1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngày về của 9 ngư dân gặp nạn “tàu lạ”

Sau gần 36 tiếng bị thương, lênh đênh trên biển, đa số các thành viên tàu QNg 2203 bị một tàu lạ đâm rạng sáng 15/7 đều kiệt sức. Cú đâm của chiếc tàu lạ đã khiến tàu QNg 2203 bị chẻ đôi dù đang chạy cùng chiều, chứng tỏ trọng tải giữa hai tàu rất chênh lệch.

10 giờ sáng qua (16/7), chín ngư dân trên tàu cá số hiệu Qng 2203 bị tàu lạ đâm trên vùng biển Bình Định rạng sáng 15/7 đã về đến bến Cổ Lũy, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Có 7 thuyền viên bị thương, trong đó 2 người bị đa chấn thương vùng đầu, trưởng tàu Đặng Nam bị gãy chân phải. Tàu Qng 2203 và toàn bộ ngư lưới cụ đều bị chìm xuống biển.
 
Ngày về của 9 ngư dân gặp nạn “tàu lạ” - 1
Các thuyền viên bị nạn đều đã kiệt sức nên bác sĩ phải cấp cứu ngay trên tàu cứu nạn.

 

Chỉ kịp kêu cứu đúng một câu

 

Sau gần 36 tiếng bị thương, lênh đênh trên biển, đa số các thành viên tàu Qng 2203 đều đã kiệt sức, buộc các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tư Nghĩa và quân y phải cấp cứu ngay trên tàu cứu nạn.

 

Trưởng tàu Đặng Nam cho biết thời điểm bị tàu lạ đâm khoảng 1 giờ sáng 15/7, ở tọa độ 13o45 vĩ bắc và 110o32 kinh đông, ngay trên thềm lục địa, chỉ cách bờ biển Bình Định khoảng hơn 50 hải lý.

 

Lúc đó, ông Nam đang cầm lái, các thuyền viên khác ngủ ở khoang sau. Vì vậy đã không ai kịp trở tay khi chiếc tàu lạ có tải trọng hàng ngàn tấn di chuyển cùng hướng, đâm thẳng từ phía sau tới. Tất cả thuyền viên đều bị văng xuống biển, riêng ông Nam do ở cabin tàu nên không bị văng nhưng cũng chỉ thét vào máy icom một câu “Tàu tui chìm rồi!” để báo cho các tàu bạn và buông lái, lao xuống biển. Ông cùng tất cả thuyền viên đều sặc nước sau cú đâm nhấn sâu xuống biển tới 6-7 sải (khoảng gần 10m).

 

Cú đâm khiến tàu Qng 2203 bị xẻ đôi theo chiều dọc và chìm ngay... Rất may là một chiếc thúng câu và vài áo phao vẫn nổi trên mặt nước và các thành viên trên tàu đã bám được.

 

Dù bị gãy chân nhưng trưởng tàu Đặng Nam tập hợp được anh em bám chắc thúng câu chờ cứu nạn và nếu chết thì cùng chết. Hai thuyền viên Đặng Long và Phạm Văn Kha bị đa chấn thương vùng đầu được cho nằm trên thúng. Những người còn lại bám quanh thúng, vật lộn với sóng lớn đến hơn 4 giờ sáng thì được tàu Qng 2416 của ông Huỳnh Bẻo cùng xã Nghĩa An đến vớt lên.

 

Do ngược gió nên tàu của ông Huỳnh Bẻo đã không thể đưa các ngư dân bị thương vào Quy Nhơn cấp cứu mà vào bờ theo hướng Quảng Ngãi, xa hơn 150 hải lý.
 
Ngày về của 9 ngư dân gặp nạn “tàu lạ” - 2

Trưởng tàu Đặng Nam bị gãy chân phải, được đưa lên xe cứu thương sớm nhất.

 

Tàu lạ: Bỏ chạy và không có đèn hiệu

 

Các ngư dân gặp nạn đều không kịp nhìn thấy số hiệu hoặc căn cứ nào để có thể nhận định được nguồn gốc chiếc tàu lạ. Họ chỉ cho biết đây là chiếc tàu chở container, có tải trọng khá lớn, khoảng vài ngàn tấn. Cú đâm đã khiến tàu cá của họ bị chẻ đôi dù đang chạy cùng chiều, chứng tỏ trọng tải giữa hai tàu rất chênh lệch.

 

Một điểm khá trùng khớp với các vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tàu lạ khác đâm gần đây là tàu lạ này không có đèn hiệu, ngư dân khó phát hiện và bỏ chạy ngay khi gây tai nạn.

 

Trung tá Nguyễn Ngọc Thanh, đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Sa Kỳ, nhận định: Vùng biển tàu Qng 2203 bị đâm dù trong thềm lục địa Việt Nam nhưng nằm ngay trên đường hàng hải có nhiều tàu quốc tế qua lại, do đó nếu không biết số hiệu tàu thì khó xác định được tàu gây tai nạn thuộc quốc tịch nào.

 

Riêng trưởng tàu Đặng Nam có một nhận định đáng lưu ý, cho rằng tàu lạ nhiều khả năng là tàu nước ngoài. Có thể vừa bốc hàng hoặc tiếp nhiên liệu tại cảng Nha Trang, vì tọa độ tàu ông bị nạn nằm ngay trên đường di chuyển của các tàu hàng từ cảng Nha Trang đi ra phía Bắc. Nhận định này được nhiều ngư dân địa phương và một thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tư Nghĩa cho là có cơ sở.

 

Trắng tay

 

Chiếc tàu cá Qng 2203 mới vừa được đại tu hơn 300 triệu đồng, nâng công suất lên 74 CV và đây là chuyến ra biển đầu tiên sau hơn hai tháng đại tu. Để có 300 triệu đồng này, vợ chồng ông Đặng Nam và em trai là Đặng Bân phải vay mượn góp chung.

 

Cú đâm của chiếc tàu lạ không những làm chìm tàu mà còn mất gần 50 triệu đồng tiền dầu, gạo, nước đá và ngư cụ. Chưa hết, anh em ông Đặng Nam còn cho các thuyền viên vay hơn 300 triệu đồng cấn trừ vào phần chia sau này để lo cho gia đình khi họ ra khơi.

 

Tàu chìm, số nợ này cũng chìm theo vì các thuyền viên không ai có khả năng chi trả. Tất cả họ đều trở nên tay trắng.

 

"Rất bất thường!"

 

Đây là phản ứng của ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Theo ông, chuyện va chạm trên biển năm nào cũng có nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, số lượng nhiều hơn hẳn các năm trước.

 

Tỉnh sẽ kiến nghị trung ương hỗ trợ mạnh mẽ cho ngư dân hơn nữa, không chỉ về xăng dầu mà cả bảo hiểm cho tàu và thuyền viên, tăng cường các thiết bị liên lạc. Bởi tàu cá của ngư dân hiện nay đa số thiết bị đều lạc hậu và trước diễn biến bất thường, phức tạp về thời tiết và về tàu lạ thì đây là việc cần làm sớm.

 

Có mặt tại bến Cổ Lũy đón các ngư dân, ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết chỉ từ đầu năm đến nay, huyện Tư Nghĩa đã có 13 tàu các loại bị chìm, trong đó có 4 tàu cá bị chìm do tàu lạ đâm phải. Tất cả tàu bị tàu lạ đâm đều không thể trục vớt, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng, ngư dân khốn đốn.
 

Trước mắt, các thuyền viên bị thương sẽ được hỗ trợ một triệu đồng, bị thiệt mạng được hỗ trợ ba triệu đồng. Và huyện sẽ kiến nghị tỉnh, trung ương hỗ trợ vốn cho ngư dân gặp nạn sắm lại phương tiện trong thời gian sớm nhất.

 

Theo Viễn Sự, Tấn Vũ

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm