1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngành đường sắt bất lực với nạn ném đá lên tàu

(Dân trí) - Sau một thời gian lắng xuống, nạn ném đất đá lên tàu gần đây lại bùng phát trở lại với mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại tiền tỷ và khiến hành khách bị thương nặng. Điều đáng nói là ngành chức năng và chính quyền địa phương có đường sắt đi qua vẫn chưa tích cực phối hợp ngăn chặn hiệu quả tệ nạn này.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2006 cả nước xảy ra gần 900 vụ ném đất đá lên tàu làm vỡ hơn 1.200 cửa kính toa xe, làm nhiều hành khách bị thương.

 

Riêng Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội từ đầu năm đến nay đã phải hứng chịu gần 450 vụ ném đất đá lên tàu, làm vỡ khoảng 600 cửa kính toa xe, thiệt hại hàng tỷ đồng. Cao điểm là ngày 1/8, xảy ra 7 vụ, làm vỡ 7 cửa kính, trong đó tàu du lịch đẳng cấp cao SP1 chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai phải hứng chịu 5 vụ.

 

Tiếp đó, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ riêng ngày 16/8, tàu SE5 khi qua địa phận Sông Mao - Bình Thuận đã bị kẻ xấu ném đá làm vỡ 3 cửa kính; ngày 24/8, đôi tàu SE5/6 khi qua địa phận Xuận Lộc - Đồng Nai đã bị ném vỡ 4 cửa kính.

 

“Nếu như những năm trước nạn ném đất đá lên tàu thường chỉ xảy ra ở một số “điểm nóng” như Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận thì nay đã lan ra cả nước, ngay cả ở các vùng thành phố, thị xã cũng xảy ra tình trạng ném đất đá lên tàu. Điển hình như tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ chỉ riêng trong tháng 8 đã xảy ra 4 vụ ném đất đá lên tàu…”, ông Trần Văn Ngọc, Phó giám đốc phụ trách vận tải, Xí nghiệp vận dụng toa xe khách bức xúc cho biết.

 

Để đối phó với tình trạng ném đá lên tàu, ngành đường sắt đã đổ hàng tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng ngừa tai nạn cho hành khách như: lắp cửa bảo vệ, cửa kính an toàn. Tuy nhiên những biện pháp này chưa thể hạn chế triệt để, bởi, dùng lưới bảo hiểm chỉ hạn chế được thương tích do đá ném nhưng không cản được bùn đất hoặc các chất bẩn dạng lỏng (có thể gây thương tổn mắt).

 

Mặt khác, lưới bảo vệ sẽ cản trở việc thoát hiểm khi có tai nạn trật bánh, đổ tàu… Còn kính an toàn 2 lớp khi va đập, mảnh vỡ không gây thương tích song giá 1 tấm kính cửa sổ toa tàu đắt khoảng 1,2 triệu  đồng.

 

Trong thời gian qua ngành đường sắt đã phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp chống ném đất đá lên tàu, như tổ chức các phong trào, em yêu đường sắt quê em, đoạn đường sắt em chăm, thiếu nhi bảo đảm ATGT đường sắt nhưng các hoạt động này vẫn nặng về hình thức nên hiệu quả đạt được chưa cao.

 

Thậm chí, giữa các đơn vị quản lý đường sắt với địa phương còn chưa tìm được tiếng nói chung. Nhiều vụ ném đá xảy ra, ngành đường sắt nói có nhưng chính quyền lại bảo không? Đặc biệt, có những địa phương còn đổ lỗi do phần lớn là trẻ vị thành niên nên không xử lý theo pháp luật được. Tuy nhiên ngành đường sắt cho biết có cả người lớn tham gia.

 

Thái Sơn - Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm