1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

(Dân trí) - Ý kiến gửi về Bộ Tư pháp, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng cần cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vì nó tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng.

Tránh bị lạm dụng mang thai hộ

Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ. Nghị định năm 2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học có quy định, nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Trẻ ra đời do thực tiễn hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân và họ là cha, mẹ đối với đứa trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Bác sĩ tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn (ảnh NLĐ)

Bác sĩ tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn (ảnh NLĐ)

Theo Bộ Tư pháp việc nghiêm cấm hành vi mang thai hộ nhằm tránh những tiêu cực đã và đang xảy ra như mang thai hộ nhằm mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, mang thai hộ nhằm lách luật để sinh con thứ ba... Song việc nghiêm cấm này lại hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh.

Trong loạt kiến nghị gửi về Bộ Tư pháp khi xây dựng Luật Hôn nhân - Gia đình (sửa đổi) cũng có nhiều vấn đề khác nhau về vấn đề này. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… đồng loạt cho rằng pháp luật cần cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vì nó tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, Luật Hôn nhân gia đình phải quy định cụ thể trường hợp nào được phép mang thai hộ, trường hợp nào không, căn cứ xác định quan hệ cha mẹ và con, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên, trách nhiệm, mục đích của việc mang thai hộ…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chưa nên quy định mang thai hộ vào trong Luật Hôn nhân gia đình. Đề nghị thực hiện như quy định tại Nghị định số 12, theo đó Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính... Đề nghị quy định trong Luật về việc cấm việc mang thai hộ vì đây là vấn đề phức tạp, có thể mang lại hậu quả khó lường cho đứa trẻ sau này, mặt khác đây là thỏa thuận trái thuần phong mỹ tục, tập quán của người Việt Nam.

Trong định hướng sửa đổi, Bộ Tư pháp đưa ra hai phương án khác nhau, trong đó có việc cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, đồng thời cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với những quy định chặt chẽ. Cụ thể về các vấn đề như điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; Hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ; Xác lập quan hệ cha, mẹ và con và quyền, nghĩa vụ với đứa trẻ được mang thai và sinh ra. Phương án cấm mang thai hộ dưới bất kỳ mục đích nào cũng được đưa ra.

Cấm kết hôn đồng giới dễ dẫn đến quyết định tiêu cực

Tổng kết của Bộ Tư pháp cho thấy cần nhìn nhận đồng tính là một xu hướng tình dục tự nhiên, và việc thừa nhận cũng là tự nhiên, không nên ngăn cấm. Ý kiến gửi về Bộ Tư pháp, nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra các kiến trái chiều về vấn đề này.

Đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế (

Đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế (Ảnh: Maika Elan)

Ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Hòa Bình… cho thấy người đồng tính phải được nhà nước, xã hội và gia đình tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Do đó, cần nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị đối với nhóm yếu thế này. Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được bãi bỏ.

Tuy nhiên các đơn vị này cũng cho rằng, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam chưa kịp thích ứng với những thay đổi này. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người đồng tính và đến xã hội, Luật cần bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái (nếu có) từ việc chung sống giữa những người này.

Bộ Y tế, tỉnh Hà Nam, Quảng Bình cũng cho rằng, cần chấp nhận hôn nhân đồng tính vì đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế, cũng như bảo đảm quyền con người cơ bản của họ. Việc cấm kết hôn có thể tiếp tục dẫn tới sự kỳ thị, người đồng tính dễ tìm tới những quyết định tiêu cực cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, tỉnh An Giang, thành phố Hà Nội và Hải Phòng lại cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, đây cũng là một trong những vấn đề xã hội nhạy cảm, liên quan đến quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

Trúc Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm