1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ trưởng Mai Ái Trực:

Nên chấm dứt mua, bán nhà bằng vàng

Vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay là cách ghi nợ (trả góp) theo trị giá vàng khi mua, bán nhà. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực nói: “Nên chấm dứt cách mua, bán ghi nợ bằng vàng, nhất là giữa cơ quan nhà nước với người dân”.

Nhưng thưa Bộ trưởng, việc mua bán, ghi nợ bằng vàng đã tồn tại trong thực tế?

Đúng là trong thực tế đang có việc đó. Nhưng không phải cái gì đã tồn tại thì chúng ta mặc nhiên duy trì nó. Có những cái đúng trong lúc này, nhưng lại sai trong lúc khác. Việc mua bán, ghi nợ các tài sản có giá trị lớn, nhất là nhà cửa, đất đai bằng vàng trước đây là có thể chấp nhận, nhưng hiện tại không còn phù hợp.

Hiện tại có nghĩa thế nào, có phải trong thời điểm giá vàng tăng đột biến hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Hiện tại mà tôi đề cập ở đây là lúc mà đồng tiền Việt Nam đã ổn định, niềm tin vào tiền Đồng ngày càng tăng. Trong tình hình như vậy mà mua bán, ghi nợ bằng vàng là không còn phù hợp. Trong thời điểm giá vàng tăng đột biến mà giá trị đồng tiền Việt ổn định càng cho thấy nhược điểm không thể chấp nhận của cách mua bán, ghi nợ bằng vàng.

Nói như Bộ trưởng thì việc ghi nợ bằng vàng khi bán nhà tái định cư hoặc bán nhà theo Nghị định 61 là không còn thích hợp?

Rõ ràng là như vậy. Nhưng cái gì cũng có tính lịch sử của nó. Việc mua bán, ghi nợ quy ra vàng đã có lý do để xuất hiện và tồn tại. Đó là vào thời điểm mà phương tiện thanh toán, tức đồng tiền, bị chao đảo, người dân không còn tin vào giá trị của nó.

Nên chấm dứt mua, bán nhà bằng vàng  - 1
  

Bộ trưởng Mai Ái Trực

Đồng tiền Việt của chúng ta đã từng có thời kỳ như thế, tôi nhớ là vào những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, lạm phát theo tốc độ "phi mã", Đồng Việt mất giá hàng ngày. Trong tình hình đó, việc mua bán, ghi nợ các hàng hoá có giá trị lớn bằng quy ra vàng tỏ ra thích hợp.

Mà không chỉ có quy ra vàng. Thóc, gạo cũng có thời kỳ được coi là một căn cứ để tính thanh toán. Vào thời ký đó, đồng tiền mất giá nhưng lúa gạo lại “có giá” nên trong nhiều văn bản của Nhà nước có quy định hình thức thanh toán căn cứ vào giá thóc gạo, như việc thanh toán nợ giữa Nhà nước với người dân, việc thi hành bản án dân sự có liên quan đến nghĩa vụ tài chính. Thậm chí có lúc ngân hàng đã huy động tiết kiệm có bảo đảm bằng giá gạo theo giá Nhà nước quy định.

Nhưng đó là những chuyện của thời kỳ không thể tin vào sự ổn định của Đồng Việt Nam. Còn từ nhiều năm trở lại đây, tình hình đã khác hẳn.

Nhưng tại sao người ta vẫn duy trì cách mua bán, ghi nợ thanh toán bất động sản bằng quy ra vàng, thậm chí các cơ quan nhà nước cũng làm như thế khi bán nhà tái định cư, bán nhà theo Nghị định 61?

Đó có thể là do thói quen. Mà như chúng ta biết, thói quen thì không dễ bỏ ngay nếu không có một sự tác động mạnh đủ sức làm thay đổi thói quen đó. Đó cũng có thể là do trong thời gian dài vừa qua, giá vàng khá ổn định, hầu như mức tăng giá vàng không chênh lệch mấy so với mức lạm phát của Đồng Việt. Khi ghi nợ quy ra vàng, người ta không lường hết tình huống giá vàng tăng đột biến như hiện nay.

Vậy theo Bộ trưởng, có nên bỏ việc ghi nợ quy theo vàng đã được thực hiện khi bán nhà tái định cư và theo Nghị định 61?

Bỏ là đúng. Mà cần phải bỏ hẳn. TPHCM đã làm như thế. Hà Nội cũng đã bàn như vậy. Trong xử lý mọi công việc, phải lấy thước đo là thực tế. Bất chấp thực tế không phải là thái độ đúng.

Hà Nội dự định sẽ áp dụng việc ghi nợ bằng cách tính nợ gốc cộng với lãi suất ngân hàng. Cũng có ý kiến đề xuất nên tính theo tiền lương tối thiểu. Bộ trưởng có bình luận gì về các cách tính đưa ra đó?

Theo tôi, tính theo lãi suất ngân hàng là hợp lý hơn. Mức tiền lương tối thiểu hiện nay còn bất cập và việc điều chỉnh sắp tới chủ yếu phụ thuộc vào chính sách tiền lương, phụ thuộc vào khả năng bảo đảm của ngân sách Nhà nước chứ chưa hẳn là phụ thuộc vào biến động của giá cả.

Việc bỏ cách ghi nợ quy ra vàng sẽ không khó đối với các cơ quan nhà nước, nhưng làm sao buộc được các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã thực hiện việc ghi nợ bằng vàng khi bán nhà trước đây?

Đúng là không thể dùng mệnh lệnh hành chính đối với các quan hệ dân sự như vậy. Nhưng có một mệnh lệnh khác. Đó là niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp, là uy tín của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể vin vào lý do việc ghi nợ đó đã được thỏa thuận giữa bên bán và bên mua. Nhưng uy tín của họ sẽ sao đây khi khách hàng ca thán họ, cho là không biết điều, không quan tâm lợi ích chính đáng của khách hàng? Những doanh nghiệp có ý định làm ăn lâu dài chắc không thể bỏ qua những ý kiến đó của khách hàng.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

Theo Kiều Minh
VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm