ĐBSCL
Ngắm những ngôi nhà sàn “khát nước” vùng ĐBSCL
(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 9 - 10, ĐBSCL lại đón mùa nước nổi. Hàng ngàn ngôi nhà “loi nhoi” trong biển nước nhưng người dân lại mừng vì được dịp đánh bắt cá tôm. Khi lũ chưa về, những ngôi nhà bắc cao “khát nước” chờ lũ.
Đến vùng rốn lũ An Giang, Đồng Tháp, một trong những dấu hiệu nhận biết người dân “sống chung với lũ” là những ngôi nhà sàn cao chót vót của bà con nơi đây. Vì thế dọc theo các tuyến lộ, con đê, từ ấp ra xã, đến huyện,… đâu đâu cũng thấy nhà sàn, dưới những căn nhà sàn chi chít những cây cột cao lêu ngêu, gồng mình đỡ nhà, chống lũ.
Tùy theo kinh tế của mỗi hộ mà liệu xây nhà, người nghèo thì dùng cây tràm, bạch đàn làm cột, người khá giả thì dùng trụ bê tông,… Dù người dân dùng vật liệu gì để xây nhà thì yêu cầu đầu tiên là nền nhà phải cao bằng con đê thì mới mong thoát lũ.
Anh Nguyên Văn Ri - ở xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) - cho biết: “Người ta nói “an cư mới lập nghiệp”, cho nên bà con vùng lũ việc đầu tiên là gom tiền xây nhà cho cao, tránh lũ. Thoát cảnh bì bõm lội nước trong nhà, vừa mắc bệnh, vừa không thể yên tâm lao động khi để trẻ ở nhà”. Cũng theo anh Ri, đến mùa khô, phần dưới gầm nhà lại được tận dụng để chăn nuôi, chứa vật tư nông nghiệp, để củi,…
Cùng ngắm những ngôi nhà sàn đang "khát nước" của người dân vùng lũ ĐBSCL:
Dưới những căn nhà sàn là chi chít những cây cột cao lêu ngêu, "khát nước" đợi lũ về
Một chiếc cầu thang lên nhà quá sơ sài của những hộ nghèo
Những hộ nghèo thì dùng cây tràm, bạch đàn làm trụ.
Những gia đình khá giả thì cột nhà và "cầu dẫn" ra lộ cũng kiên cố hơn bằng bê tông
Còn hộ nghèo vẫn đu trên mình trên cầu khỉ để ra đường, vào nhà
Dưới sân là những bãi ngô, đậu,... xanh rì
Khoảng trống dưới nhà sàn là nơi trú ngụ, vui chơi của trẻ trong những ngày nắng nóng.