1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:

“Nếu tập trung “đẩy” tăng trưởng, lạm phát sẽ lên”

(Dân trí) - "Chỉ tiêu thì cũng phải bám sát thực tiễn để điều hành. Ví dụ, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cao tới 7,5%, nếu Chính phủ tập trung vào để đẩy lên được mức ấy thì lạm phát cũng lại lên.", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trao đổi về những chủ đề “nóng” nghị trường tuần qua như công tác dự báo, điều hành kiềm chế lạm phát, kỷ cương chưa nghiêm…

Dự báo không phải… bà thánh

Thẩm tra báo cáo Kinh tế - xã hội của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã đề cập đến việc dự báo chưa tốt, nhất là việc "thâm thủng" chỉ tiêu lạm phát. Phó Thủ tướng biện giải thế nào?

Chỉ tiêu thì cũng phải bám sát thực tiễn để điều hành, tức là phải bám sát thực tiễn để có căn cứ định hướng chung, để điều khiển. Ví dụ giờ mục tiêu tăng trưởng đặt ra cao tới 7,5%, nếu Chính phủ tập trung vào để đẩy lên được mức ấy thì lạm phát cũng lại lên.

Tình hình đã như thế mà mình không nhạy bén, không chuyển thì lại thành xấu. Như vậy nên làm công tác điều hành cũng như người ra trận. Trận chiến như vậy, tình hình như vậy, thậm chí đã kéo pháo lên tận nơi thấy không thuận còn phải kéo pháo ra làm lại trận địa nữa là.

Diễn biến tình hình trong nước, ngoài nước, quốc tế… mọi tác động chung dồn đến, chứ đâu có thể như bà thánh dự đoán 2 tháng tới lũ lụt ầm ầm để mà tránh.

Nhiều đại biểu thậm chí cảnh báo câu chuyện của năm 2008 đang lặp lại, kiềm chế lạm phát lại đẩy nền kinh tế tới nguy cơ giảm phát. Có bài học nào được rút ra, thưa ông?

Bài học chung nhất, cố điển, lạm phát thì phải thắt chặt. Cứ tống nhiều tiền vào lưu thông thì đương nhiên đồng tiền bị mất giá nên phải kìm lại.

Còn bài học riêng cho Việt Nam là mình chưa tính hết tình hình khủng hoảng tài chính, tưởng là kinh tế thế giới đã khá hơn. Mình cũng không tính hết các biến động như vấn đề Trung Đông lại nổi lên.

Đấy là một thực tế, không thể “lệnh” là thế giới không được thế. Không thể ngồi đây mà ra nghị quyết là Trung Đông không được lộn xộn để giá dầu lại lên. Vậy nên làm gì phải bám sát thực tế.

Khó vì chỉ tiêu kiểu pháp lệnh
 
“Nếu tập trung “đẩy” tăng trưởng, lạm phát sẽ lên” - 1
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ảnh: Việt Hưng).

Vì vậy mà trong báo cáo nhiệm kỳ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội theo hướng linh hoạt?

Việc này đã có thông lệ quốc tế. Xây dựng kế hoạch có dự báo, có mục tiêu, phải nhìn thấy trước để điều hành nhưng thực tế tình hình diễn ra lúc lên lúc xuống. Nếu chốt chỉ tiêu sớm, họp cuối năm trước mà chốt cho cả năm sau thì cũng khó mà chuẩn được. Chỉ tiêu trở thành như pháp lệnh, rất khó. Chỉ nên định hướng tăng trưởng thôi.

Mục tiêu tăng trưởng là quan trọng nhưng phải bền vững. Muốn tăng trưởng bền vững, trước hết lạm phát, giá cả phải ổn định đã. Vĩ mô phải ổn, cơ cấu phải ổn thì mới có nền cho tăng trưởng bền vững.

Nhưng chỉ tiêu linh hoạt như thế thì thiết kế thế nào để Chính phủ cũng dễ điều hành, thưa Phó Thủ tướng?

Phải định hướng để tạo nên một “khung tình hình”, đưa ra mục tiêu xa hơn. Đừng chốt chặt quá vì chốt rồi lại phải tính đi tính lại. Ví dụ Quốc hội chỉ đưa chủ trương phát triển bền vững hoặc tăng trưởng kinh tế phải gắn với ổn định vĩ mô.
 
Không ít đại biểu cho rằng hiện tại, đề ra cụ thể các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát mà Chính phủ còn chưa thực hiện được nghiêm, năm nào, kỳ nào cũng “trượt”, tăng trưởng có thể tốt nhưng lạm phát vẫn không đạt yêu cầu. Có ý kiến lo ngại nếu để Chính phủ được linh động nữa thì hiệu lực giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội càng không đảm bảo. Phó Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến này?

Việc giám sát có nhiều khía cạnh để làm. Quốc hội vẫn quyết định những vấn đề như ngân sách, phân bổ chỗ này chỗ kia hay là những chủ trương lớn như làm luật hay những vấn đề, dự án quan trọng quốc gia. Quyết định vấn đề gì thì giám sát vấn đề đó. Ví dụ, Quốc hội ban hành ra luật pháp thì giám sát việc thực thi pháp luật thế nào.

Ngay như công tác cán bộ cũng có thể bầu, bổ nhiệm người này người kia thì giám sát xem người đó có làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền không. Nếu thấy có vấn đề thì có thể bỏ phiếu tín nhiệm. Ngoài ra, cử tri còn trao cho Quốc hội quyền bãi miễn đại biểu, cán bộ cấp dưới.

Liên quan đến việc bỏ phiếu tín nhiệm và quyền giám sát, kỳ họp này, các đại biểu nói nhiều đến vấn đề kỷ luật kỷ cương hành chính. Vậy đánh giá của cá nhân Phó Thủ tướng, nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, việc thực hiện kỷ cương đã tốt chưa?

Có mặt tốt nhưng cũng có mặt chưa tốt. Ví dụ thì nhiều, tôi sẽ nói trong một dịp khác.

Xin cảm ơn Phó thủ tướng!

P.Thảo (ghi)