1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Ngang nhiên đổ trộm phế thải ngay trên phố

(Dân trí) - Liên tục trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, trên các tuyến phố như dốc Hoàng Hoa Thám và Thuỵ Khuê, Ngọc Hà, Hồ Đắc Di… thường xuất hiện những đống phế thải rất to. Những đống phế thải này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn làm mất mỹ quan và môi trường đô thị.

Không còn là chuyện đổ phế thải ở các khu vực ven sông, hồ, ở những khu vực có lịch sử bãi rác để lại, việc đổ trộm rác còn được ngang nhiên thực hiện trên các tuyến phố. Bà Trần Thị Lan, người hàng ngày đi qua phố Hoàng Hoa Thám cho biết: "Có một hôm, đống rác to tướng chình ình xuất hiện dưới lòng đường. Nhiều người đi qua đây không khỏi ngạc nhiên cho sự liều lĩnh và vô ý của người đổ nó. Mặc dù ngay sau đó, lực lượng của công ty môi trường đô thị đã khẩn trương thu dọn. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ suốt ngày phải đi làm cái việc thu gom rác của người đổ trộm à?".

 

Từ đầu năm 2007 đến nay, Ban Thanh tra GTCC đã xử lý 627 trường hợp công trình xây dựng đổ đất, rác, phế thải ra hè đường phố, phạt tiền gần 120.000.000 đồng, tạm giữ 07 xe ô tô đổ trộm đất, phế thải và hơn 80 xe thồ, xe cải tiến các loại.

Ông Nguyễn Anh Dũng, ở phố Ngọc Hà thì không khỏi bức xúc: "Ở các nước, đến cả một gói bánh, gói kẹo người ta cũng phải chờ bỏ vào thùng rác công cộng. Trong khi ở ta, đống phế thải nhiều bằng cả chiếc ôtô tải mới chở hết lại được ngang nhiên đổ ra lòng đường. Thật không thể hiểu nổi, tại sao nhiều người lại vô ý thức đến độ vậy. Hay vì do luật của ta chưa nghiêm".

 

Trong khi lực lượng ban thanh tra GTCC còn rất mỏng manh thì những đối tượng đổ trộm đất lại rất linh họat trong việc đổ phế thải. Mỗi ngày đống phế thải lại được thay đổi ở một vị trí khác. Trước khi đổ ở chỗ nào, thậm chí người ta còn cho người đi thăm dò để khỏi bị phát hiện.

 

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Trưởng Ban Thanh tra GTCC, Sở GTCC Hà Nội cho biết: "Hiện nay do tốc độ đô thị hoá và xây dựng tại một số quận huyện đang phát triển mạnh nên nhu cầu đổ đất, phế thải xây dựng của các công trình là rất lớn. Điểm đổ phế thải xây dựng tại bãi Phú Minh - Từ Liêm lại xa trung tâm Thành phố nên vì lợi nhuận một số lái xe đã cố tình đổ trộm phế thải ra một số khu vực trên địa bàn Thành phố gây mất vệ sinh môi trường và bức xúc trong dư luận nhân dân".

 

Cũng theo ông Giáp, việc tuần tra, phát hiện để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm được duy trì thường xuyên nhưng vào ban đêm khó khăn hơn, nguy hiểm hơn cho người đi kiểm tra, xử lý. Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng các khu vực, tuyến phố vắng vẻ hoặc thiếu ánh sáng để đổ trộm.

 

Nhiều khi các chủ phương tiện thường có người đi khảo sát trước để đối phó nên rất khó khăn trong việc bắt quả tang vi phạm để xử lý. Thậm chí khi bị phát hiện, nếu thấy lực lượng kiểm tra xử lý ít người thì chống đối và chây ỳ như đóng cửa xe bỏ đi hoặc bất ngờ dùng xe lao thẳng vào lực lượng làm việc để bỏ chạy.

 

Trước những sự việc trên, có thể thấy, ý thức cộng đồng của nhiều người dân vẫn còn rất kém. Vì vậy việc áp dụng một chế tài nghiêm khắc trong trường hợp này là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần có sự tăng cường trách nhiệm hơn của các cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, CSGT, CSTT, UBND phường, xã...

 

Lãnh đạo Ban Thanh tra GTCC cũng kiến nghị Chính quyền địa phương cần có cơ chế giám sát các công trình xây dựng, sửa chữa cải tạo nhà gia đình... tại địa phương mình quản lý như yêu cầu ký hợp đồng với Cty Môi trường đô thị để xử lý đất, phế thải xây dựng, có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công...

 

Ý kiến này cũng giống với ý kiến của nhiều người dân đó là cần có một đơn vị của nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm thu gom phế thải và đổ vào đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có thêm quy định bắt buộc các đơn vị xây dựng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với đơn vị nói trên vì một thành phố văn minh - sạch đẹp.

 

Lan Hương - Mạnh Hùng