê hương là thời gian tới lấy gì để sống, sống như thế nào? Bà Hòa không giấu giếm nói trong nước mắt: "Tôi làm nghề phụ hồ, giờ già rồi không ai người ta nhận. Tôi cũng đang sống nhờ con cái. Bây giờ dẫn theo cô em gái ngớ ngẩn không còn khả năng lao động thì lấy gì để sống bay giờ?".

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Mong, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thái, huyện An Dương cho biết, ngoài việc địa phương đã tích cực kết nối, hỗ trợ kinh phí đi đón chị Sự về, xã sẽ lo xác minh, hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để nhập khẩu, cấp CMND, khám sức khỏe có căn cứ làm thủ tục hưởng chế độ tâm thần cho chị Sự. Bà Hòa là hộ gia đình thuộc diện khó khăn. Vì thế cần sự chung tay của cả cộng đồng lẫn chính quyền để hồi phục cuộc sống cho người phụ nữ 30 sống bất hạnh nơi xứ người.

Thu Hằng