1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa:

Ngày Tết, cả thôn nô nức đi... lượm rác

Ai về thôn Quảng Đức (xã Cam Hiệp Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa) ăn Tết lần đầu tiên cũng phải ngạc nhiên vì ngày mùng bốn Tết đã hầu hết người dân trong thôn í ới gọi nhau đi lượm rác. Cái lệ này bắt đầu từ Tết năm 2000.

Ngày Tết, cả thôn nô nức đi... lượm rác - 1
Người dân thôn Quảng Đức rủ nhau đi nhặt rác ngày hôm qua, mồng 4 tết.
 
Tết đi lượm rác

 

6 giờ sáng mùng bốn Tết, em Lê Đình Linh Phương đã sẵn sàng trong bộ áo quần của ngày thường, tay cầm cái bao và một cây gậy dài chừng non một mét gọt nhọn đầu đã được chuẩn bị từ trước Tết.

 

Nơi mọi người tập trung để chuẩn bị xuất phát là sân chùa Từ Đức nằm giữa thôn. Khi Phương đến thì đã có gần trăm người từ trẻ em 6-7 tuổi đến các bác ngoài 60, các em học sinh cấp ba và thanh niên như Phương được khoảng ba chục người. Ai cũng mặc áo quần ngày thường, có người mang ủng, có em mang giày vải. “Người ta thường vứt rác trong các bụi cây, nhiều khi phải chui vô gai mới dọn rác được nên phải mang ủng để khỏi đạp gai, mảnh chai” - Phương giải thích.

 

Đợi các bác uống hết ấm trà, đoàn lượm rác bắt đầu khởi hành. Từ chùa, đoàn lượm rác tiến về hướng đường tàu lửa. Xã Cam Hiệp Nam có một ga tàu với khoảng 4 km đường ray đi qua. Khu vực gần đường tàu thường không có nhà ở nên trở thành nơi vứt rác của một số người ở các xã lân cận. Lượng rác từ các đoàn tàu đi qua xả xuống cũng không ít nên nơi đây bị biến thành bãi rác công cộng, bốc mùi hôi thối bay vào khu dân cư.

 

Người đi lượm rác dùng gậy đầu nhọn chọc xuyên qua những hộp cơm, ly nhựa, bao ni-lông... bị vứt dưới đất, bỏ vào bao rồi tập trung một chỗ cách xa nhà dân, tưới dầu hỏa lên đốt.

 

Ươm mầm cho trẻ

 

Hạt nhân của hoạt động lượm rác ngày Tết là các đoàn sinh gia đình Phật tử Quảng Đức và các đạo hữu của chùa Từ Đức. Vì sao lại chọn mùng bốn Tết để tổ chức đi lượm rác? Anh Nguyễn Văn Lợi, Liên đoàn trưởng gia đình Phật tử Quảng Đức, giải thích đó là ngày các bác và các em rảnh rỗi, không mắc việc đồng áng cũng không đến trường. “Chỉ cần nhín chút thời gian đi chơi là mọi người có thể tham gia một hoạt động xã hội rất có ích và thiết thực!”.

 

Người đem những ý tưởng bảo vệ môi trường về thôn Quảng Đức chính là thầy trụ trì chùa Từ Đức. Những ngày đầu, thầy phổ biến cho đạo hữu và các đoàn sinh của gia đình Phật tử lượm rác ni-lông. Nghe lời thầy thì nghe nhưng thực hiện rất khó vì ở đây từ trước đến giờ đâu có ai làm vậy. Vậy là thầy gặp ai cũng nhắc và chỉ cho cách làm sạch rác ni-lông ở nhà nên các gia đình bắt đầu thực hiện theo. Một, hai nhà đầu tiên phân loại và xử lý rác ni-lông, rồi những nhà khác bắt chước. Bây giờ, nhiều gia đình không đi chùa thấy cách làm hay cũng học theo, gia đình nào không muốn làm cũng không được vì “nhà hàng xóm họ sạch sẽ hết, nhà mình dơ cũng kỳ!”.

Điều lạ là đến giữa năm 2008, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo về việc hạn chế sử dụng rác ni-lông trong sinh hoạt hàng ngày. Ngay cả việc phân loại rác cũng mới chỉ được thực hiện thí điểm tại Hà Nội, TPHCM vài năm nay. Trong khi đó, người dân ở hai thôn Quảng Đức và Suối Cát đã tự thực hiện điều này từ tám năm qua. Mỗi gia đình trong thôn đều có một bao hoặc một giỏ rác để đựng riêng rác ni-lông. Mỗi người đi chợ đều mang theo giỏ để hạn chế dùng bao ni-lông khi mua thức ăn. Cô giáo Hoàng Thị Lan Hà (giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Cam An Bắc, Cam Lâm) tuy đi dạy xa nhà nhưng luôn để trong cặp một bao ni-lông sạch để đi chợ. Không những thế, sau mỗi lần mua thức ăn đem về nhà, cô thường giặt sạch bao ni-lông đã sử dụng để khi đi chợ đem cho lại các chị hàng rau, hàng cá. Nhiều công chức trong thôn thấy tiện cũng học theo và dần hình thành thói quen tự đem giỏ vải hoặc túi lớn đi chợ.

 

Các em nhỏ cũng được cha mẹ giáo dục rất kỹ về vệ sinh môi trường. Điểm nhà trẻ Sao Mai của thôn Suối Cát luôn có hai giỏ rác, một dùng cho rác sinh hoạt và một dành cho rác ni-lông. Các cháu 3-4 tuổi đi nhà trẻ được cô giáo dạy cách phân loại rác và bỏ rác đúng chỗ. Đức Tuấn biết bỏ rác ra đường là xấu vì bà và mẹ của em ở nhà không làm vậy. Như An lớn hơn một chút thì biết vỏ kẹo lâu phân hủy, làm ô nhiễm môi trường, làm cho bà nội bị bệnh, em bị viêm mũi...

 

Ông Nguyễn Cát - một người lớn tuổi ở thôn Quảng Đức cho rằng vốn quý nhất là những hành động bảo vệ môi trường của người lớn đã gieo mầm ý thức cho thanh niên và các cháu nhỏ trong thôn. Sau này các cháu lớn lên, ý thức bảo vệ môi trường từ thời thơ ấu ở thôn sẽ là hành trang quý mang theo vào đời.

 

Tiếng lành đồn xa...

 

Phương cho biết: “Những năm đầu tiên đi lượm rác thấy ngượng lắm. Các bạn vẫn còn mặc áo quần đẹp đi chơi, còn mình đi lượm rác, “ốt dột” (quê - PV) gì đâu!”. Thế nhưng chính thầy trụ trì, các chú trong chùa, các bác lớn tuổi và cả các anh chị trong gia đình Phật tử cùng đi nên các em cũng hết “ốt dột”. Những năm đầu, số người lượm rác chỉ gói gọn trong nhà chùa và các em đoàn sinh của gia đình Phật tử. Đến năm 2008 và Tết năm nay, đã có nhiều người ngoài gia đình Phật tử tham gia.

 

Nhưng kết quả đáng mừng nhất của việc làm này là ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác của người dân trong xã đã thay đổi rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Thu ở gần đường tàu (thôn Suối Cát) nói: “Thấy người ta ở đâu tới dọn rác trước nhà mình, mình cũng mắc cỡ! Lâu lâu rảnh tôi cũng ra dọn rác ngoài đường tàu. Nhiều người ở đây cũng đã thay đổi thói quen đổ rác ra đường tàu chứ trước kia, lúc nào ở đây cũng có vài đống rác to tướng”.

 

Nhiều giáo viên, thanh niên con em trong thôn khi đi làm ăn xa đã mang theo nếp sống của thôn đến nơi lập nghiệp mới. Tại trường mình dạy, cô Lan Hà cũng phổ biến cho đồng nghiệp và học sinh cách sử dụng tiết kiệm bao ni-lông, dọn rác nơi công cộng và bảo vệ môi trường. “Ban đầu ai cũng kêu khó thực hiện vì rác ni-lông tùm lum trong sân trường, ngoài đường làng, lượm sao cho hết. Mình lượm rồi người khác cũng xả ra, sức đâu mà làm?”. Không ai ủng hộ thì cô Hà làm một mình, mỗi ngày một chút. Rồi có một, hai đến nhiều học sinh làm theo cô. Hiện giờ, tuy chưa được sạch hoàn toàn nhưng ít nhất trong khuôn viên của trường học cũng đã hết thấy rác ni-lông bay vương vãi.

 

Linh Phương bộc bạch: “Giờ em đi học xa, đọc báo, nghe đài mới biết rác ni-lông đang là vấn đề lớn của xã hội. Ngẫm lại thấy những việc làm của thôn mình là quý”. Năm nào về Tết, Phương cũng tham gia lượm rác cho... khỏi quên.

 
Theo Ngọc Hà
Pháp luật TPHCM