1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

“Nếu không tìm ra kẻ chủ mưu vụ phá rừng, coi như hệ thống chính trị thất bại”

(Dân trí) - “Lần này, nếu không tìm ra kẻ chủ mưu vụ phá rừng thì coi như vụ án này thất bại, hệ thống chính trị coi như thất bại…”- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2017.

Chiều 9/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì buổi họp báo thông báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2017 của tỉnh này.

Theo đánh giá chung, trong 9 tháng năm 2017, tình hình kinh tế Bình Định dù chịu ảnh hưởng của 5 trận lũ cuối năm 2016, tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá cả sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, nhất là chăn nuôi heo đã ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tuy có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn khó khăn.

Dù vậy, trước thách thức lớn, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã ra sức khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ 9 tháng năm 2017.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thông báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thông báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017

Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến 2 vụ phá rừng nghiêm trọng vừa được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định, đang thu hút dư luận quan tâm. Tổng diện tích rừng bị phá của 2 vụ này lên đến hơn 90 ha.

Về vấn đề trên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, từ khi tỉnh có Chỉ thị 18 đến nay, tình hình phá rừng tại địa phương giảm rất lớn, giảm trên 90% so với trước đây. Tuy nhiên, còn một số vụ việc gần đây, nhất là 2 vụ phá rừng ở huyện An Lão và huyện Hoài Ân, dù tỉnh có chủ trương rất cứng, từ việc kiên quyết nhổ bỏ cây nhỏ, còn cây nào lớn thì giữ lại, bán đấu giá sung vào công quỹ, lập tất cả các tốt chặn có thể vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

“Tới đây, chúng tôi từng bước sẽ kiểm tra tất cả các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ để làm sao lâm tặc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trồng keo, nếu có trồng cũng không bán được. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ thu hồi giấy phép, phải làm quyết liệt không để doanh nghiệp thu mua gỗ trôi nổi”- ông Dũng cho hay.

Tuy nhiên, ông Dũng nhận định rằng, chỉ có thể cố gắng kiềm chế đến mức thấp nhất việc phá rừng, còn giải quyết triệt để thì quả rất khó khăn, bởi, diện tích rừng mênh mông, địa hình hiểm trở, lực lượng bảo vệ rừng thì quá mỏng.

Theo ông Dũng, hiện nay, lực lượng kiểm lâm của tỉnh có khoảng 170 người, quản lý hàng trăm ngàn ha, lực lượng ban quản lý rừng phòng hộ cũng khoảng 120 người.

Liên tiếp thời gian gần đây Bình Định xảy ra 2 vụ phá rừng quy mô lớn
Liên tiếp thời gian gần đây Bình Định xảy ra 2 vụ phá rừng quy mô lớn

“So với diện tích rừng mà Bình Định hiện có, thì tỉnh còn thiếu 130 biên chế kiểm lâm và 80 biên chế của các ban quản lý rừng phòng hộ. Trong khi đó, xin biên chế thì Trung ương không cho, kinh phí hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng đến giờ chưa có. Ngân sách tỉnh thì khó khăn, nhưng trong điều kiện này tỉnh phải ứng ngân sách để giải quyết”- ông Dũng chia sẻ.

Đối với 2 vụ phá rừng ở xã An Hưng và xã Đắk Mang, ông Dũng khẳng định: “Riêng 2 vụ phá rừng này, tỉnh đã chỉ đạo xử lý kiên quyết. Trong đó, vụ phá rừng ở An Hưng, lần này nếu không tìm ra kẻ chủ mưu, những ai đứng sau lưng vụ phá rừng này, thì coi như vụ án này chúng ta thất bại, hệ thống chính trị coi như thất bại…”.

Liên quan về việc xử lý đối với các cán bộ để “mất rừng”, ông Dũng cho hay: “Chiều nay (9/10), sau cuộc họp này, tỉnh sẽ ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật. Tinh thần của tỉnh sẽ xử lý khách quan, kiên quyết, đúng người, đúng hành vi vi phạm. Đây là những vụ việc hết sức đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh”.

Doãn Công