1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đêm đội mưa gió để thông tuyến đường sắt

(Dân trí) - Gần 10.000m3 đất đá đã chôn vùi hơn 100m đường sắt đoạn qua đèo Hải Vân, một đoạn đường sắt khác ngay hầm Lăng Cô bị lún sâu hơn 1m... Những ngày qua, hàng nghìn công nhân, kĩ sư đường sắt đã đội mưa hứng gió, làm ngày làm đêm để khắc phục hàng trăm đoạn đường sắt bị hư hỏng do mưa lũ.

Trong phạm vi 22 km đường sắt từ ga Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đến ga Kim Liên (Đà Nẵng) qua ga Hải Vân có hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, hàng chục ngàn khối đất đá đổ xuống lấp kín đường ray, mưa lũ làm trôi cả trăm mét đường ray trên đèo Hải Vân.

 

Đặc biệt hai hầm ga Hải Vân Nam và hầm số 13 bị lấp kín. Bốn ngày nay, gần 1.000 cán bộ công nhân viên cùng máy móc của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam được huy động làm việc ngày đêm để khắc phục sự cố. Đến nay chỉ còn hai điểm nặng nhất là Km 757 + 020 (gần cửa hầm đường sắt Lăng Cô) và Km 767 + 250 (ga Hải Vân).

 

Ngày 16/11, khi PV Dân trí có mặt tại cửa hầm đường sắt Lăng Cô, hàng trăm công nhân đang tiếp tục gia cố đoạn bị sụt lún trong từng cơn gió lạnh. Mưa lớn hôm 13/11 đã gây sạt lở nghiêm trọng cả tuyến đường bộ đi lên đèo Hải Vân và sụt lún tuyến đường sắt Bắc - Nam hơn 1m. Hàng trăm khối đất đã bị nước cuốn trôi xuống đầm Lăng Cô.

 

Đoạn đường sắt được gia cố thêm hàng trăm khối đá và các ta-luy nâng cao đường sắt tại điểm này lại như cũ. Nhưng do thời tiết tiếp tục mưa, nước trên cao liên tục chảy xuống nên gây nhiều khó khăn cho công tác khắc phục.

 

Ngày đêm đội mưa gió để thông tuyến đường sắt - 1

Hàng trăm mét khối đất ngay dưới đập chắn đường sắt bị cuốn trôi ra đầm Lăng Cô

 

Có mặt tại điểm sụt lún từ ngày 13/11 đến nay, ông Trần Hoán, Phó giám đốc Công ty quản lý đường sắt Bình Trị Thiên, cho biết: "Chúng tôi đã huy động 190 công nhân, kĩ sư làm việc liên tục 3 ca kể cả ngày và đêm. Công tác khắc phục tiến hành nhanh chóng tuy nhiên do thời tiết và nước vẫn chảy về nên gặp trở ngại".

 

Đoạn sụt lún trên do sự cố nước xói mạnh ngay dưới chân đập chắn đầm Lăng Cô, hàng trăm mét khối đất đã bị cuốn trôi ra đầm. Ông Trần Hoán cho biết thêm: "Về lâu dài, đoạn đường sắt này cần phải gia cố chân tường chắn đập đầm Lăng Cô chống lún, sụt và đoạn tường bê tông phía trên ngăn dòng nước xói vào tuyến đường sắt… Đến ngày 18/11 sẽ cơ bản hoàn thành và cho một đoàn tàu hàng đi thử. Nếu đảm bảo an toàn thì sẽ cho tàu chạy".

 

Theo chiếc xe goòng của Công ty quản lý đường sắt Bình Trị Thiên lên điểm sạt lở nghiêm trọng tại Km 767 + 050 ngay ga Hải Vân, chúng tôi chen đứng giữa những bao gạo, nước uống, thực phẩm. Một chị công nhân cho biết: "Đây là những thức ăn, gạo vừa mới mua về đưa lên tiếp tế cho hàng trăm công nhân đang làm việc ngày đêm trên đoạn ga Hải Vân".

 

Dù đã nghe kể qua về đoạn sạt lở nghiêm trọng tại ga Hải Vân, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy kinh hoàng khi tận mắt chứng kiến khối đất đá của một phần tư quả núi sạt xuống, vùi 100m đường sắt và đánh bung 20m đường sắt chìa ra phía vực biển. Những hòn đá nặng hàng trăm tấn nằm ngổn ngang lẫn trong đống đất, chắn ngang đường sắt vùi lấp trên 10m.

 

Ngày đêm đội mưa gió để thông tuyến đường sắt - 2

20m đường sắt bị đánh bung ra phía biển

 

Tại đây, trên 650 công nhân làm việc quần quật dưới mưa và gió lớn từ phía biển ùa vào. Ông Trần Khắc Phi, Đội trưởng đội Quản lý đường sắt 3, đang trực tiếp chỉ huy một đội công nhân tại hiện trường, cho biết: "Mọi công việc mới chỉ diễn ra phần thô, san lấp mặt bằng chuẩn bị khi các đoạn sạt lở khắc phục phần nào sẽ đưa các máy móc lên. Ở đây các đội thay nhau làm liên tục 3 ca cả đêm lẫn ngày, ăn uống, nghỉ ngơi tại các lán trại của mình".

 

Ông Ngô Anh Tạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty đường sắt Việt Nam, cho biết thêm: "Gần 1.000 công nhân, kĩ sư làm việc tại đây nên công tác chăm lo, đảm bảo an toàn lao động cũng như đời sống anh em luôn được chúng tôi đưa lên hàng đầu. Hàng ngày, đều có lương thực, nước uống đưa lên bằng xe goòng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống dịch bệnh xảy ra. Ở mỗi tổ đều có tổ y tế, y sĩ trực ngay tại đây đảm bảo sức khoẻ và phòng chống dịch bệnh cho anh em công nhân".

 

Ngày đêm đội mưa gió để thông tuyến đường sắt - 3

Gần 100m đường sắt chôn sâu dưới hàng nghìn m3 đất đá

 

Chỉ vào đống đất đá ngổn ngang, ông Tạo nói: "Chúng tôi ước tính có gần 10.000 m3 đất đá vùi lấp đoạn đường này, tuy nhiên phải giải quyết 12.000 m3 mới thông qua được. Đặc biệt, công tác dùng mìn phá đá đang được chúng tôi nhanh chóng triển khai để đẩy nhanh tiến độ công việc. Sau đó, chúng tôi sẽ huy động 6 máy xúc, ủi để san lấp, huy động mọi lực lượng đảm bảo đến ngày 18 sẽ thông tuyến đường sắt Bắc - Nam". 

 

Ngày đêm đội mưa gió để thông tuyến đường sắt - 4

1h30 chiều 16/11, một chiếc máy xúc được đưa lên điểm sạt lở nghiêm trọng đoạn ga Hải Vân trong sự vui mừng của những người công nhân miệt mài lao động vì tuyến đường sắt quốc gia.

Nguyễn Tân