1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngành nông nghiệp miền Trung oằn mình giữa “chảo lửa”

(Dân trí) - Sau đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, đỉnh điểm là gần một tuần nay, nhiệt độ nhiều nơi đã lên tới 38 - 40 °C, có những nơi trên 40 °C, nắng như “đổ lửa” khiến nhiều diện tích lúa trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An bị khô hạn, có nguy cơ chết cao nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra và không được cấp nước kịp thời.

Hàng ngàn ha lúa, hoa màu đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì tình trạng nắng nóng.
Hàng ngàn ha lúa, hoa màu đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì tình trạng nắng nóng.

Thời tiết khô hạn kéo dài nên nhiều ao hồ nước đã cạn kiệt, đồng ruộng khô nứt nẻ… nhiều khả năng hàng ngàn ha lúa, hoa màu đang đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, nắng nóng đang hoành hành trên diện rộng và kéo dài tại Nghệ An đã làm hàng trăm ha lúa, hoa màu của bà con nông dân bị khô hạn nghiêm trọng. Nhiều vùng đã xuất hiện tình trạng cây chết cháy, nguy cơ cháy rừng… cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì tình trạng thiếu nước uống, sinh hoạt.

Nắng hạn kéo dài khiến lượng nước tại các hồ đập bị cạn kiệt.
Nắng hạn kéo dài khiến lượng nước tại các hồ đập bị cạn kiệt.

Vì thiếu nước tưới nên nhiều địa phương tại Nghệ An đến nay chưa gieo cấy được lúa mùa. Thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 2/7, toàn tỉnh mới gieo cấy được hơn 70 nghìn ha/kế hoạch gần 85 nghìn ha, đạt 83%. Nếu trong thời gian tới không có nước bổ sung, đồng thời tiếp tục nắng nóng thì tình hình thiếu nước tưới sẽ trầm trọng hơn đối với gần 23 nghìn ha lúa hè thu đang trong tình trạng thiếu nước tưới.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ bị chết cháy vì tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Hàng trăm ha lúa có nguy cơ bị chết cháy vì tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) được biết đến là một vựa lúa lớn của khu vực Bắc miền Trung. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, đến nay lượng nước hữu ích ở các hồ đập đã gần như cạn kiệt. Hiện địa phương mới gieo cấy khoảng 12.000ha lúa, 1.000 ha đã gieo cấy nhưng không có nước, hơn 500 ha ngô, hàng chục ha lạc, vừng... bị hạn hán đe doạ.

Nhiều diện tích bị bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.
Nhiều diện tích bị bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, cho biết: “Mực nước tại các hồ đập và trên sông đều giảm, nếu trong vòng 10 ngày nữa thời tiết tiếp tục nắng nóng thì khả năng 1.000ha lúa sẽ bị chết cháy. Không có nguồn nước bổ sung, nhiều địa phương trên toàn huyện sẽ bị hạn rất nặng”. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 11 cháy, thiệt hại 50 ha rừng.

Nắng hạn lâu ngày dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao.
Nắng hạn lâu ngày dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, gần một tuần nay, thời tiết như đổ lửa khiến nhiều diện tích lúa của địa phương này bị khô hạn, nguy cơ chết cao nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra và không được cấp nước kịp thời.

Theo ghi nhận của phóng viên tại cánh đồng lúa thôn Tân kỳ, xã Công Liêm, huyện Nông Cống, nhiều diện tích mặt ruộng bắt đầu có hiện tượng nứt nẻ, khô khốc. Trong khi đó, lúa mới được gieo cấy còn non yếu, đang phải “oằn mình” dưới cái nắng nóng.

Ông Đoàn Duy Khương, thôn Tân Kỳ, xã Công Liêm, cho biết: “Vụ lúa này, gia đình ông gieo cấy 4 sào, thời điểm này, do nắng nóng nên 2 sào lúa đang bị khô hạn, khô dần và số diện tích còn lại cũng có nguy cơ bị hạn cao”.

Nhiều diện tích mặt ruộng bắt đầu có hiện tượng nứt nẻ, khô khốc. (Ảnh: Duy Tuyên)
Nhiều diện tích mặt ruộng bắt đầu có hiện tượng nứt nẻ, khô khốc. (Ảnh: Duy Tuyên)

Theo thống kê tại xã Công Liêm vụ này gieo cấy được gần 400 ha lúa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã có hơn một nửa trong số đó đang bị khô hạn nghiêm trọng. Theo ông Trần Sỹ Tuấn, Chủ tịch UBND xã Công Liêm, hiện nay, đa phần diện tích lúa trên địa bàn xã nhận nguồn nước tưới từ kênh N2, của hệ thống sông Mực.

Từ cuối năm 2015, hệ thống tuyến kênh này được triển khai nâng cấp, vì thuộc dự án tưới nước của huyện Tĩnh Gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do việc thi công chỉ cầm chừng, công trình đang trong tình trạng dang dở, khiến cho việc lấy nước hầu như không thể thực hiện được, cộng với việc thời tiết nắng nóng kéo dài, đã làm cho nhiều diện tích lúa và cây trồng trên địa bàn xã bị khô hạn nghiêm trọng.

Mặt ruộng khô khốc vì không có nước. (Ảnh: Duy Tuyên).
Mặt ruộng khô khốc vì không có nước. (Ảnh: Duy Tuyên).

Hơn nữa, việc tiếp nước dưỡng lúa gặp khó khăn nên lúa còi cọc do thời gian thiếu nước kéo dài. Thời gian tới, nếu được bổ sung nguồn nước, thì năng suất cuối vụ dự kiến cũng chỉ đạt khoảng 1 đến 1,2 tạ/sào, giảm khoảng 50 đến 70% năng suất.

Ngoài diện tích lúa của xã Công Liêm bị khô hạn, hiện nay, trên địa bàn huyện Nông Cống còn có hàng trăm ha lúa ở các xã khác cũng đang trong tình trạng khô hạn cục bộ. Hiện nay, UBND huyện Nông Cống đang tích cực phối hợp với các đơn vị, công ty thủy nông thực hiện tưới nước theo lịch, chỉ đạo chính quyền các xã thực hiện nạo vét bể hút, lắp đặt máy bơm có cột nước cao, duy trì các trạm bơm dã chiến để phục vụ công tác tưới và chống hạn. Tại huyện Hoằng Hóa, có khoảng 90 ha tôm nuôi bị thiệt hại, theo kết quả kiểm tra ban đầu của ngành chức năng thì một trong những nguyên nhân khiến tôm chết là do thời tiết nắng nóng.

Tôm chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng kéo dài. (Ảnh: Duy Tuyên).
Tôm chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng kéo dài. (Ảnh: Duy Tuyên).

Hạn hán cũng làm chậm kế hoạch cấy lúa mùa của huyện Tĩnh Gia. Kế hoạch của địa phương này là 5.800 ha, tuy nhiên mố chỉ cấy được 5.200 ha. Các xã bị hạn nặng là Phú Lâm, Phú Sơn và một phần diện tích phía Đông quốc lộ 1A của các xã Hải Châu, Hải Ninh, Hải Lĩnh. Huyện Tĩnh Gia đã có nhiều công văn chỉ đạo chống hạn.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tại Thanh Hóa nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiềm (cấp IV, cấp V). Trên địa bản tỉnh này cũng đã xảy ra cháy rừng, thực bì. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công điện khẩn về việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, các ngành, chính quyền các địa phương rà soát và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện quyết liệt hơn nữa các phương án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tại Thanh Hóa, nguy cơ cháy rừng đang đặt trong tình trạng báo động. (Ảnh: Duy Tuyên).
Tại Thanh Hóa, nguy cơ cháy rừng đang đặt trong tình trạng báo động. (Ảnh: Duy Tuyên).

Tổ chức các lực lượng tuần tra, canh gác để phát hiện sớm lửa rừng, kịp thời huy động lực lượng dập tắt ngay đám cháy, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan trên diện rộng...Đồng thời, tăng cường tối đa lực lượng bám sát địa bàn và huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra.

Theo ghi nhận Hà Tĩnh, hơn 200 héc ta lúa bị thiếu nước cục bộ. Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh thì đợt nắng nóng mấy ngày vừa qua đã khiến hơn 200ha lúa ở huyện Thạch Hà, Vũ Quang... bị thiếu nước cục bộ ,còn diện tích cây ăn trái và cây trồng cạn thì chưa ảnh hưởng nhiều.

Hàng trăm ha lúa ở Hà Tĩnh đang đặt trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. (Ảnh: Xuân Sinh).
Hàng trăm ha lúa ở Hà Tĩnh đang đặt trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. (Ảnh: Xuân Sinh).

“Trong thời điểm này người dân cần phải tận dụng các nguồn nước để bổ sung kịp thời cho các diện tích lúa. Đối với cây ăn trái và cây trồng cạn thì chưa ảnh hưởng nhiều nên đang tiếp tục theo dõi“ - ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt khuyến cáo người dân.

Duy Tuyên - Nguyễn Tú - Xuân Sinh