Nâng trách nhiệm đại biểu Quốc hội khi độc lập tiếp xúc cử tri
(Dân trí) - Bàn việc sửa đổi Nghị quyết quy định hoạt động tiếp xúc cử tri chiều 20/8, UB Thường vụ Quốc hội tán thành quan điểm tổ chức một điểm tiếp xúc có một đại biểu; trong trường hợp cần thiết mới để 2-3 đại biểu cùng tiếp xúc cử tri như hiện nay.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 06, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã từng bước được nâng lên nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa khắc phục được. Việc tiếp xúc cử tri chưa đa dạng về hình thức, nội dung, nặng về thủ tục hành chính, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và yêu cầu của thực tiễn. Thời gian phát biểu của cử tri còn ít; việc giải trình, tiếp thu của đại biểu Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương còn chưa thấu đáo...
Dự thảo Nghị quyết 07 sẽ thay thế nghị quyết 06, bên cạnh tiếp xúc định kỳ trước và sau kỳ họp, nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực đã bổ sung hoạt động tiếp xúc cử tri theo đối tượng, địa bàn đại biểu Quốc hội quan tâm. Đồng thời bổ sung hình thức liên hệ, trao đổi với cử tri thông qua điện thoại, thư điện tử, thư bưu chính…
Về hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cơ quan xây dựng cũng kiến nghị bổ sung quy định tiếp xúc cử tri là do từng đại biểu thực hiện (một điểm tiếp xúc có một đại biểu Quốc hội). Chỉ trong trường hợp cần thiết thì mới tổ chức để 2 hoặc 3 đại biểu cùng tiếp xúc cử tri như hiện nay.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc chuyển từ tiếp xúc theo đoàn đại biểu sang việc từng đại biểu tiếp xúc với cử tri sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Hình thức tiếp xúc cũng như đối tượng cử tri tham gia tiếp xúc sẽ đa dạng hơn nhiều, trách nhiệm của mỗi đại biểu cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc yêu cầu lãnh đạo địa phương có mặt trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu là khó khả thi. Thay vào đó, cần quy định trách nhiệm của địa phương trong việc phản hồi ý kiến của đại biểu.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị bổ sung quy định cho phép đại biểu Quốc hội được lựa chọn hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp với điều kiện công tác, điều kiện thời gian... của bản thân; đảm bảo tăng thời lượng, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri.
Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích thêm, các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội phải có đại diện lãnh đạo địa phương mới đảm bảo ý nghĩa thực chất. Bà Mai cũng đề nghị bổ sung quy định đại biểu trả lời một số vấn đề bức xúc đã được phản ánh, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Nội dung báo cáo tại các cuộc tiếp xúc cũng nên có quy định: nhóm vấn đề bắt buộc phải báo cáo (nội dung, nghị quyết của kỳ họp...) và nhóm vấn đề do đại biểu tự quyết định.
Liên quan đến nội dung cử tri tham gia góp ý kiến với đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, UB Thường vụ cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhưng cần cân nhắc cách làm và phạm vi lấy ý kiến. Mặt khác, nhiều đại biểu hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau nên không phải cử tri nào cũng nắm được hết. Do đó, nên dành thời gian để đại biểu báo cáo với cử tri kết quả hoạt động của mình.
Về nội dung xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp, UB Thường vụ Quốc hội tán thành quan điểm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung kiến nghị mang tính toàn diện hơn gồm cử tri và nhân dân cả nước; phối hợp hài hòa, tập trung vào một mối việc tập hợp ý kiến, kiến nghị cử tri. Việc này không trái quy định, hợp lý, hợp pháp và hợp lòng dân, nên duy trì. Tuy nhiên, cần có thêm nội dung hướng giải quyết các kiến nghị đã nêu trong báo cáo.
P.Thảo