1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương

Chưa đến giờ làm việc hành chính buổi sớm, chỗ để xe của tòa nhà 54 Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã kín chỗ. Có một thay đổi nhỏ trên tấm biển đồng phía trước cổng ra vào của tòa nhà được nhiều người chú ý: dòng chữ <i>Bộ Công nghiệp</i> đã được thay bằng <i>Bộ Công Thương</i>.

Chính thức đi vào hoạt động từ hôm qua, 8 giờ sáng ngày 8/8, Bộ Công Thương đã ghi tên mình vào lịch sử Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII với tư cách là Bộ đầu tiên hoàn thành việc hợp nhất và vận hành theo như quyết nghị của Quốc hội.

 

“Đầu tàu”

 

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Chánh Văn phòng Bộ Công nghiệp (cũ), kể về ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương: “Tại trụ sở Bộ Công nghiệp cũ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có cuộc họp quan trọng đầu tiên với các Thứ trưởng, tiếp đó là cuộc họp với thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.

 

Từ hôm nay, Bộ Công Thương chính thức sử dụng con dấu mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã quyết định sử dụng cách viết tên Bộ Công Thương với cả ba chữ cái đầu là chữ hoa”.

 

Bên trụ sở Bộ Thương mại (cũ), ngoài cổng, chữ trên tấm biển đồng cũng đã được đổi thành Bộ Công Thương, trong Bộ đang diễn ra Hội nghị sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm 2007.

 

Không phải thành phần tham gia Hội nghị, nhưng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng đang có mặt trong phòng. Ông đang nói lời chia tay với những người đã cùng ông làm việc trong gần hai nhiệm kỳ qua...

 

Lân la hỏi chuyện anh bảo vệ thường trực, mới hay ông Bộ trưởng “ấn tượng 2006” đã thu dọn phòng làm việc và bàn giao các tài liệu cần thiết cho Văn phòng từ nhiều ngày trước.

 

Phải chăng thói quen “quyết rất nhanh” của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển - như đã có lần ông trả lời báo giới - đã góp phần đưa Bộ Công Thương trở thành Bộ đầu tiên hoàn thành việc tiếp nhận, chuyển giao, sớm ổn định và đi vào hoạt động?

 

Phó Thủ tướng trẻ nhất của Chính phủ khóa XII Hoàng Trung Hải và nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã gửi gắm những gì cho vị tân Bộ trưởng Công Thương, trong lễ bàn giao nhiệm vụ của hai Bộ, nay dồn vào một Bộ?

 

Một cán bộ ở Văn phòng Bộ Thương mại (cũ) cho biết: “Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói Bộ mới cần hoà hợp, thống nhất nhanh để khẳng định vị trí đầu tàu trong sự nghiệp đưa đất nước tiến cùng thời đại; còn nguyên Bộ trưởng Tuyển nhấn mạnh rằng gắn sản xuất với thị trường, nếu kết hợp tốt thì thị trường trong nước sẽ ổn định, mạnh lên, xuất khẩu sẽ tăng trưởng và hội nhập kinh tế thế giới sẽ nhanh hơn”.

 

“Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”

 

“Hôm nay (9/8), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ đi khảo sát hai trụ sở làm việc của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, để quyết định vị trí làm việc chính thức của Bộ Công Thương” - Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ) giờ là Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết sau phiên họp quan trọng đầu tiên của Bộ Công Thương.

 

Dạm hỏi cuộc họp đầu tiên của “bộ kinh tế lớn” có gì bí mật không, Thứ trưởng Vĩnh vui vẻ trả lời: “Từ 8 giờ đến 9h30, lãnh đạo Bộ và người đứng đầu các vụ chủ chốt đã nhóm họp để thống nhất một số công việc quan trọng trước mắt.

 

Về lãnh đạo Bộ, Bộ Công nghiệp có 4 thứ trưởng (Bùi Xuân Khu, Đỗ Hữu Hào, Châu Huệ Cẩm, Lê Dương Quang), Bộ Thương mại có 3 Thứ trưởng (Lê Danh Vĩnh, Nguyễn Thành Biên, Nguyễn Cẩm Tú). Tinh thần là những đồng chí Thứ trưởng hai Bộ sẽ trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương.

 

Về phía Bộ Thương mại, những phần việc của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân (nay giữ chức Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) tạm thời bàn giao một phần, tôi phụ trách thị trường châu Âu, đồng chí Biên phụ trách hội nhập kinh tế, đồng chí Tú điều hành xăng dầu”.

 

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết, các Vụ: Tài chính kế toán, Kế hoạch đầu tư, Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, báo Công nghiệp và báo Thương mại... đã nhanh chóng được hợp nhất và tạm thời chỉ định người đứng đầu.

 

Là người đã gắn bó với ngành thương mại gần 10 năm trời, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh tâm sự rằng, cảm nghĩ của ông trong ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương là, làm sao Bộ mới hợp nhất ngày càng phát triển nhưng truyền thống của ngành Thương mại cũng như của ngành Công nghiệp không bị mờ nhạt theo năm tháng.

 

“Bộ Công Thương đang có nhiều thuận lợi. Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói rằng phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt và phi trí bất hưng” - Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nói khi chia tay tôi.

 

Nhìn vào lịch điện tử ở cổng ra vào Bộ Công Thương, mới hay sau phiên họp đầu tiên vào buổi sáng, các Thứ trưởng của Bộ cũng như các vụ, phòng ban chức năng đều đã quay lại với những công việc chuyên môn quen thuộc.

 

Theo Võ Văn Thành

Tiền Phong