1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Ngày giỗ tổ tiên Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

(Dân trí) - Sáng ngày 4/5, tại Đình làng An Vĩnh (Lý Sơn), Ban Khánh tiết xã An Vĩnh cùng 13 họ tộc long trọng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân tổ tiên Đội hùng binh Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo lưu truyền về lịch sử, hàng năm, chúa Nguyễn tổ chức tuyển chọn 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn, với nhiệm vụ giong thuyền buồm nương theo gió nồm để vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa bảo vệ bờ cõi và khai thác sản vật của biển. Thời gian thực thi nhiệm vụ vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, đến tháng 8 trở về cửa Eo (Thuận An) để nộp cho kinh thành Huế các loại hải vật quý giá.

Tại đảo Lý Sơn, 70 hùng binh là 70 suất đinh được phân bố đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền theo nguyên tắc luân phiên nhau và người đăng lính Hoàng Sa thường là con thứ (vì người con trưởng phải ở nhà lo tế tự).
Nghi thức lễ cúng.

Nghi thức lễ cúng.
Các bô lão đọc văn tế trước vong linh tổ tiên.

Các bô lão đọc văn tế trước vong linh tổ tiên.

Từ ngàn xưa đến nay, mỗi chuyến biển ra khơi xa, được người dân địa phương lưu truyền với câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Lễ cúng rước hùng binh bên 5 chiếc thuyền câu được sử dụng vươn ra Hoàng Sa năm xưa.

Lễ cúng rước hùng binh bên 5 chiếc thuyền câu được sử dụng vươn ra Hoàng Sa năm xưa.

Lễ cúng rước hùng binh bên 5 chiếc thuyền câu được sử dụng vươn ra Hoàng Sa năm xưa.

Với tính chất nguy hiểm, cơ may trở về nhà rất hiếm, trước khi ra đi, mỗi người đi lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây và 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống thì những món đồ đó là vật dụng để bó xác người. Người chết sẽ được thả trôi trên biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu. Một số rất ít hùng binh có thi thể trôi về đất liền, chẳng hạn như Cai đội Võ Văn Khiết (1786), Cai đội Võ Văn Phú (1803), Cai đội Phạm Quang Ảnh (Ất Hợi, 1815), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (Ất Mùi, 1835), Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (Bính Thân, 1836),…


Hiện nay, hầu hết 13 tộc họ trên đảo Lý Sơn đều có người tham gia trong Đội hùng binh Hoàng Sa. Hàng năm, từ ngày 16 – 20/3 âm lịch, con cháu hùng binh long trọng tổ chức ngày giỗ tri ân bậc tiền nhân, cụ thể hóa bằng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại Đình làng An Vĩnh. 

Năm nay, vì điều kiện kinh tế khó khăn, người dân Lý Sơn không tổ chức lễ hội đua thuyền như mọi năm.

Hồng Long