1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam

(Dân trí) - “Nó không còn được đi học nữa rồi. Nó chết thật rồi chú ạ, bây giờ thì cả hai đứa đi theo con ma sông rồi, chỉ còn hai thân già này nữa thôi...”, bên di ảnh của hai đứa con, tiếng khóc của người cha nghe ai oán, tủi hờn.

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam - 1
Di ảnh của hai anh Mạc Văn Thọ và Mạc Văn Anh.

Hy vọng sẽ gặp may để đổi đời của những người đàn ông nghèo nơi thượng nguồn sông Lam đã không trở thành hiện thực. Thay cho hy vọng đổi đời là những cái chết tức tưởi. Sông Lam ngày đại tang, tiếng khóc ai oán xé toạc cả núi rừng.

Không có tiền học em đi đào vàng...

Những ngày đầu tháng 5/2011, chúng tôi ngược Quốc lộ 7 lên huyện miền núi cao Tương Dương (Nghệ An), đến với bản Đình Hương - nơi 5 sinh mạng vừa ra đi trong một vụ sập hầm vàng vào ngày 1/5. Dong trên con thuyền mũi nhọn, vượt sông Lam chúng tôi như lả đi dưới cái nắng đầu mùa như một chảo lửa nơi huyện miền núi cao này. Một khoảnh đất trống ven sông Lam của bản Chổng (nay gọi là bản Đình Hương) một cái lán đã được dựng lên dể thầy mo cúng vía, đuổi ma cho 5 nạn nhân của vụ sập hầm vàng.

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam - 2
Bà con bản Đình Hương đến chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân

Ông Lương Văn Ngọ - Phó bản Đình Hương nói: “Sau khi đưa các nạn nhân dưới hầm vàng lên ta không được đưa họ về nhà mô để tránh con ma nó theo về phá bản, phải đưa ra bãi đất trống này đấy.  Bản ta mời thầy mo về cúng vía đuổi ma cho 5 người xong đó. Thầy mo cúng xong rồi, nạn nhân nào thì về nhà ấy. Đúng 9 giờ sáng qua (2/5) cả 5 nạn nhân đã được chôn cất xong cả rồi. Thật buồn và đau đớn cho sự ra đi một cách đột ngột này anh ạ. Cả bản ta từ thuở cha ông lập nên cho đến bây giờ chưa khi nào lại có nhiều người chết một lúc thế này cả. Phà (trời - PV) đưa chúng đi thì ta biết làm răng được...”, ông Ngọ thở dài.

Trong 5 nạn nhân xấu số có em Mạc Văn Thọ (15 tuổi) nhỏ tuổi nhất đang ôn thi vào lớp 10. Ngày định mệnh hôm đó, Thọ cùng với anh trai là Mạc Văn Ánh (27 tuổi) và những người khác tranh thủ ngày nghỉ đi đào vàng kiếm tiền để tiếp tục đi ôn thi thì bị chết. “Nó chết thật rồi, ta giờ chẳng còn đứa nào nữa cả. Hôm trước nó nói với ta, năm nay con quyết thi lên lớp 10. Học cấp 3 xong còn phải xuống xuôi học đại học. Nó bảo có học được nhiều cái chữ mới mong thoát nghèo được. Bây giờ nó chết rồi còn đâu...”, ông Mạc Văn Lợi - bố của nạn nhân Mạc Văn Thọ khóc thương cho cậu con trai út đã chết trong lúc đi đào vàng kiếm tiền học.  Trong căn nhà trống hươ trống hoác, chiếc cặp sách của Thọ vẫn treo bên vách, trên bàn mấy quyển sách vẫn còn để mở...

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam - 3
Ông Mạc Văn Lợi và bà Hà Thị Toàn bố mẹ của hai nạn nhân Thọ - Anh khóc cạn nước mắt.

Ông Lô Vĩnh Tình - Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: “Ở bản Đình Hương hơn 500 người nhưng chẳng có ai học đến cấp 3 đâu, đại học thì đừng có nói làm chi cả. Các cháu ở đây học chưa hết cấp 2 là lấy vợ rồi. Thằng Thọ thì khác, nó không đi bắt vợ mà quyết tâm đi học lên cao. Giờ thì nó chết rồi, chẳng còn được đi học nữa, Nỗi đau này không chỉ riêng gia đình ông Lợi mà của cả xã chúng tôi...”.

Bản Đình Hương, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) phải làm ma cúng Phà (trời) cùng lúc cho 5 người. Một vụ sập hầm đã chôn vùi 4 người đàn ông, 4 người trụ cột gia đình.

Bà Lô Thị Miện - Bí thư chi bộ bản Đình Hương cho biết: "Bản Đình Hương có 120 hộ dân với 500 nhân khẩu. Cuộc sống chủ yếu của người dân nơi đây là phát rừng làm nương. Bản chúng tôi không có truyền thống đào vàng mô, mấy anh em rủ nhau đi đào vàng ở một cái hầm cũ nên mới xảy ra cơ sự này".

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam - 4
Cháu Lương Văn Duyên - học sinh lớp 4, con nạn nhân Lương Văn Sơn bên bàn thờ bố. Đến cái di ảnh anh Sơn cũng không có, bàn thờ chỉ được lập bên một góc nhà sàn...

Sau cái chiều 1/5 định mệnh, cái hầm cũ đã chôn vùi các anh Lương Văn Sơn (35 tuổi), Mạc Văn Ánh (27 tuổi), Mạc Văn Thọ (15 tuổi), Vang Văn Hiển (21 tuổi) và anh Lương Văn Bích (30 tuổi) bản Đình Hương (xã Tam Đình). Chính quyền huyện Tương Dương phải huy động lực lượng công an, bộ đội... vượt núi băng rừng vào tận nơi để tìm kiếm thi thể của những người bị nạn. Và hơn 3 giờ đồng hồ, thi thể các nạn được đưa ra từ đống đất nhão và bùn đỏ quánh. Họ đã chết ngạt trong hầm vàng cùng với giấc mơ đổi đời... Lẫn trong cái nắng như đổ lửa là tiếng khóc như xé nát núi rừng, như ai oán của chị Kha Thị Hương - vợ của nạn nhân Lương Văn Sơn.

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam - 5
Nỗi đau cho người ở lại

Anh Sơn ra đi để lại cho người vợ ốm yếu vì bệnh tim đứa con nhỏ Lương Văn Duyên - học lớp 4 tuổi. “Mấy ngày nay chị Hương ngất lên ngất xuống phải đi cấp cứu. Chị ấy bị bệnh tim, nhà lại nghèo được mỗi đứa con nay chồng chết rồi, khổ lắm đó”, ông Ngọ dẫn PV đi cùng cho biết.

Đứa con chưa đầy năm của anh Lương Văn Bích cũng mếu máo, tay túm chặt lấy gấu váy mẹ. Vợ anh Bích đã thức suốt đêm qua để hi vọng có phép màu nào đó. Thế nhưng khi thi thể người chồng xấu số được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi hầm vàng thì chị đổ xuống như thân chuối rừng bị đốn ngang gốc.

Thoát chết sau khi đất vùi đến cổ

Trong số 7 người tham gia đào vàng có 2 người may mắn thoát chết. Anh Lương Văn Kháy, trú bản Cánh Tráp, xã Tam Thái và Lương Văn Giáp, bản Đình Hương, xã Tam Đình vẫn chưa hết bàng hoàng.

Lúc cả căn hầm sập, từng mảng đất lớn đổ ụp xuống trên đầu nhưng do đứng ở gần cửa hầm nên 2 anh nhoài ra được, từ cổ trở xuống bị vùi trong đất. Vẫy vùng để thoát ra nhưng bất lực trong khi đất phía trên hầm vẫn tiếp tục đổ xuống.

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam - 6
Ông Mạc Văn Lợi (bên phải): "Tôi không còn đứa con nào để cho nó đi học..."

“Nghe tiếng kêu chúng tôi chạy ra ứng cứu. Nhưng 5 người mắc kẹt dưới hầm, anh Kháy bị đất vùi ngang cổ. Lúc đó chúng tôi cố bươi đất để lôi anh Kháy lên sợ anh ấy chết mất. Sau hơn 20 phút mới đưa được anh ấy lên, còn anh Giáp thì chạy thoát được. Họ rủ nhau đi đào vàng để kiếm chút tiền nuôi vợ con, nuôi mẹ già thôi. 7 người đi giờ chỉ còn 2 người về...", một người dân địa phương cho biết.

Ông Lô Vĩnh Tình - Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: Các nạn nhân đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người thì có mẹ già, người thì vợ yếu, con thơ... Họ mất đi, gia đình cũng mất chỗ dựa. Không biết sắp tới vợ con họ phải sống thế nào đây. Ở bản này chỉ có mỗi điểm khai thác vàng trái phép này thôi, trước đây xã đã cấm rồi nhưng không hiểu sao họ lại tiếp tục làm và xảy ra sự việc này. 5 người bỏ mạng một ngày, đau lòng quá. Sau sự việc này, chúng tôi sẽ tiến hành họp dân ở hai bản (Đình Hương và Đình Thắng - hai bản ở gần nhau,  nếu phát hiện gia đình nào đi đào vàng trái phép sẽ xử lý nghiêm, quyết không để sự việc đau lòng thế này tái diễn".

Về việc sập hố vàng tại bản Đình Dương

Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 1/5/2011 tại một hố khai thác vàng trái phép tại bản Đình Hương thuộc xã Tam Đình bị sập. Đây là một hố vàng nằm bên cạnh sông Lam, đã khai thác trước đây và đã bị cấm. Thế nhưng ngày 1/5 một nhóm người đã mang vòi xịt thẳng nước vào mái hầm để tìm vàng khiến hầm bị sập chon vùi 5 người. Sau khi nhận được thông tin về vụ sập hố vàng. UBND huyện đã thành lập ban công tác cứu hộ, cứu nạn dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương xuống hiện trường thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Với tinh thần, trách nhiệm cao của đoàn công tác và nhân dân trong bản, đến hơn 19 giờ cùng ngày đã hoàn thành việc đưa các thi thể ra khỏi hố và xác định danh tính gồm: Lương Văn Sơn (35 tuổi), Mạc Văn Ánh (27 tuổi), Mạc Văn Thọ (15 tuổi), Vang Văn Hiển (21 tuổi), Lương Văn Bích (30 tuổi) đều trú tại bản Đinh Hường xã Tam Đình. Trong 5 nạn nhân này có Mạc Văn Ánh và Mạc Văn Thọ là anh em ruột, Thọ hiện đang là học sinh lớp 9 trường THCS Tam Đình.

Đến 9 giờ sáng ngày 2/5/2011,thi thể các nạn nhân đã được an táng.

Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ và các ban ngành cấp huyện đã đến động viên, chia buồn các gia đình và đã hỗ trợ mỗi nạn nhân 5 triệu đồng, một số doanh nghiệp hỗ trợ mỗi nạn nhân 3 triệu đồng, UBND xã Tam Đình hỗ trợ mỗi nạn nhân 500 ngàn đồng, bà con trong bản hỗ trợ các gia đình nạn nhân một số vật chất khác phục vụ cho việc tang lễ.

Ngày đại tang nơi thượng nguồn sông Lam - 7
Ông Vi Tân Hợi (áo đỏ) - PCT UBND huyện Tương Dương trao quà cho các gia đình nạn nhân trong vụ sập hầm vàng.

Sau khi hoàn thành việc chôn cất các nạn nhân và thăm hỏi tặng quà các gia đình có người bị hại, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức họp các bản, UBND xã và các phòng ban cấp huyện để rút kinh nghiệm về công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nói riêng và công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn nói chung, đồng thời tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 180/CT-UBND ngày 13/ 4/2011 của UBND huyện về việc đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Tương Dương.

Tương Dương là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nạn đào đãi vàng trái phép diễn ra trong suốt một thời gian dài và tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và chính quyền các xã đã tiến hành nhiều đợt ra quân đẩy đuổi nhưng hiệu quả không cao vì lực lượng mỏng, điều kiện kinh phí, phương tiện đi lại khó khăn, cơ chế xử phạt không đủ nghiêm,…

Để giúp huyện giải quyết dứt điểm nạn đào đãi vàng trái phép, tránh các vụ việc đáng tiếc tương tự tiếp tục xẩy ra, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện đề nghị UBND tỉnh, tăng cường lực lượng kiểm tra và hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn việc xử lý các tang vật dùng vào việc khai thác vàng trái phép bị thu giữ...

Nguyễn Duy