1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Ngân hàng đã điều chỉnh linh hoạt các tác nghiệp”

(Dân trí) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Văn Giàu cho rằng, ngành ngân hàng đã điều chỉnh linh hoạt các tác nghiệp để khắc phục những phản ứng phụ trong quá trình thực hiện các giải pháp.

Phản ứng phụ từ việc ngân hàng thực hiện thắt chặt tiền tệ, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn, trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng… là những vấn đề được đại biểu chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu nhiều nhất.

Doanh nghiệp phải tiết giảm đầu vào

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) gay gắt ngay từ đầu phiên chất vấn: “Với mức lãi suất vay lên đến 18%, thậm chí thực tế là 22-24% (vì thực tế ngân hàng thu thêm phí 3-5%), các doanh nghiệp hết sức khó khăn trong sản xuất và kinh doanh”.

Thống đốc Trần Văn Giàu giải thích, qui định mới về lãi suất vừa đưa ra hơn 10 ngày, “nhưng có thể nói các bên tương đối đồng thuận”… Dẫu trả lời như vậy, sau đó ông lại thừa nhận, mức lãi suất mới khá cao đối với các doanh nghiệp và nếu như doanh nghiệp không có điều kiện sản xuất hiệu quả cao thì phải tiết giảm đầu vào khác nữa.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) chất vấn, tình trạng biến động đô la gần đây có phải có yếu tố đầu cơ hay không? Và Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để giải tỏa biến động này?

 

Thống đốc NHNN cho rằng, khi người dân đổ sô đến những điểm mua ngoại tệ mấy ngày trước đây, ngân hàng đã lập tức cử những người có trách nhiệm đến các điểm để tìm hiểu. Về nguyên nhân, theo ông Giàu, khi chúng ta công bố CPI của tháng 5 là 3,91 khá cao, chúng ta đã giải thích là do tình hình giá gạo bất thường mấy ngày tạo ra con số này. Tuy nhiên, những thông tin này chuyển tải chưa đầy đủ, tâm lý thấy lạm phát cao đã tạo nên tình trạng trên. Sau khi được thông tin tích cực, vấn đề nhanh chóng được khắc phục.

Chưa hài lòng với trả lời của Thống đốc NHNN, một đại biểu khác của Hải Phòng, ông Lê Văn Thành cho rằng, thực tế, lợi nhuận bình quân của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân khoảng 10-15%, trong khi đó, lãi suất tiền gửi được 14%, lãi suất đi vay là 18%. Điều này dẫn tới việc người có vốn sẽ không đầu tư cho sản xuất kinh doanh, đầu tư vào gửi tiết kiệm, làm sản xuất bị thu hẹp.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước lý giải, các tham số để hình thành lãi suất bám sát tình hình thị trường. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ ý kiến của đại biểu Lê Văn Thành, nguồn vốn có thể có hai khuynh hướng, trong đó khuynh hướng về đầu tư có thể thấp hơn. Tuy nhiên, theo ông Giàu, việc kiềm chế lạm phát còn phải xem xét những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình.

Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đưa ra một loạt những câu hỏi gay gắt: Thống đốc có nhận thấy trách nhiệm sâu sắc trước tình cảnh doanh nghiệp và người dân chao đảo vì biện pháp thắt chặt tiền tệ khá đột ngột như vừa qua ngành Ngân hàng tham mưu với Chính phủ hay không? Liệu người dân và doanh nghiệp có còn bị chao đảo vì những biện pháp mà ngành ngân hàng Ngân hàng chưa lường hết được? Nếu tình hình này vẫn tiếp tục xảy ra, ngân hàng không kiểm soát được, Thống đốc sẽ chịu trách nhiệm thế nào trước Chính phủ và trước Quốc hội.

Ông Giàu đáp lại, dấu hiệu lạm phát đã xuất hiện từ giữa năm 2007, Ngân hàng Trung ương lúc đó đã ra hàng loạt các biện pháp và nối tiếp các biện pháp. Kế đến tháng 12 cùng năm, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đưa ra một gói giải pháp đồng bộ để thực hiện. Theo ông, trong quá trình thực hiện có những phản ứng phụ và ngành ngân hàng đã điều chỉnh linh hoạt các tác nghiệp.

“Tới đây chúng tôi cùng Chính phủ cố gắng điều hành cho thật tốt để đạt được các yêu cầu, mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm mở rộng an sinh xã hội và phát triển bền vững”, ông Giàu chốt lại chung chung mà chưa đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu.

Chưa lường hết phản ứng phụ…

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, Ngân hàng Trung ương có trách nhiệm chính tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề để ra tình hình lạm phát. Từ đó ông đưa ra câu hỏi vĩ mô: “Vậy Luật của Quốc hội hay là nghị quyết nào của Quốc hội, hay là nghị định nào của Chính phủ, hay là văn bản quy phạm pháp luật nào đã không tạo cho ngân hàng Trung ương có một vị trí độc lập tương đối để quyết định các chính sách tiền tệ để chiến đấu chống lại tình hình lạm phát như là ngân hàng trung ương của các nước?”.

Ông Giàu đáp lại, Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ, là cơ quan của Chính phủ. Với các nước, nhiều quốc gia phát triển rất lâu, Ngân hàng trung ương có quyền độc lập, đương nhiên độc lập có những quyền hạn và trách nhiệm độc lập.

Trong trả lời của mình, Thống đốc NHNN cũng khẳng định, tất cả hệ thống tổ chức tín dụng của chúng ta hiện nay hoạt động thanh khoản bình thường, không có điều gì có thể gây khó khăn, hay đổ vỡ hệ thống.

Cũng theo Thống đốc, tháng giêng năm 2008, tăng trưởng tín dụng đến 6,3% so với tháng trước, nên nhất thời đã gặp khó khăn về thanh khoản. Về chủ quan, NHNN đã dự báo trước những tác động của các biện pháp thu hút tiền về, nhưng chưa lường hết những phản ứng phụ nảy sinh đối với một số ngân hàng thương mại đã sử dụng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để tăng trưởng dư nợ, chưa thực hiện đầy đủ quy định của NHNN về đảm bảo an toàn.
 
Mạnh Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm