PhotoStory

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Nghệ nhân nhân dân Trần Độ giới thiệu 56 tác phẩm rồng tại điện Kiến Trung - Đại nội Huế, trong đó đa số lấy từ hình tượng rồng được đúc trên ấn của triều Nguyễn

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế - 1

Chiều 6/6, tại điện Kiến Trung (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với nghệ nhân nhân dân Trần Độ (thứ 3 từ bên phải qua) tổ chức triển lãm "Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ".

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (Ảnh: Bảo Minh).

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế - 2

Theo Ban tổ chức, triển lãm lần này, nghệ nhân nhân dân Trần Độ giới thiệu 56 tác phẩm rồng, trong đó đa số lấy từ hình tượng rồng được đúc trên ấn của triều Nguyễn. 

Trong đó có ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, ấn Sắc mệnh chi bảo, Tề gia chi bảo và ấn của các Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi, Hoàng thái tử.

Đồng thời nghệ nhân Trần Độ còn chế tạo nhiều tác phẩm rồng làm từ gốm (Ảnh: Bảo Minh).

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế - 3

Đến thăm không gian trưng bày gốm của nghệ nhân Trần Độ, du khách có dịp chiêm ngắm những tác phẩm mà ông đã dày công nghiên cứu và chế tác suốt mấy chục năm qua cùng niềm đau đáu với nghiệp gốm.

Thú vị hơn, những tác phẩm rồng ở không gian này với đủ kiểu dáng đang như đang vươn lên, thể hiện khát vọng và ước nguyện cùng những dự cảm tốt lành (Ảnh: Bảo Minh).

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế - 4

Trần Độ là một nghệ nhân nổi tiếng trong làng gốm Việt Nam. Bao năm làm nghề, ông đã kiên trì tìm cho sản phẩm của mình những nét riêng, mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc.

Mỗi dịp xuân về, nghệ nhân Trần Độ lại cho ra đời các tác phẩm về linh vật con giáp. Năm 2024, năm Giáp Thìn, những tác phẩm về rồng dần dần hình thành trong tư duy sáng tạo và qua đôi tay khéo léo của nghệ nhân (Ảnh: Bảo Minh).

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế - 5

Theo nghệ nhân Trần Độ, để thể hiện thành công dòng sản phẩm rồng Việt, ông đã liên hệ nhiều nơi như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để có tài liệu, tiếp cận nguồn hiện vật, cổ vật liên quan đến hình tượng con rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Đó là nguồn tài liệu vô cùng cần thiết để nghệ nhân bồi đắp tài nguyên sáng tạo. Nổi bật nhất trong bộ sưu tập tác phẩm rồng của nghệ nhân Trần Độ là cảm hứng từ các hình tượng rồng thời Nguyễn với phát triển dáng thế, hoa văn đến mức hoàn chỉnh và sinh động (Ảnh: Bảo Minh).

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế - 6

Triển lãm "Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ" được tổ chức bên trong không gian cổ kính, lộng lẫy của điện Kiến Trung ở Đại nội Huế.

Đây là công trình kiến trúc di tích vừa hoàn thành tu bổ, phục hồi và tôn tạo, đưa vào phục vụ khách tham quan từ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (Ảnh: Bảo Minh).

Ngắm bộ tượng rồng trong cung điện triệu đô ở Huế - 7

Điện Kiến Trung được xây dựng năm 1923 dưới thời vua Khải Định, là 1 trong 5 công trình lớn nằm ở điểm cuối cực Bắc của trục dũng đạo xuyên qua trung tâm của Tử Cấm Thành (Đại nội Huế). Năm 1947, công trình bị phá hủy và trở thành phế tích.

Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung được triển khai từ năm 2019, tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,5 triệu đô) và đã hoàn thành sau 5 năm thực hiện.

Khu vực điện Kiến Trung cũng sẽ là điểm nhấn của Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 với chương trình khai mạc (tối 7/6) và các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn khác (Ảnh: Vi Thảo).