1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Nếu doanh nghiệp “di căn” nặng, cứu chữa cũng không được”

(Dân trí) - “Chúng ta có giải quyết khó khăn cho DN, cũng có hỗ trợ cho DN mạnh để phát triển, làm đầu tàu cho nền kinh tế. Nhưng nếu người ta “di căn” tới mức không thể cứu chữa được thì có cứu chữa cũng không được…”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trao đổi với các phóng viên bên hành lang kì họp Quốc hội sáng 26/5.

Thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, đại biểu cho rằng, nếu gói kích cầu 8 tỉ USD được sử dụng hiệu quả, tăng trưởng GDP có thể trên 5%. Ý kiến ông về vấn đề này thế nào?

Việc tác động của gói kích cầu vào tăng tưởng kinh tế chắc chắn là có. Vừa rồi chúng ta làm một thời gian ngắn nhưng đã có tác động tích cực. Đương nhiên để cân đối phải tính tới tổng thể nhiều thứ.

Nhận định đó của đại biểu có thể là đúng, nhưng thực tế con số bao nhiêu thì phải tính toán. Theo tôi, bây giờ đặt chỉ tiêu 5% cũng đã phải phấn đấu.

Hệ số ICOR của chúng ta năm 2007 đã lên đến 5,2 và 2008 tiếp tục lên đến 6,68. Việc sử dụng gói kích cầu lớn, nếu tiếp tục không hiệu quả như những năm qua, hệ số này sẽ bị đẩy cao tiếp?

Theo tôi, thời gian đầu của quá trình phát triển hệ số ICOR thường cao, bởi chúng ta phải đầu tư vào hạ tầng rất lớn. Ngoài ra đầu tư kinh tế còn đi đôi với xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội.

Ví dụ đầu tư một con đường ở miền núi mà tính ICOR thì dứt khoát phải cao, nhưng nó giải quyết vấn đề xã hội, an sinh, chính trị… Tương tự làm nhà ở cho người nghèo, tập trung vốn vào cho 61 huyện nghèo cả nước thì ICOR cao.

Việc sử dụng gói kích cầu rất lớn cũng gây nên rất nhiều lo ngại của các đại biểu về vấn đề gây lạm phát cao?

Đương nhiên mình phải đề phòng lạm phát khi kích cầu. Vì thế Chính phủ mới đặt ra mục tiêu vừa phải ngăn chặn suy giảm kinh tế đảm bảo tăng trưởng, vừa phải phòng ngừa lạm phát.

Tôi nghĩ mình chi tiêu không hiệu quả sẽ rất dễ gây lạm phát, còn chi tiêu hiệu quả, đặc biệt vấn đề hạ tầng của mình đang yếu kém, bất cập mà mình làm được tốt sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lập lại cân đối vĩ mô thì khả năng lạm phát có thể kiểm soát được.

Có đại biểu cho rằng, 17.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 4% mang tính “cứu trợ” các ngân hàng, các doanh nghiệp, ít tác động tới kinh tế?

Cá nhân tôi cho rằng nói thế chưa đầy đủ bởi tính chất của gói kích cầu không chỉ giải quyết trước mắt mà trong đó Chính phủ đã mở ra giải quyết vấn đề dài hạn. Ví dụ trước đây chỉ hỗ trợ vay vốn lưu động, sau đó mở rộng cho những dự án đầu tư, chính những dự án đó là cơ hội điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh và tái cơ cấu dài hạn.
“Nếu doanh nghiệp “di căn” nặng, cứu chữa cũng không được” - 1
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: "Chính phủ đã nhìn xa, ngoài khôi phục tăng trưởng còn tái cơ cấu kinh tế". (Ảnh: Việt Hưng)

Ngoài ra, Chính phủ còn mở rộng bảo lãnh cho DN vay vốn nước ngoài nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại. Chính cái đó Chính phủ đã nhìn xa, ngoài khôi phục tăng trưởng còn tái cơ cấu kinh tế.

Nhưng hỗ trợ kích cầu vừa rồi cũng không vào tới DN khó khăn thực sự, mà chỉ rơi vào DN kinh doanh tốt?

Cái này thuộc quan điểm. Tôi cho rằng, chúng ta có giải quyết khó khăn cho DN, cũng có hỗ trợ cho DN mạnh để phát triển, làm đầu tàu cho nền kinh tế. Tôi nói đùa, nếu người ta “di căn” tới mức không thể cứu chữa được thì có cứu chữa cũng không được…

Theo ông, đến lúc này sự suy giảm của nền kinh tế chúng ta đã qua “đáy” chưa?

Chính phủ không nói qua đáy. Trong báo cáo Chính phủ nói đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và có dấu hiệu tích cực. Câu đó là hết sức thận trọng: vừa nhìn thấy biểu hiện nền kinh tế có phục hồi, vừa không thể chủ quan được.  

Mình thấy cơ hội như vậy thì phải chớp lấy thời cơ, nhưng cũng phải đề phòng biến động phức tạp của thế giới. Nên gói kích cầu của Chính phủ quyết tâm thực hiện những giải pháp đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường