1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngăn chặn nhiều cuộc đấu giá có dấu hiệu "thông đồng, dìm giá"

Thế Kha

(Dân trí) - Hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự "bảo kê" của băng nhóm "xã hội đen" có hành vi đe dọa, cưỡng ép những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá vẫn còn phức tạp.

Theo Bộ Tư pháp, đến tháng 11/2021, cả nước có hơn 1.000 đấu giá viên; gần 500 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 59/63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã và đang từng bước đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động, chuyển dần sang cơ chế tự chủ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Ngăn chặn nhiều cuộc đấu giá có dấu hiệu thông đồng, dìm giá - 1

Việc TPHCM đấu giá thành công 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm thu về hơn 37.000 tỷ đồng cho ngân sách (hơn 2,4 tỷ đồng/m2) đang thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận (Ảnh minh họa: Hải Long).

Tình trạng "sân sau" còn phổ biến

Bộ Tư pháp cho biết, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức thành công nhiều cuộc đấu giá với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, thu ngân sách Nhà nước đạt hiệu quả cao. Chỉ trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019, các tổ chức đấu giá đã tổ chức trên 86.600 cuộc đấu giá thành với tổng giá khởi điểm gần 195.000 tỷ đồng, tổng giá trị bán thành hơn 233.000 tỷ đồng, làm lợi cho người có tài sản, ngân sách Nhà nước hơn 38.185 tỷ đồng, nộp thuế cho ngân sách gần 100 tỷ đồng.

"Thực tiễn cho thấy ở địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa"- Bộ Tư pháp cho hay.

Ví dụ điển hình là vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán thành đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng. Vụ đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát.

"Tình trạng "cò", đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh; vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô, Đắk Nông), vụ bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá"- đại diện Bộ Tư pháp dẫn chứng.

Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã có hơn 20 công văn đề nghị các Sở Tư pháp, người có tài sản và cơ quan chủ quản xem xét, xác minh, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản.

Trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp, người có tài sản đã kịp thời dừng cuộc đấu giá, hủy kết quả đấu giá do có hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản như vụ đấu giá cây cao su ở Kon Tum, đấu giá quyền sử dụng đất tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), vụ đấu giá quyền cho thuê bãi giữ xe ở thành phố Cần Thơ, vụ đấu giá tài sản thanh lý của Công ty điện lực tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình...).

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp thừa nhận việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, chênh lệch lớn so với giá thị trường. Thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất.

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng "sân sau" còn phổ biến. Trong khi việc người có tài sản giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là "buông lỏng", do đó không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

"Tình trạng "thông đồng, dìm giá", "quân xanh, quân đỏ" giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự "bảo kê" của băng nhóm "xã hội đen" có hành vi "đe dọa, cưỡng ép" những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương"- cơ quan này nhận định.

Ngăn chặn nhiều cuộc đấu giá có dấu hiệu thông đồng, dìm giá - 2

Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương từng đăng các thông tin rao bán hàng trăm lô đất, trong đó có những lô "đất vàng" ở Thái Bình.

Đề xuất trấn áp tội phạm đấu giá thông qua các chuyên án

Lý giải nguyên nhân, Bộ Tư pháp cho biết tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%) nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình của một số nước phát triển, do đó, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi.

Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm rất ít (0,06%) so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc. Trong khi tình trạng "thông đồng, dìm giá", "quân xanh, quân đỏ", "cò mồi, đe dọa, cưỡng ép" xảy ra khá tinh vi.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia đấu giá. Còn đội ngũ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn "mỏng", có nơi chỉ có 2-3 cán bộ nhưng phải xử lý nhiều mảng phức tạp, nhạy cảm, kinh nghiệm, kỹ năng thanh tra còn yếu.

Cơ quan này đề xuất thời gian tới phải có giải pháp phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động đấu giá tài sản. Tăng cường thực hiện các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm trong hoạt động đấu giá tài sản thông qua các chuyên án.

"Nghiên cứu, thành lập các đoàn giám sát, tổ theo dõi thường xuyên, đột xuất để tăng cường giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá của các tổ chức đấu giá tài sản. Thực hiện thí điểm đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến, nhất là việc đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp tại địa phương"- cơ quan này nêu quan điểm.