1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngày nào cũng… chạy!

(Dân trí) - “Chị xin cái cốc”, nói chưa trọn câu cô bán hàng đã đưa tay hất toẹt cốc nước khách đang uống xuống đất, vơ tất cả đồ đạc vào chiếc sọt nhựa rồi… "phi nước đại". Phía trước, cậu con trai đã xách mấy can nước cắm đầu cắm cổ chạy.

Trò “đuổi bắt”

Mấy quán trà đá ở cổng trường ĐH Thủy Lợi (đường Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) lúc nào cũng đông nghẹt người. Người uống nước “bịt kín” cả hai lối ra vào vườn hoa trước trường. Trong khuôn viên vườn hoa, cũng rải rác có vài hàng nước, lượng khách thưa thớt hơn. Điều đặc biệt không hàng nước nào có lấy môt chiếc ghế cho khách ngồi.

Hành lang, ghế đá đều trở thành chỗ ngồi và phần lớn mọi người ngồi lên những tấm xốp mỏng. Từ khi cấm hàng rong tại khu vực này, khách hàng luôn phải nghe chủ quán yêu cầu “cho xin tiền trước” mỗi khi uống nước.

 
Ngày nào cũng… chạy! - 1
Cô hàng nước không lúc nào rời mắt nhìn về phía trước để còn kịp “trở tay”.

“Hành trang” của người bán hàng vô cùng gọn nhẹ: một chiếc làn đựng cốc, xô đá thêm nước trà đã được đóng trong can. Người bán hàng luôn nhấp nhổm, sẵn sàng “phi nước đại” bất kỳ lúc nào được tin công an đến.

Gần như trưa nào tại đây cũng thấy cảnh “đuổi bắt”. Những người bán nước ở đây hình như đã có “chân tay”, luôn biết tin trước vài phút khi lực lượng chức năng xử phạt hàng rong xuất hiện. Khách đang uống nước có thể bị người bán hàng “thu hồi” cốc nước trên tay kể cả khi chưa kịp uống ngụm nào. Chưa đến một phút, đồ đạc đã được gói gọn trong giỏ và họ bắt đầu chạy.

Địa điểm “tạm lánh” dường như cũng được “lập trình” từ trước. Những hàng nước phía bên phải thì lao thẳng vào bên trong cổng trường ĐH Thủy Lợi, dãy bên trái chạy qua vườn hoa rồi vòng sang tận phía bên kia đường Tây Sơn.

Khi xe của đội công an tuần tra đến trước cổng cùng lắm cũng chỉ còn thấy bóng người bán hàng đã khuất ở phía xa. Công an, dân phòng lúc đó còn kiêm luôn nhiệm vụ dọn vệ sinh thu gom những hộp xốp được dùng làm ghế văng tung tóe. Vắng bóng đội tuần tra, hàng nước lại rậm rịch kéo nhau quay ra…

 
Ngày nào cũng… chạy! - 2
Ghế là những miếng xốp và lúc nào khách hàng cũng có thể bị giật cốc trên tay.

Không “chạy” thì… biết làm gì?

Biết mình vi phạm quy định về bán hàng rong nhưng những người bán nước ở đây hầu như không có ý định “nghỉ việc”. Có thể họ bị bắt, có thể bị phạt nhưng chỉ ngay ngày hôm sau sẽ lại đâu vào đấy.

Đưa cốc trà đá cho khách, chị hàng nước tên Q. nói: “Chậm chân tý là bị bắt ngay! Mới đầu bị bắt suốt nhưng bị đuổi nhiều cũng có thêm kinh nghiệm”.

Nhà chị Q. ở gần chợ Thái Hà, chồng chị làm xe ôm, hai đứa con đang đi học. Chị bán nước trước trường ĐH Thủy Lợi đã gần hai năm nay. Khi có quy định cấm hàng rong chị đã tính nghỉ bán nhưng không tìm được việc khác, chị trở lại bán nước.

“Hơn 40 tuổi rồi mà ngày nào cũng phải chạy thế này có báu gì đâu nhưng giờ không “chạy” thì biết lấy gì nuôi con”, giọng chị bùi ngùi, rồi chị chỉ sang hàng nước phía đối diện: “Như bà hàng nước bên đó, gần 60 tuổi rồi vẫn phải nuôi con nuôi cháu. Bà ấy nghỉ bán, đi tìm việc mấy hôm chẳng được lại quay trở ra”.

Chị Q. nói nhưng vẫn nhổm lên nhổm xuống nhìn ra phía ngoài đường, luôn trong tinh thần cảnh giác cao độ. Còn cậu con trai đứng phía sau cũng trong tư thế chuẩn bị bê đồ bỏ chạy. “Lâu lắm rồi không bị bắt, mình tái phạm nhiều lần, giờ mà bắt chắc phạt nặng lắm!”, chị Q lo lắng.

Hỏi chị, ngồi bán nước thế này sao biết công an đến lúc nào để… chạy thì chị cười không trả lời thẳng mà mập mờ: “Cùng cảnh lao động chân tay, người ta thương nhau lắm!”.

Chỉ sau đó vài phút, bác xe ôm phía ngoài vườn hoa cách đó gần trăm mét, tại ngã ba Tây Sơn - Khương Thượng phóng xe máy tiến lại gần hàng nước chị Q, khuơ khuơ hai tay. Thấy thế, chị Q nói với sang các hàng bên cạnh: “Nhanh lên, công an đến”. Mấy hàng nước đồng loạt gom đồ và… chạy!

Bài và ảnh: Hoài Nam