1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Nát rượu": Thực trạng đáng báo động

(Dân trí) - Đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là cảnh bệnh nhân la hét, ầm ĩ cả trong phòng bệnh lẫn ngoài hành lang. Phần lớn trong số các bệnh nhân ở đây, theo các y, bác sỹ đều là “đệ tử lưu linh”.

Tâm thần vì... rượu

Người đàn ông trạc 50 tuổi ngồi bệt trên nền xi măng, tay ôm một đống chăn màn to đùng, cáu bẩn. Đôi mắt của ông ta thất thần vô cảm, miệng lẩm bẩm những câu vô nghĩa. Hỏi ra mới biết ông tên là PT (SN 1956) trú tại xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang. Các y, bác sỹ ở đây đã “nhẵn mặt” ông vì đã 4 lần “hội ngộ”.

Trong câu chuyện câu được câu mất với chúng tôi, người nhà ông T cho biết, ông T nhập viện vì uống rượu nhiều đến… mất trí. Họ kể: Gia đình cũng từng ấm êm, hạnh phúc như bao gia đình lao động khác, chồng đi làm xây dựng, vợ chạy chợ hàng ngày, cuộc sống không quá dư dả nhưng cũng có phần thoải mái. Vậy mà rượu đã làm mất tất cả.

Mất khả năng lao động, suốt ngày ông T lang thang, vật vờ khiến người nhà phải đưa ông vào viện tâm thần để điều trị với hy vọng ông trở lại bình thường. Nằm viện được một thời gian thấy đỡ, ông T được về nhà, nhưng về nhà chưa được bao lâu ông lại “tái nghiện”, rồi lại mất trí.

Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn từ rượu đến bệnh viện tâm thần cứ bám riết lấy ông T hàng chục năm nay.

Vì rượu mà số phận bi đát đè lên gia đình anh PVM (37 tuổi). Khi tỉnh táo anh M kể, do làm nghề đạp xích lô nên làm bạn với rượu khi nào không hay, chỉ nhớ là có đồng nào cũng vào mua rượu.

Trên chiếc xe xích lô của anh M bao giờ cũng có một “cút” rượu đế. Rượu đối với anh M là thứ nước để… giải khát. Vì thế vợ đã không chịu được người chồng nghiện nên bỏ anh và 2 đứa con thơ dại ra đi biền biệt.

Từ khi vợ bỏ anh càng buồn chán, lại càng uống nhiều hơn. Rượu khiến anh M mất trí và người nhà cũng phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị. Tuy nhiên ở bệnh viện một thời gian dài nhưng bệnh tình anh M không thuyên giảm.

Các bác sỹ cho biết, hiện anh M mắc chứng không ngủ được, cả đêm đi lại lang thang trong khuôn viên bệnh viện còn ban ngày luôn một mình đi tìm bắt… chuồn chuồn.

Thực trạng báo động

Theo các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, vấn nạn vì rượu phải nhập viện trên địa bàn ngày một cao. Nghiện rượu cũng nguy hiểm chẳng kém gì ma túy, khi người nghiện rượu phần đông bị phá hủy về gan, xuất huyết đường ruột, nặng thì mất trí nhớ. Thế nhưng đáng lo ngại hơn, gần 100% số ca nghiện rượu nặng sau khi “cắt cơn” lại “tái nghiện” và nhập viện trở lại.

"Nát rượu": Thực trạng đáng báo động - 1
  

Nhiều người bị tâm thần do uống quá nhiều rượu.

Nếu như năm 2007, cả thành phố chỉ có 50 ca liên quan đến rượu phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm thì chỉ trong 7 tháng đầu năm 2008, con số này đã lên tới 42 ca. Đặc biệt trong số đó có tới 32 ca nhập viện phải giám định thần kinh và 4 ca liên quan đến các vụ án.

Việc số ca nhập viện trong tình trạng nguy kịch liên quan đến rượu ngày một gia tăng cho thấy vấn nạn rượu cần phải báo động vì rượu không chỉ tác động đến bản thân người nghiện mà còn tác động xấu đến gia đình, cộng đồng.

Theo bác sỹ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, tác hại của rượu là cực kỳ nguy hại, chẳng kém gì ma túy. Vì có một số loại rượu rẻ tiền, hợp với các đối tượng nghiện rượu, nếu chứa độc tố aldehyt thì ngay lập tức người uống vào sẽ sốc, ngộ độc tức khắc, nguy hiểm đến tính mạng.

Số liệu của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho thấy khá nhiều trường hợp gia đình ly tán vì uống rượu, còn theo Công an TP Đà Nẵng thì tỷ lệ uống rượu gây tai nạn giao thông là gần 50%... không hiểu với thông tin này các đệ tử lưu linh sẽ nghĩ sao?

Trần Minh