1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ngày chân đất đến trường, tối chèo ghe đi xin

(Dân trí) - Ban ngày, những đứa trẻ xuất thân ở xóm vạn đò phường Phú Cát, TP Huế, đầu trần chân đất đến trường học chữ; nhưng khi thành phố lên đèn, chúng bắt đầu một cuộc mưu sinh mới: chèo chiếc ghe nhỏ đeo bám khách du lịch trên sông Hương xin tiền bố thí.

Ngày chân đất đến trường, tối chèo ghe đi xin - 1

Những “cái bang” chuẩn bị chèo ghe đi ăn xin trên sông Hương - Ảnh: Thanh Tuấn
 
Đêm xuống, những chiếc ghe chở 2-3 đứa nhỏ chòng chành rẽ sóng tiến về phía ánh sáng lung linh tỏa ra từ những thuyền rồng đậu thành một hàng dài bên mép sông Hương. Trên thuyền, các du khách nước ngoài đang thả hồn ngắm cảnh bỗng giật mình thấy một đứa trẻ trong bộ dạng thảm thương, áo quần rách nát, xuất hiện ngay trước mặt, giơ tay, ngả nón xin tiền.

 

Người đàn ông tỏ vẻ không hài lòng, liên tục lắc đầu; người phụ nữ miễn cưỡng cho tiền mong đứa trẻ mau rời khỏi thuyền. Nhưng dường như chưa ưng số tiền được cho, “đệ tử cái bang” còn nán lại xin thêm rồi nhảy phốc xuống chiếc ghe nhỏ chờ sẵn sàng phía dưới; chuẩn bị tấp sát hông một con thuyền khác.

 

Đó là cảnh tượng ăn xin thường thấy ở những khu vực tập trung “ca thuyền” trên sông Hương.

 

Sau một hồi đứng như “trồng cây” trên thuyền kể nghèo kể khổ với khách, Lê Ngọc Thanh, 14 tuổi, giơ cao chiếc nón lá rách tả tơi đựng một xấp tiền khoe với chúng tôi: “Hôm ni gặp hên quá trời luôn, xin được tờ 50.000 đồng từ một ông khách người Thái”.

 

Thanh cho biết em chỉ kiếm được nhiều ở thuyền có đông khách người Thái, người Lào hay người Việt thôi; còn du khách châu Âu đều đã quá ngán trò đeo bám, vòi tiền cuả tụi nhỏ. Gia nhập đội quân “hành khất” chưa được bao lâu nhưng Thanh tỏ ra hơn hẳn lũ bạn trong cách hành nghề. Trên gương mặt khắc khổ, đen đúa ấy, những giọt nước mắt có thể chảy ra bất cứ lúc nào em muốn.

 

Từ khi biết được cách chèo đò làm sao cho khỏi xoay vòng tròn thì cũng là lúc Đỗ Văn Lành (học sinh lớp 2 trường THCS Phú Cát) bước chân vào “nghề” ăn xin. Lành cho hay em là tay chèo “cự phách” nhất trong cái đám trẻ chạc bằng tuổi em. Trước đây, em thường chèo ghe chở bạn đi “làm ăn mày” ở những khu vực tập trung nhiều du thuyền. Lúc đó, Lành chưa hề biết cách “diễn vở kịch” nghèo khổ để khiến người ta phải động lòng rơi nước mắt. Dần dần, em cũng học lỏm được nhiều và giờ thì “trình độ diễn xuất” của Lành hơn hẳn lũ bạn.

 

Vì có biệt tài chèo ghe chạy nhanh trên con nước nên trong những chuyến đi Lành luôn là người đặc biệt quan trọng. Lành cho hay khi có xuồng bo bo của lực lượng tuần tra tới, em chỉ cần vẫy tay chèo vài cái là chiếc ghe nhỏ núp sát trong cồn nhỏ um tùm cây cối hay nơi nào đó dưới mạn thuyền rồng. “Một lần, nhân viên phục vụ trên thuyền định túm cổ đứa bạn khi hắn vừa vơ lấy xấp tiền bo của khách dành cho ca sĩ. Chưa nắm được cổ áo thì thằng bạn đã nhanh chân nhảy xuống ghe. Vụt cái, em chèo ghe cách hắn một quãng khá xa rồi ngoái đầu nhìn lại trêu tức” – Lành hồn nhiên kể “chiến công” của mình.

 

Sinh ra và lớn lên trên con nước đục ngầu nên những đứa trẻ này đã quá quen với sự nguy hiểm của sông nước lúc tối trời. Vào những đêm mùa lũ, người ta vẫn thấy những chiếc ghe rẽ sóng tiến thẳng về hướng thượng nguồn, nơi tập trung khách du lịch đến tham quan chùa Thiên Mụ, chùa Đức Sơn…

 

Anh Nguyễn Hoàng Anh, nhân viên bán hàng trên du thuyền cho biết: “Không ít lần tui nhìn thấy một tốp lũ nhỏ chèo 5-6 chiếc ghe đội mưa đội gió đi ăn xin ngược hướng thượng nguồn trở về nhà. Để khỏi phải chèo mất công tốn sức, chúng dùng sợi dây dài buộc chặt vào du thuyền, thế là thuyền vừa chở khách vừa kéo ghe lũ nhỏ đi cùng. Đứng đầu mũi thuyền nhìn xuống, tui thấy lạnh cả sống lưng, còn bọn nhỏ cười đùa đắc chí”.

 

Với thâm niên 5 năm trong nghề ăn xin ngược xuôi trên mặt nước sông Hương, cô bé Nguyễn Thị Mai Trang, 13 tuổi, cười buồn: “Làm nghề này cũng phải cạnh tranh khốc liệt. Ai xin trước thì có tiền, chứ đến sau không ai cho mô. Bọn em hoạt động theo địa bàn, nếu xâm phạm vô đất của mấy đứa dưới xóm Ché thì kiểu gì cũng choảng nhau đến gãy cán chèo”.

 

Trang không nhớ nổi đã bao nhiêu lần em và những đứa đi cùng  phải dùng tay chèo ghe về nhà giữa mênh mông đêm tối. Tiền lận vào lưng quần rồi mà vẫn sợ đám bạn cùng nghề nhanh tay cuỗm mất.

 

Nguyễn Kiều Oanh, 12 tuổi, vừa hành nghề ăn xin vừa phụ giúp cha mẹ thêm cộng việc chèo đò đưa khách sang sông để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày làm việc quần quật, Oanh cũng kiếm được không dưới 50.000 - 60.000 đồng. Theo Oanh, vào ngày đẹp trời, nước sông Hương chảy êm đềm, “ca thuyền” đậu tấp nập, những “cái bang” như bọn em cũng bỏ nón trên 100.000 đồng.

 

“Hầu hết trẻ vạn đò ăn xin ở khu vực tập trung du thuyền đều là học sinh, có em đã thôi học. Bên cạnh những em mang hoàn cảnh khó khăn, nhiều em có gia đình được gọi là khá giả cũng hùa theo bạn đi ăn xin trong đêm, bất chấp nguy hiểm”, Phó Bí thư chi đoàn Phường Trần Thanh Hải cho hay.

 

Được biết, trong năm 2008-2009, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định di dời hàng trăm hộ dân ở xóm vạn đò lên các khu tái định cư mới nhằm ổn định cuộc sống. Dù đã được định cư nhưng những đứa trẻ vốn xuất thân ở xóm vạn đò vẫn tìm cách mưu sinh trên sông nước như truyền thống từ bao đời nay.

 

Thanh Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm