1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Phòng:

Hé lộ cuộc đời cô dâu Việt 30 năm bị đày đọa nơi xứ người

(Dân trí) - Nghe tin về 3 phụ nữ Việt kêu cứu ở Trung Quốc, bà Mai Thị Hòa vỡ òa hạnh phúc khi biết tin em mình còn sống. Em gái bà mất tích gần 30 năm nay trong hoàn cảnh hết sức bi đát. Suốt ngần ấy năm bà luôn để cổng đợi em về.

Tuổi thơ bất hạnh trước ngày mất tích

 
Sau khi báo chí thông tin về việc có 3 cô dâu Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, do bị đánh đập ngược đãi mà mắc bệnh tâm thần, bà Mai Thị Hòa (trú xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng) khóc òa hạnh phúc vì nhận ra trong số 3 người đó có em gái của bà, người đã mất tích suốt 30 năm nay và tưởng sẽ không bao giờ có thể trở về.
 
Bà Hòa chia sẻ, chỉ thoáng nghe được mấy dòng thông tin ngắn ngủi trên báo là: Mai Thị Sự (ở nhà gọi là Nai), sinh năm 1966, quê xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng; có cha là Mai Văn Trạch, chị là Mai Thị Hòa, tôi đã nhận ra em tôi còn sống. Hiện em tôi đang ở Phúc Kiến, Trung Quốc, đường về quê hương dẫu còn xa nhưng tôi mong lắm việc em sớm được trở về với gia đình.
 

Ngôi nhà của bà Hòa nằm khuất sâu trong thôn Kiến Phong và có một điều đặc biệt là cánh cổng không bao giờ đóng chặt. Bà có người em gái út đã mất tích suốt 30 nay. Suốt 30 năm qua chưa đêm nào bà ngon giấc bởi bà vẫn hy vọng em mình sẽ trở về. Qua câu chuyện của bà Hòa, hé lộ cuộc đời bất hạnh của cô gái Mai Thị Sự.


Bà Hòa xúc động khi nhận được thông tin em mình còn sống
Bà Hòa xúc động khi nhận được thông tin em mình còn sống

Chị Mai Thị Sự còn có tên gọi khác ở nhà là Nai. Nai là con gái út trong gia đình nông dân nghèo. Khi cô vừa tròn 3 tuổi thì bị mắc bệnh viêm não. Sau những cơn co giật, sùi bọt mép, Nai trở nên èo oặt và trí tuệ giảm sút. Vì nhà nghèo nên cô bé không được đưa đi bệnh viện chữa bệnh. Đến năm 9 tuổi thì Nai phải nghỉ học ở nhà do sức khỏe quá yếu.
 
Bà Hòa ngấn nước mắt kể tiếp: "Chịu thân bệnh tật, ngớ ngẩn đã đành, khi em hơn 10 tuổi, bố mẹ tôi lần lượt mất vì bạo bệnh. Bản thân tôi phải cáng đáng nuôi hai con thơ và thêm đứa em ngớ ngẩn. Cuộc sống lay lắt trong nghèo đói, rách nát”.
 

Thế rồi sau một lần đi làm đồng về, bà Hòa không nhìn thấy Nai đâu. Cô em gái bà mất tích biệt tăm.

Không lập bàn thờ vì tin em còn sống

Cuối năm 1987, bất ngờ Nai trở về nhà với chị trong tình trạng tiều tụy về thể xác cùng với vết thương đã bị hoại tử, bốc mùi khá to trên mặt. Người chị gái lại phải vừa lo gia đình, vừa lo chữa bệnh cho em. Bà Hòa kể: “Vì thương tật trên mặt, em nó mặc cảm chả dám ra khỏi nhà. Chờ đêm xuống lại lén ra đồng bắt cua, ốc và mót khoai kiếm sống phụ chị. Nghèo nhưng tôi vẫn vui vì em mình vẫn bên cạnh. Bố mẹ tôi nơi chín suối cũng đỡ xót lòng”.
 
Nói đoạn bà Hòa ôm mặt khóc: "Đời không thương gia cảnh nhà tôi, khi em tôi bắt đầu lấy lại được tinh thần thì mùa đông năm 1988 Nai lại mất tích lần nữa. Cứ nghĩ em đi đâu đó rồi về, ai ngờ 30 rồi nó không về nũa. Tôi nghèo quá nhiều lần muốn đi xa dò la tìm em nhưng không có tiền đành gạt nước mắt chịu thương nhớ”.
 

Bà Hòa 30 năm cầu nguyện bên bàn thơ thân sinh mong em gái trở về
Bà Hòa 30 năm cầu nguyện bên bàn thơ thân sinh mong em gái trở về

Nhiều người thân và xóm giềng đã nhiều lần khuyên bà Hòa nên lập bàn thờ cho em gái đỡ tủi, lấy ngày Nai mất tích mà cúng giỗ. Song bằng linh cảm của người chị, bà Hòa tin em mình vẫn còn sống. "Trừ khi nhắm mắt xuôi tay chứ còn sống ngày nào tôi vẫn để cửa chờ con bé ngày đấy", bà chia sẻ. Trong mắt bà Hòa, chị Mai Thị Sự vẫn chỉ là đứa em bé bỏng, bất hạnh nhiều thiệt thòi mà bà yêu thương che chở. Bà kể: "Ngày Nai mới đi, đêm nào tôi cũng cố thức đợi. Nghe một tiếng động khẽ tôi cũng choàng tỉnh vì nghĩ nó về. Vì nghèo tôi đành bất lực ngồi đây chờ vào sự kỳ diệu, mong em về".


Ông Phạm Văn Quy, Trưởng thôn Kiến Phong, trao đổi, thông tin Mai Thị Sự đang còn sống sót và trải qua cuộc sống tủi nhục bên xứ người suốt bao nhiêu năm qua làm cả làng vừa mừng vừa thương. “Khi tôi đang làm đội trưởng đội sản xuất tại địa phương là lúc Nai mất tích. Hôm đó bà Hòa chạy khắp làng trên xóm dưới tìm em. Biết là thương xót nhưng thôn tin về Nai cứ mờ dần theo thời gian mà chính quyền cũng không giúp gì được. Nai còn sống thì ngày về với quê hương chắc không quá xa” - ông Quy nói.
 

 Thu Hằng