1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngân sách giáo dục sẽ “rót” theo đầu học sinh

(Dân trí) - Trong hơn một giờ đồng hồ trả lời chất vấn sáng nay (27/11), mặc dù các câu hỏi phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời khá rõ ràng, mạch lạc. Lần đầu tiên trong kỳ chất vấn lần này, không có đại biểu hỏi lại sau khi bộ trưởng trả lời.

Học phí: Bình đẳng về khả năng chi trả

 

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đặt câu hỏi về “kế hoạch dài hơi” của bộ trưởng để khắc phục sự phân hoá giàu nghèo trong giáo dục giữa các địa phương, các vùng miền trong cả nước, lấy lại sự công bằng về cơ hội học tập cho trẻ em.  

 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đây là vấn đề toàn cầu, là đặc điểm của sự phát triển. Bộ trưởng cho biết, hiện ngân sách giáo dục “rót” theo “đầu trường” nên học sinh vào trường công thì được hưởng còn học sinh trường dân lập thì không. Để khắc phục sự bất hợp lý này, theo ông, từ 2010 Nhà nước sẽ tài trợ theo “đầu” học sinh, ở cả cấp đại học, chứ không “rót” theo trường nữa.

 

“Thực tế, nếu tăng học phí chung trong cả nước thì 1 người hài lòng, nhưng 2-3 người không hài lòng. Đồng bằng phù hợp thì miền núi lại không phù hợp”, vì vậy bộ trưởng đã đưa ra phương án tính học phí theo thu nhập của người dân. “Học phí chiếm khoảng 4-6% thu nhập của hộ gia đình là chịu được, vì vậy thành phố sẽ khác với miền núi. Sẽ bình đẳng về khả năng chi trả chứ không phải bình đẳng về độ lớn của đồng tiền”, bộ trưởng khẳng định. Ông cũng cho biết Nhà nước sẽ rót thêm kinh phí cho khu vực khó khăn để đảm bảo chất lượng đào tạo.

 

Giải trình về những bức xúc của cử tri về việc quá tải sách giáo khoa, bộ trưởng cho biết đã cân thử và nếu đúng bộ sách của từng lớp thì chỉ từ 1,2- 1,7 kg/bộ. “Cặp học sinh quá nặng chủ yếu là sách tham khảo. Hiện có 35 NXB không phải hệ giáo dục xuất bản sách tham khảo mà Bộ Giáo dục không duyệt, điều này không hợp lý”. Bộ trưởng hứa sẽ rà soát, không để chuyện này tiếp tục xảy ra.

 

“Trong sự nghiệp này, Hội Khuyến học rất quan trọng”

 

Trả lời đại biểu Trần Luân Kim (Phú Yên) về nguyên tắc lựa mô hình và triết lý giáo dục của chúng ta hiện nay, bộ trưởng cho biết: “Vấn đề này có liên quan đến nguyên tắc cơ bản để giáo dục của một nước nghèo vươn lên trình độ quốc tế, ở đây có mâu thuẫn, không vươn lên thì không đủ năng lực cạnh tranh nhưng số tiền đầu tư cho giáo dục của chúng ta luôn thấp hơn từ 20-50 lần so với các nước”.

 

Để khắc phục, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, Bộ đang có kế hoạch sẽ tổ chức Hội nghị về triết lý giáo dục và  xây dựng chiến lược khung về giáo dục vào tháng 10/2007. Theo đó, sẽ chuyển từ đào tạo theo khả năng của ngành giáo dục sang đào tạo theo nhu cầu và sẽ hình thành bộ dữ liệu học tập trên mạng để khuyến khích tinh thần tự học, nâng cao chất lượng giáo viên. Bộ trưởng khẳng định: “Trong sự nghiệp này, Hội Khuyến học rất quan trọng”.

 

Liên quan đến vấn đề phân ban, đại biểu Trần Thị Thanh Huyền đặt câu hỏi: “Chương trình phân ban THPT chưa mang lại hiệu quả vì đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy học chưa đảm bảo. Có phải Bộ GD&ĐT đã trót in sách giáo khoa nên phải triển khai phân ban ngay năm học 2005-2006?”.

 

Bộ trưởng cho rằng, chương trình phân ban đã được thực nghiệm từ 3 năm trước, tài liệu không phải biên soạn vội vã mà có trải qua thực nghiệm. Về giáo viên hàng năm đều có sơ kết, rút kinh nghiệm và Bộ cũng tổ chức các hội nghị tập huấn cho các hiệu trưởng cho các trường THPT trên toàn quốc. 

 

Trả lời mối lo ngại về chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên ở vùng cao theo chính sách cử tuyển của đại biểu Đinh Thị Thảo (Hoà Bình), bộ trưởng công nhận số trường có chất lượng cao ở miền núi còn hạn chế, vì vậy, Bộ đang đề nghị thành lập Vụ giáo dục dân tộc, chuyên về giáo dục dân tộc, từ năm sau. 

 

Về chính sách đối với giáo viên vùng núi khó khăn, bộ trưởng cho biết đang triển khai trương trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên: “Đang vận động thày cô giáo trong ngành, doanh nghiệp để xây dựng một 1.000 ngôi nhà công vụ cho khoảng 8.000 thày cô giáo”.

 

“Vấn đề là ta có định làm việc này không đã” 

 

Đó là câu hỏi mà bộ trưởng tự đặt ra khi đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) nghi ngờ tính khả thi của lộ trình nâng thu nhập của giáo viên do Bộ Giáo dục đưa ra, để khắc phục tình trạng dạy thêm. 

 

“Bài chưa nộp mà bắt có đáp án thì hơi khó”, bộ trưởng dí dỏm, vì tháng 5/2007 mới trình chính phủ vấn đề tăng thu nhập giáo viên. 

 

Theo Bộ trưởng, nếu không quyết làm thì không thể tìm thấy lối ra. Ông ví dụ: “Giống hồi đánh Mỹ, đối thủ lạ, lớn, nhiều súng đạn nên không biết đánh sao. Khi quyết đánh chúng ta tìm ra phương pháp “bám thắt lưng địch mà đánh” thế là  pháo, máy bay vô tác dụng, từ đó mới tìm đường đi”.

 

Bộ trưởng cũng tiết lộ lộ trình tăng lương, theo đó, nếu được chấp nhận, mức lương giáo viên sẽ tăng trên 1,5 - 2 lần và tăng theo lộ trình từ tiểu học tới đại học. “Hiện nay, lương chiếm 34% ngân sách cho ngành giáo dục, nếu tăng với mức đã tính, đến 2010 sẽ chiếm hơn 36%, như vậy là có thể chịu đựng được”, bộ trưởng khẳng định.

 

Sau khi tán thành chủ trương của bộ trưởng về giao quyền tự chủ cho các trường đại học, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa (Bình Dương) đặt câu hỏi: “Cử tri cho rằng, khó nhất khi giao quyền tự chủ cho các trường đại học lại do chính… Bộ, vì các cơ quan bộ quen cơ chế xin – cho, chất lượng và phương thức đào tạo cao học chưa tốt. Ý kiến của Bộ trưởng?”.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Năm 2007, Bộ sẽ có hội nghị về đổi mới quản lý giáo dục đại học, trong đó sẽ đề cập đến một số vấn đề như giao chỉ tiêu tuyển sinh, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học…

 

“Tháng giêng năm 2007, Bộ sẽ công bố qui chế quản lý làm tiến sĩ và thạc sỹ mới với yêu nâng cao chất lượng. Đặc biệt là làm tiến sĩ công trình phải có giá trị khoa học và có kết quả ứng dụng. Nhà trường có trách nhiệm góp phần cùng bộ hỗ trợ kinh phí nghiên cứu”, bộ trưởng cho biết.

 

Trong phần chất vấn của mình, người đứng đầu ngành giáo dục nhận được 30 chất vấn bằng văn bản và 24 đại biểu chất vấn trực tiếp. Thông thường, các bộ trưởng khác được dành 110 phút nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã được dành tới 150 phút để trả lời.

 

Đức Hoà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm