Ngắm ngôi chùa đồ sộ trên đỉnh núi, giữ 4 kỷ lục Việt Nam
(Dân trí) - Chùa Đại Tuệ ở Nghệ An nắm giữ 4 kỷ lục Việt Nam. Ngôi chùa hàng ngàn năm lịch sử, gắn liền với câu chuyện Hoàng đế Quang Trung vượt núi, tìm ra con đường tiến quân thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh.
Chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thời vua Mai Hắc Đế, đến nay đã đồng hành cùng bao trang sử của dân tộc. Đây là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Mậu Đại Tuệ - Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (nghĩa là Trí tuệ lớn) - là vị thần có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp lũy trên núi Đại Huệ để chống giặc Minh.
Chùa Đại Tuệ, gồm 20 hạng mục, trong đó có 4 ngôi bảo điện chính, được trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi, bắt đầu từ chùa Trình, tiếp theo chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng trên đỉnh.
Chùa Đại Tuệ nằm trên động Thăng Thiên của dãy núi Đại Huệ, ở độ cao gần 500m so với mực nước biển. Công trình tôn giáo này được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 6.000m2 với không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Đứng ở đây, bạn có thể nhìn ngắm dòng sông Lam uốn lượn.
Chùa Đại Tuệ là điểm du lịch tâm linh duy nhất tại Việt Nam thờ Phật Bà Đại Tuệ, người đại diện cho trí tuệ của Đức Phật. Nơi đây còn thờ thất Phật Thế Tôn, Phật Di Lặc, Bác Hồ cùng 5 vị vua gắn liền với lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta.
Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật Mẫu Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiến, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Tương truyền, tại ngôi chùa này đã có pho tượng cổ Phật Mẫu Đại Tuệ, tuy nhiên trải qua thời gian, đến nay pho tượng quý đã thất lạc.
Khi trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa, Ban Quản lý khu di tích đã cho đúc lại pho tượng này. Trong chùa hiện có pho tượng Phật Mẫu Đại Tuệ đúc bằng chất liệu đồng đỏ chất lượng tốt, cao 2,30m, rộng 1,15m, nặng 1.100kg.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trụ trì chùa Đại Tuệ cho biết: Chùa được xây dựng trên đỉnh núi cao ở dãy Đại Huệ, vì thế từ trên chùa có thể nhìn thấy khung cảnh non nước hữu tình xung quanh.
Công trình kiến trúc này hiện nắm giữ bốn kỷ lục lớn tại Việt Nam, ghi danh Nam Đàn - Nghệ An vào bản đồ du lịch Việt Nam.
Ngày 21/1/2017, đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và du khách thập phương đã tổ chức lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới từ chùa Diệc (thành phố Vinh) về an vị tại chùa Đại Tuệ. Tượng Phật Ngọc nặng 4,5 tấn, cao 2,54m, ngang 1,77m, gồm 5 phần ghép lại là kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát.
Ngoài ra, chùa còn phụng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và 5 vị vua gồm: Vua Hùng, vua Mai Hắc Đế, vua Hồ Quý Ly, vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh. Đây là những con người gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chùa Đại Tuệ còn có những chiếc chuông đồng lớn.
Trong chùa Đại Tuệ hiện nay có những đồ tế khí bằng đá. Đó là mõ đá, chuông đá. Tương truyền rằng, vua Quang Trung đã dùng mõ này gióng lên những hồi chuông thúc dục quân sĩ xuống núi hành quân cấp tốc.
Vào ngày 19/2/2016, chùa Đại Tuệ Nghệ An đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác nhận 4 kỷ lục, gồm: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.
Bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng cao 32m, công trình ấn tượng nhất của chùa là nơi thờ thất Phật thế tôn, Phật Mẫu Đại Tuệ và Phật Di Lặc.
Trên đỉnh núi, cạnh chùa Đại Tuệ có ao sen nở sớm và tàn rất muộn, có giếng ngọc nước trong xanh quanh năm. Sau lưng chùa là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ Tiên bằng đá.
Không chỉ là ngôi chùa có cảnh quan đẹp và nhiều công trình bề thế mà chùa Đại Tuệ còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử. Đến vãn cảnh chùa, du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ vĩ mà còn hiểu hơn về lịch sử của dân tộc.
Tương truyền, công trình tôn giáo này có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lượng nhà Đường vào năm 627 sau công nguyên. Đến thế kỷ thứ XV thì được vua Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật Bà Đại Tuệ, vị thần có công phù hộ cho nhà Hồ chống giặc Minh xâm lược, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi.
Theo sử sách, vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung trong chuyến hành binh ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh cũng đã nghỉ chân tại đây. Trong giấc mơ, nhà vua thấy Phật Bà về chỉ cho cách xây thành làm căn cứ chống giặc.
Sau đó, vua Quang Trung đã dâng lễ vật xin Phật gia phù hộ đánh bại quân Thanh. Cũng tại đây, nhà vua được trụ trì chỉ đường tắt ra kinh đô, rút ngắn thời gian hành quân khiến giặc Thanh trở tay không kịp. Sau chiến thắng, ông đã xuống chiếu cắt 20 mẫu đất để xây dựng chùa và lo việc hương khói quanh năm.