Nén nỗi đau mất cha để dồn sức cùng cả nước chống dịch
(Dân trí) - Đang chốt trực phòng dịch tại biên giới Việt Nam-Campuchia, Trung úy trẻ nhận được tin bố qua đời ở quê nhà Hà Tĩnh. Kìm nén nỗi đau, anh tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tin dữ từ quê hương
Suốt hai ngày qua, câu chuyện về Trung úy Nguyễn Đình Thông, SN 1994, Đội trưởng đội vũ trang, Đồn Biên phòng Thạnh Trị, BĐBP Long An nén nỗi đau mất bố ở quê nhà Hà Tĩnh, lập bàn thờ bố ngay trước chốt kiểm soát dịch để cùng đồng đội của mình tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan đã trở thành một câu chuyện xúc động về tinh thần trách nhiệm “vì nhân dân phục vụ” trong toàn lực lượng thanh niên Biên phòng nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung.
Chiều 2/4 vừa qua, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch đoạn biên giới thuộc khu vực ấp 2, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), Trung úy Thông nhận được tin dữ từ quê nhà. Bố anh đã qua đời vì căn bệnh ung thư.
Ai mất đi đấng sinh thành mà không đau đớn? Trung úy Thông lại là con trai duy nhất trong gia đình. Nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Trung úy Thông đã nén đau thương ở lại hoàn thành nhiệm vụ, cúi đầu chịu tang bố từ vùng biên xa xôi.
Để sẻ chia với nỗi đau của người chiến sĩ trẻ, được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy BĐBP Long An, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã lập bàn thờ vọng ngay trước chốt kiểm soát anh Thông đang làm nhiệm vụ.
Thắp nén nhang tiễn biệt bố của Trung úy Thông ngay tại trạm kiểm soát, ai nấy đều nghẹn ngào xúc động trước quyết tâm hy sinh việc riêng của gia đình để cùng đồng đội, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người chiến sĩ biên phòng.
"Nén đau vì nhiệm vụ con ơi!"
Sáng ngày 6/4, phóng viên Dân trí đã có mặt tại nhà Trung úy Thông tại thôn Triều Lĩnh, xã Kim Hoa (vừa được nhập từ 3 xã Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Phúc-PV), huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trong căn nhà nhỏ, mẹ Trung úy Thông - bà Uông Thị Hòa (SN 1971) cùng con gái ngồi thẫn thờ trước bàn thờ chồng. Nước mắt bà và con gái cứ chực trào trước biến cố, mất mát quá lớn của gia đình.
“Anh ấy mất đột ngột quá. Tội nghiệp, anh mất quá sớm khi 2 con còn quá trẻ, chưa đứa nào lập gia đình. Anh đi không có lời gì để lại cho con, ngoài tấm gương, nghị lực vươn lên để cho các con nhìn vào mà phần đấu”- bà Hòa nghẹn ngào tâm sự.
Nhắc đến người con trai không thể về chịu tang bố, nước mắt người mẹ lại rơi. Bà Hòa buốt đau: “Tôi biết ở đơn vị cháu sẽ rất đau đớn, bởi cháu là người rất thương yêu bố. Hàng ngày khi hết thời gian làm nhiệm vụ cháu thường gọi điện về, hai bố con cứ trò chuyện với nhau mãi. Cháu nó cũng hứa với bố rất nhiều điều, vậy mà chưa kịp thực hiện thì bố đã đi xa”.
Theo lời bà Hòa, bố Trung úy Thông cũng là một người lính biên phòng công tác tại Hải đội 2, BĐBP Hà Tĩnh. Thông nối nghiệp bố cũng vì yêu bộ quân phục màu xanh của bố.
Dù biết con rất buồn trước cái chết của bố, nhưng từ quê nhà bà Hòa đã động viên Thông gắng nén nỗi đau đớn để cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ của mình.
“Cháu nó điện về ngay sau khi nhận được tin bố mất. Tôi đã động viên cháu là con đã làm được những việc bố rất tự hào, con cũng đã có thời gian chăm sóc bố khi bố bệnh nặng. Con hãy nén nỗi đau trong lòng, dành tất cả cho công việc. Lúc này dịch bệnh đang khó kiểm soát, con gắng cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Mẹ tin là bố con sẽ ấm lòng về việc làm của con. Khi hết dịch con xin đơn vị về ra mộ thắp cho bố nén nhang cũng chưa muộn”- bà Hòa động viên con trai.
Em gái Trung úy Thông, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1996) gửi tin nhắn cho anh trai: "Mẹ, em và mọi người đã lo chu toàn cho bố rồi anh nhé. Em tin bố rất tự hào về anh!".
Lời động viên của mẹ, của em gái khiến Trung úy Thông tạm gác nỗi đau, căng mình cùng Đồn Biên phòng Thạnh Trị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ nơi biên giới.
Văn Dũng - Minh Lý