1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngành bị đánh giá “nóng” về tham nhũng phải tự điều chỉnh mình

(Dân trí) - “Kết quả khảo sát tham nhũng tuy không chuyển thành những kiến nghị cụ thể với các ngành nhưng sẽ tác động đến chính sách chung, sẽ tạo ra tác động tới những ngành “điểm nóng”, buộc họ phải tự xem lại mình”, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng trao đổi.

Từ khi công bố kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” với thông tinh 4 ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng, Thanh tra Chính phủ có nhận được nhiều phản hồi từ “cơ quan chủ quản” về vấn đề này không thưa ông?

Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi hay phản ứng nào từ phía các cơ quan nhà nước liên quan đến kết quả khảo sát về tham nhũng mới công bố. Theo dõi thông tin trên báo chí thì đa số ý kiến người dân phản ánh sự đồng tình, cho rằng đây là kết quả quan trọng, như một kênh thông tin mới đến với người dân.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục những cuộc khảo sát như thế này. Tất nhiên cuộc khảo sát này cũng còn nhiều hạn chế và chúng tôi đang tiếp tục tính toán để làm sao tăng tính chính xác hơn.
 
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng.
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng.

Một tuần trước, đại diện Tổng Cục Cảnh sách có phát biểu phân trần rằng kết quả khảo sát đã “gom” cả vấn đề tham nhũng và tiêu cực quy hết thành tham nhũng cho CSGT?

Vấn đề này, đúng như Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Lượng đã khẳng định, kết quả điều tra xã hội học không phải là đánh giá của cơ quan có thẩm quyền, cũng không đại diện cho ý kiến của mọi người dân, vì chúng tôi chỉ khảo sát trên hơn 5.000 người, thực hiện ở 5 bộ, ngành, 10 địa phương.

Còn với câu hỏi, có phải tham nhũng trong lĩnh vực này phổ biến hơn nhiều lĩnh vực khác, thì có một vấn đề cần xem xét là đặc thù đây chính là những cơ quan, đơn vị tiếp xúc nhiều nhất với người dân hàng ngày. CSGT là lực lượng tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ.

Ý kiến phản ánh của phía Tổng Cục cảnh sát, thực ra, hiện tại, pháp luật ở mỗi nước lại có những quan niệm rất khác nhau về hành vi tham nhũng. Vì vậy, qua cuộc khảo sát này, chúng tôi cũng điều tra thêm về cách hiểu về tham nhũng của những người được hỏi và nhận thấy rằng, phạm vi tham nhũng theo quan điểm của người dân rộng hơn nhiều so với khái niệm đưa ra trong luật. Cụ thể, pháp luật quy định, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn mà lợi dụng quyền hạn đó vì mục đích vụ lợi (phải đảm bảo cả 3 yếu tố cấu thành này). Còn tham nhũng theo cách hiểu của người dân hiện tại bao gồm cả những biểu hiện tiêu cực khác.

Lần khảo sát trước, phản ứng của xã hội cũng như các cơ quan chức năng khi Thanh tra công bố kết quả những lĩnh vực có cảm nhận tham nhũng nhiều nhất khác hẳn về mức độ so với lần khảo sát này. Ông đánh giá gì về chuyển biến này, có phải xã hội đã nhàm với cách thức khảo sát, thăm dò này?

Không phải. Lý do là vì cuộc khảo sát trước tiến hành khi chưa có Luật Phòng chống tham nhũng. Sau khi có luật và việc tuyên truyền được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức trong người dân cũng như phổ biến, triển khai rộng rãi các giải pháp phòng ngừa, tầng lớp cán bộ công chức có nhận thức về tham nhũng đã thay đổi khác hẳn, đúng đắn hơn.

Khi nhận thức đúng đắn rồi thì phản ứng sẽ không có những biểu hiện như lần trước. Trước kia, khi đưa ra vấn đề, do nhận thức của các bộ phận, tầng lớp dân cư trong xã hội khác nhau quá nên có chuyện quan điểm của mọi người khác nhau. Còn lần khảo sát này, chắc chắn chuyện như thế sẽ không xảy ra, hay nói cách khác, dư luận sẽ đồng thuận hơn.

Tôi đã đọc rất nhiều bài báo sau khi có kết quả khảo sát này và thấy những ý kiến trái chiều, đối lập nhau không nhiều. Tôi cũng chưa đọc được thông tin nào thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ về kết quả này.

Như ông nói, kết quả khảo sát đã được dư luận xã hội, người dân tỏ ra ghi nhận, đồng tình với nhận định về những lĩnh vực có tham nhũng nhiều hiện nay. Vậy khi có kết quả này rồi, động thái tiếp theo của Thanh tra Chính phủ là gì?

Có thể nói ý nghĩa việc khảo sát này là để phục vụ công tác sơ kết đánh giá tình hình phòng chống tham nhũng giai đoạn vừa rồi và xây dựng chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Ví dụ, trong báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội vừa qua, những đánh giá về tính hiệu quả của các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhiều thông số, nội dung được chúng tôi sử dụng từ kết quả khảo sát tham nhũng này. Đương nhiên cũng phải kết hợp với các kênh thông tin khác nữa.

Việc xây dựng dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng mà Quốc hội mới thông qua vừa rồi cũng dựa rất nhiều vào kết quả cuộc khảo sát này. Mặc dù đây không phải là kênh thông tin chính thức nhưng sử dụng cho việc tham khảo để phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách rất tốt.

Chúng tôi cũng đang làm chương trình hành động giai đoạn 2012 – 2016 để trình Chính phủ, trong đó, cách thực hiện các cuộc khảo sát về dư luận xã hội để phục vụ cho việc hoạch định chính xác được xem là một đầu mục việc rất quan trọng mà chúng tôi tập trung chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Việc “chỉ mặt” tham nhũng ở các lĩnh vực, ví dụ cảnh sát giao thông, là phản ánh tiếng nói của người dân rất rõ ràng. Thanh tra có đưa ra kiến nghị gì với Chính phủ để trấn chỉnh trực tiếp với những ngành này hay chỉ dừng ở việc khảo sát để nghiên cứu?

Việc tác động đến chính sách chung sẽ tạo ra tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực điểm nóng đưa ra trong khảo sát.

Ngoài ra, mục tiêu của cuộc khảo sát lần này, chúng tôi cũng muốn thể hiện vai trò của xã hội của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng. Khi dư luận, người dân đã thể hiện sự đồng tình về việc này cũng là yếu tố quan trọng tác động đến cơ quan quản lý của chính ngành, lĩnh vực này.

Trách nhiệm này không chỉ của Thanh tra Chính phủ mà của các bộ ngành khác. Với kết quả như vậy, chắc chắn các đơn vị như Bộ Công an, ngành Hải quan, Thuế… cũng phải có chính sách điều chỉnh với ngành mình, một là để ngành phải làm tốt hơn, hai là nếu thấy kết quả chưa chính xác thì cũng phải có cách thể hiện, tuyên truyền lại để người dân nhận thức đúng hơn về ngành mình.

Ghi nhận hiệu quả tích cực như vậy, Thanh tra Chính phủ dự định khi nào sẽ tiến hành khảo sát tương tự?

Hiện nay, trong kế hoạch trình Chính phủ, chúng tôi đã vạch ra đầu việc đó. Còn thời điểm cụ thể phải chờ Chính phủ xem xét phê duyệt. Chúng tôi cho rằng nên giữ định kỳ qua mỗi giai đoạn nhất định sẽ làm một cuộc khảo sát như vậy để có căn cứ đánh giá của dư luận.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)