1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngân sách tăng 15.000 tỉ đồng khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều

(Dân trí) - “Trong tháng 12, 63 tỉnh và thành phố phải hoàn thành rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Tới tháng 1/2016, các đối tượng trên sẽ được áp dụng ngay chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục...”.


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm trao đổi với báo giới về lộ trình triển khai việc xác định và áp dụng hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Thưa Thứ trưởng, VN đang có khoảng 4,5 % hộ nghèo với chuẩn nghèo cũ. Nhưng từ năm 2016, chuẩn nghèo đa chiều ước tính sẽ làm số hộ nghèo tăng lên 12%. Vậy, phương pháp tính mới sẽ gây thêm áp lực về nguồn lực đối với công tác giảm nghèo?

Việc chuyển từ phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều là bắt kịp theo xu hướng chung của thế giới.

Theo đó, con người không chỉ dừng lại ở nhu cầu ăn, mặc mà còn  là: Nhà ở, chữa bệnh, tiếp cận thông tin, học hành, nước sạch vệ sinh.

Chúng ta đang dựa theo tốc độ phát triển kinh tế để xác định chuẩn và nhóm phù hợp. Việc thay đổi phương pháp tất yếu đòi hỏi tăng nguồn lực trên cơ sở phù hợp với nguồn lực ngân sách.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, ngân sách hỗ trợ đối tượng cận nghèo và nghèo khi áp dụng chuẩn ngèo đa chiều sẽ tăng thêm 15.000 tỉ đồng. Quốc Hội nhận thấy có khả năng cân đối được khoản ngân sách này.

Vậy, việc áp dụng chuẩn nghèo mới liệu có làm giảm tốc độ giảm nghèo của VN thời gian tới không, thưa Thứ trưởng?

Việc đo đếm để xác định quy mô nghèo đói và tốc độ giảm nghèo không phải là yếu tố ràng buộc nhau.

Tốc độ giảm nghèo nhanh hay chậm tùy thuộc vào các cơ chế và nguồn lực. Còn việc đo đếm chỉ đơn thuần là xác định quy mô và đối tượng.

Đương nhiên, việc xác định chuẩn nghèo đa chiều sẽ đòi hỏi được xem xét nhiều hơn tiêu chí hơn chuẩn nghèo đơn chiều.

Bộ LĐ-TB&XH đã tính toán và trình Quốc hội khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Theo đó dự khiến mỗi năm tốc độ giảm nghèo cố gắng đạt mức 1,3-1,5 % chung cho cả nước, các huyện nghèo có thể phấn đấu mục tiêu giảm 4%.

Ưu điểm tạo nên “bức tranh” chính xác hơn về hộ nghèo và cận nghèo, nhưng việc xác định chuẩn nghèo đa chiều còn cho phép người dân tự đăng ký thuộc nhóm hộ gia đình nào. Liệu điều này có đảm bảo tính trung thực, thưa Thứ trưởng?

Việc để người dân tự đăng ký hộ của mình có thuộc hộ nghèo hay cận nghèo là cách làm mới của giai đoạn này. Điều này tăng quyền tiếp cận của người dân. Tuy nhiên, việc đăng ký không có nghĩa là đã được công nhận.

Khi đăng ký với phương pháp này, hộ gia đình sẽ được “nhận dạng” và cho điểm. Chúng ta sẽ có cách tính toán với mức bao nhiêu điểm thì một hộ sẽ thuộc tiêu chí hộ nghèo hay cận nghèo. Sau đó, đưa người dân bình luận và xem xét việc đánh giá này.

Bên cạnh việc người dân tự khai, công tác đánh giá luôn được hỗ trợ bởi hệ thống các điều tra viên, cán bộ ,thôn bản và phường xã để đối chiếu với từng hộ. Người dân còn được học để tự xem việc đo lường, nhận dạng và đánh giá của điều tra viên, thôn bản có đúng không.

Trước kia, chúng ta áp dụng việc xuống từng hộ gia đình để hỏi: “Một năm ông/bà có thu nhập bao nhiêu tiền trong 1 năm?”. Điều này chưa chắc đã có câu trả lời đúng. Vì thông tin có từ đầu năm nhưng tới cuối năm mới hỏi.

Chưa kể vì những lý do khác nhau, đôi khi họ không cung cấp thông tin thực. Việc đánh giá theo cách cũ còn mang tính chủ quan, bỏ qua nhiều công đoạn và nặng về “xin - cho”.

Chính vì vậy, nhiều hộ nghèo không có trong danh sách và những hộ đời sống đã cải thiện những vẫn thuộc hộ nghèo.

Khi hộ nghèo đã thoát nghèo, chúng ta cần làm gì để giúp chống tái nghèo? Việc xóa bỏ tâm lý không muốn thoát nghèo và chờ nhận trợ cấp trong 1 bộ phận người dân ra sao, thưa Thứ trưởng?

Bộ LĐ-TB&XH ước tính, cả nước sẽ có khoảng 12 % hộ nghèo và 6 % hộ cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều. Bên cạnh những nỗ lực giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH xác định công tác chống tái nghèo cũng rất quan trọng.

Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát và thay thế dần các chính sách “cho không”, bao cấp không phù hợp và không tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên; từng bước bổ sung chính sách hỗ trợ có điều kiện, cho vay có thu hồi để nâng cao trách nhiệm cho hộ nghèo.

Với những hộ mới thoát nghèo, chúng ta sẽ có những chính sách để củng cố kết quả đạt được, như: Tiếp tục được hỗ trợ chính sách tín dụng, BHYT…Để phòng trường hợp gặp rủi ro, các hộ này vẫn có thể chống đỡ được và không trở lại hộ nghèo.

Bên cạnh việc cho vay, chúng ta phải thực hiện chính sách đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, chính sách thúc đẩy sản xuất. Có vậy, đồng vốn đưa xuống mới có hiệu quả và tạo việc làm bền vững.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 gồm thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Về thu nhập, chuẩn nghèo ở khu  vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, năm tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Hoàng Mạnh (thực hiện)