1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nếu thủy điện không xả nước, Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ "chết khát"

(Dân trí) - Trong tình hình hạn hán nặng hiện nay, nếu các thủy điện ở thượng nguồn không xả nước về hạ du, người dân hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ chết khát, nông nghiệp sẽ mất mùa nặng…

Ngày 25/4, tại Quảng Nam, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cùng với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, các nhà máy nước, công ty thủy lợi, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, A Vương... để bàn giải pháp tìm nguồn nước tưới cho vụ hè thu sắp tới và nguồn nước sinh hoạt tại 2 địa phương này.

Nếu thủy điện không xả nước, Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ chết khát
Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi họp bàn với 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng để điều tiết nước trong mùa khô này

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 73 hồ chứa nước phục vụ cho khoảng 21.450ha/vụ. Tuy nhiên, từ tháng 12/2013 đến nay, lượng mưa phổ biến trên toàn tỉnh thấp hơn so với mọi năm nên mực nước các hồ chứa xuống thấp. Theo tính toán, các hồ chứa này sẽ chỉ phục vụ nước tưới cho vụ đông xuân, dự báo sẽ thiếu nước trầm trọng trong vụ hè thu nếu không có lũ tiểu mãn.

Bên cạnh đó, dòng chảy trên các sông đều ở mức thấp, hiện tượng bồi lấp và nhiễm mặn xâm nhập khá sâu vào nội địa tại các sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện và Bàn Thạch… đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt khu vực hạ du.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam - cho rằng chưa bao giờ các hồ chứa ở Quảng Nam đang khó khăn nguồn nước như hiện nay. Để giải quyết nguồn nước cho Quảng Nam và Đà Nẵng, ông đề nghị các nhà máy thủy điện từ nay đến ngày 10/5 không được phát điện hoặc phát rất ít để dành nước phát từ ngày 10/5 trở đi vì thời điểm này nông dân vào vụ gieo sạ.

Thủy điện gây khô hạn các dòng chảy vào mùa khô khiến dạ du gặp khó khăn
Thủy điện gây khô hạn các dòng chảy vào mùa khô khiến dạ du gặp khó khăn

Tại TP Đà Nẵng, theo kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm nay có khoảng 4.000 ha, trong đó lúa 2.523 ha, rau màu 174 ha... Thời điểm nông dân đưa nước vào ruộng xuống ải dự kiến là ngày 15/5, nhưng trước đó 10 ngày nước phải đưa vào ruộng để làm đất. Tuy nhiên hiện các hồ chứa đang gặp khó khăn về nguồn nước. Ngoài ra, nhu cầu nước sinh hoạt hiện nay của người dân Đà Nẵng cần 200.000 m3 ngày đêm cũng đang gặp khó khăn. Vì vậy đề nghị thủy điện phải điều tiết ở mức 25m3/s mới đảm bảo được lượng nước tưới cho nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Hiện mặn đã xâm nhập vào khu vực Cầu Đỏ, buộc nhà máy nước Đà Nẵng đã phải huy động bơm để đưa nước từ đập An Trạch về nhà máy xử lý. Thêm vào đó là vào khoảng đầu tháng 5/2014, nông dân Đà Nẵng bắt đầu cần nước đổ ải để sản xuất vụ hè thu.

Ông Lê Duy Vọng - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng tha thiết: Chúng tôi mong muốn là các nhà máy thủy điện như A Vương, Đăk Mi 4 xả nước làm sao để trong thời gian này mực nước tại Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) đạt khoảng 2,8m, nhằm tạo điều kiện sản xuất và sinh hoạt cho TP Đà Nẵng.

Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng - ông Trần Đình Quỳnh - cho biết với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, Đà Nẵng đã làm nhiều cách để tiết kiệm nguồn nước, kể cả tranh thủ các nguồn hồ đập nhưng các hồ đập nhỏ của Đà Nẵng đã cạn hết nước. Vì vậy không còn cách nào khác là các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn phải chung tay cùng tìm cách tháo gỡ. Thủy điện phải điều tiết xả nước, nếu mực nước dưới cửa tràn cũng phải mở cống xả đáy cứu vùng hạ du.

Sau khi tổng hợp và tham khảo ý kiến đại diện các ngành chức năng cũng như của 2 địa phương, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi - thống nhất bắt đầu từ ngày 10-31/5, các thủy điện sẽ xả nước với lưu lượng ít nhất như sau: Thủy điện A Vương xả 39m3/s, Sông Tranh 2 xả 110m3/s và Đăk Mi 4 xả 50m3/s.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị trong thời gian xả nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các địa phương cũng như các ngành chức năng cũng cần linh hoạt điều phối xả nước cho phù hợp giữa lợi ích của thủy điện và lợi ích của địa phương. Ông Hùng cũng giao Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thực hiện việc giám sát xả nước. Nếu phát hiện thủy điện không xả nước theo đúng cam kết thì có văn bản gửi Bộ NN-PTNT để Bộ có hướng xử lý thích hợp.

 T.Trân - C.Bính