1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng:

“Nếu trúng cử Quốc hội sẽ đưa quyết sách gần dân hơn”

(Dân trí) - “Diễn đàn Quốc hội chưa từng có người khuyết tật tham gia, việc tôi tự ứng cử sẽ là bước đệm, tạo tiền đề cho những người khuyết tật tự tin ở kỳ sau. Nếu trúng cử tôi sẽ thẳng thắn phản biện để đóng góp vào những quyết sách quan trọng của đất nước”.

Với quan điểm đó, Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội (ĐBQH) khoá 13. Anh là một trong số 30 người tự ứng cử ĐBQH trên địa bàn Hà Nội.
 
“Nếu trúng cử Quốc hội sẽ đưa quyết sách gần dân hơn” - 1
Nếu trúng cử Nguyễn Công Hùng sẽ dùng Internet để kết nối với nhân dân
 
Vì sao anh quyết định nộp đơn tự ứng cử ĐBQH khoá 13?
 
Luật người khuyết tật chính thức ban hành vào đầu năm nay nhưng vẫn còn nhiều điều băn khoăn. Thực tế, trong cuộc sống hiện nay còn nhiều lĩnh vực người khuyết tật bị thiệt thòi, điển hình như y tế và giáo dục.
 
Bản thân tôi là người khuyết tật nên hiểu khá rõ nhu cầu, mong muốn của những người khuyết tật trong cuộc sống là gì và nên giúp họ như thế nào.
 
Theo tôi được biết chưa có người khuyết tật nào là ĐBQH Việt Nam nhưng có rất nhiều người khuyết tật mong muốn được đứng ở vị trí này để đóng góp tiếng nói vào những quyết sách quan trọng của đất nước.
 
Trên thực tế diễn đàn Quốc hội có nhiều vấn đề quan trọng khác về kinh tế - xã hội cần phải bàn bạc, giải quyết. Anh đã chuẩn bị thế nào để cùng “hợp lực” với ĐBQH khác giải quyết những vấn đề đó?
 
Việc học là cả đời. Còn việc làm ĐBQH là một công việc mới cho nên tôi luôn sẵn sàng học hỏi, tập huấn những chương trình mình sẽ phải thực hiện. Đến nay, tôi đã sẵn sàng cho việc trở thành ĐBQH!
 
Nếu trúng cử ĐBQH tôi sẽ phản biện thẳng thắn với những vấn đề mình quan tâm và những quyết sách quan trọng của đất nước trong mỗi kỳ họp. Với sự trải nghiệm và những kiến thức thu được tôi nghĩ mình đã đủ chín chắn khi nộp đơn.
 
Nếu được làm người đại diện cho nhân dân trên diễn đàn Quốc hội, anh sẽ thể hiện ra sao để khỏi phụ lòng những lá phiếu chọn mình?
 
Nguyễn Công Hùng, 29 tuổi (sinh năm 1982 tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Năm 2003: Mở Trung tâm Tin học Công Hùng dành cho con em ở địa phương và người khuyết tật. Năm 2005: Được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin. Năm 2006: Được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”.
 
Hiện anh là Giám đốc Công ty CP Nghị Lực Sống và là Uỷ viên ban cố vấn Hội tin học trẻ Việt Nam.
Tôi thích sự thẳng thắn, chấp nhận sự phản biện. Nếu trúng cử ĐBQH trong mỗi kỳ họp khi đứng trước những quyết sách quan trọng của đất nước tôi vẫn sẽ làm như vậy!
 
Trong tổ chức của tôi có gần 100 người, mỗi ý tưởng đưa ra đều phải đón nhận rất nhiều ý kiến phản biện, từ đó chúng tôi mới có thể thành công được và cũng qua đó mọi người trưởng thành hơn, những ý tưởng lần sau của mình sẽ sắc sảo hơn, sát với thực tiễn hơn.
 
Bầu cử ĐBQH đợt này Hà Nội có tới 11 người ứng cử Trung ương cử xuống, 40 người được phân bổ, 30 người còn lại là tự ứng cử nhưng chỉ có 30 người được trúng cử, anh nghĩ mình có thể “lọt” được qua khe cửa hẹp này không?
 
Ở đây, tôi không nghĩ đến việc cạnh tranh. Mục đích tôi nộp hồ sơ có được hay không thì cũng không ảnh hưởng gì đến kế hoạch cho tương lai của mình.
 
Còn nếu được vào tôi sẽ tạm giao công việc hiện tại cho người khác, dành thời gian cho nhân dân và làm tròn trách nhiệm của ĐBQH, đồng thời sẽ có những sáng kiến quan trọng trong cuộc sống.
 
Là người trẻ tuổi nhất (29 tuổi) ứng cử ĐBQH khoá 13 trên địa bàn Hà Nội, anh có đủ tư tin trên con đường chính trị?
 
Tôi được biết khi bầu ĐBQH khoá 12 (năm 2007) có 2 sinh viên sinh năm 1983 và 1985 tự ứng cử ĐBQH, họ còn trẻ hơn tôi nhiều ấy chứ nhưng họ vẫn tự tin ứng cử.
 
Con đường trở thành Hiệp sĩ Công nghệ thông tin của người khuyết tật như tôi cũng vậy, bước đầu có nhiều người băn khoăn, hoài nghi về sự thành công của mình nhưng tôi đã thành công và vẫn đi trên con đường ấy.
 
Theo tôi không có gì là việc trẻ hay già trên diễn đàn Quốc hội, mà là việc mình có cảm thấy đủ tự tin hay không. Ban trẻ, người khuyết tật hãy cứ đi và thật táo bạo, tự tin vào kế hoạch, dự định của mình tôi tin sẽ thành công.
 
Là người khuyết tật ngay cả trong cuộc sống chính bản thân mình cũng có rất nhiều khó khăn, với vai trò người đại biểu của nhân dân lo cho rất nhiều người, liệu anh có đảm đương được?
 
Thế mạnh của tôi là công nghệ thông tin và được cộng đồng mạng yêu mến. Từ hôm tôi tham gia ứng cử đã có nhiều sự phản hồi động viên để tôi tự tin ứng cử.
 
Nhiều nước đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến của nhân dân. Tôi thấy việc làm này rất hiệu quả vì nếu đi tiếp xúc cử tri cũng chỉ gặp được một vài người, còn thông qua Internet vừa không mất thời gian lại có được cộng đồng lớn hơn rất nhiều.
 
Quang Phong