1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngành tư pháp “vật vã” vì thi hành án

(Dân trí) - Trong Hội nghị tổng kết ngành tư pháp diễn ra sáng 3/1, công tác thi hành án được nhắc tới với những cụm từ: hạn chế, tiêu cực, trì trệ... Cơ quan chức năng thì đau đầu với những vụ việc thi hành án tồn đọng dằng dai năm này qua năm khác.

Theo báo cáo Tổng kết công tác tư pháp năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2008 của Bộ tư pháp, kết quả thi hành án chưa đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, số việc tồn đọng lớn. Việc thực hiện chuyển giao các vụ việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành có nhiều vướng mắc và đạt hiệu quả thấp.

Tính đến hết ngày 31/9/2007, các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc đã thụ lý gần 650.000 việc (trong đó số thụ lý mới là hơn 310.000 việc, chiếm hơn 48%). Tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn đạt 69% về việc, 55% về tiền.

Tình trạng khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự khá nhiều và phức tạp. Các cơ quan thi hành án cũng đau đầu vì số lượng cán bộ vi phạm quy tắc nghề nghiệp và đạo đức công vụ tới mức bị kỷ luật trong năm 2007 gia tăng; nhiều vụ việc vi phạm dẫn đến phải xử lý, khắc phục hậu quả rất phức tạp, làm giảm lòng tin của xã hội.

Lý giải cho thực trạng việc thi hành án tồn đọng còn nhiều, báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra nguyên nhân, việc ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện một số công việc về tổ chức cán bộ phần nào đã làm ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo, điều hành của Trưởng thi hành án dân sự, nhất là trong việc điều động chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác thi hành án nhằm mục đích xử lý các điểm nóng về việc tồn đọng.

Một Giám đốc Sở lập tức phản ứng: “Đưa ra lý do này, 64 ông giám đốc Sở Tư pháp sẽ không ai đồng ý”. Vị Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum nêu “oan trái” là bất cứ giám đốc Sở nào cũng muốn cơ quan thi hành án độc lập, tự chủ. Quyền lực duy nhất của Giám đốc Sở Tư pháp là… trả lời chất vấn trước Hội đồng nhân dân tỉnh, mọi việc đều do thi hành án tham mưu, đề xuất.

2008 là được xác định là “năm trọng tâm” giải quyết căn bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng của ngành tư pháp. Nhưng dù sao, mục tiêu đề ra cũng không dám “vung tay”, ngành phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành.

Cục trưởng Cục Thi hành án, Nguyễn Văn Luyện, đã kê ra hơn 30 giải pháp, cả ngắn hạn và dài hạn để hoàn thành mục tiêu. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2008. 

Sở Tư pháp Hà Nội “bỏ rơi” thẩm định quy định cấp phép đòi “sổ đỏ”

 

Một câu hỏi được báo chí đặt ra bên lề hội nghị, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 79 (quy định xin cấp phép xây dựng phải có “sổ đỏ”) trái với quy định của Luật Xây dựng. Sở Tư pháp, với vai trò là cơ quan thẩm định, lại không hay biết?

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời:

 

“Thực ra tôi chưa nhận được báo cáo cụ thể của Hà Nội. Tôi được báo cáo là nội dung văn bản đó chưa qua thẩm định của Sở Tư pháp nên vấn đề này cần xem xét thêm.

 

Đứng về chế tài, tôi nghĩ chắc chắn liên quan đến vấn đề trách nhiệm theo hướng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đó là điều chắc chắn, còn chế tài cụ thể của người ban hành, người thẩm định thì tôi đã từng nói, đây là công việc tham mưu của một tập thể, quyết định của một tập thể chứ không phải cá nhân. Nếu quy định chế tài chắc chắn sẽ có phản ứng. Tôi nghĩ trước dân như thế cũng có những mất mát nhất định về mặt tín nhiệm.

 

Hà Nội sẽ có báo cáo chi tiết về vấn đề đó, còn kết luận cụ thể về vấn đề này tôi chưa thể nói được”.

 

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm