Quảng Nam:
Nắng nóng gay gắt, nông dân khoan giếng cứu lúa
(Dân trí) - Trong hơn 1 tháng qua, do mực nước trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) xuống thấp khiến nước mặn xâm nhập sâu tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Để cứu lúa, nhiều nơi nông dân đã tiến hành khoan giếng cứu lúa hoặc đắp đê ngăn mặn.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 12.000ha trên tổng số hơn 25.000ha diện tích sản xuất vụ hè thu phải thực hiện các giải pháp phòng chống hạn và nhiễm mặn.
Trên sông Thu Bồn, nước mặn đã xâm nhập từ Cửa Đại - Hội An về phía thượng nguồn đến 24km (trước đây chỉ khoảng 15km), với nồng độ mặn cao. Tại đầu sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) tỉ lệ nhiễm mặn lên đến 7/1.000 và tại bể hút trạm bơm Vĩnh Điện (nhánh sông Vĩnh Điện - thị xã Điện Bàn) là 2/1.000. Với tình hình này thì diện tích tưới gần 2.000ha thuộc các trạm bơm lấy nước trên sông Vĩnh Điện đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều thửa ruộng tại Duy Xuyên không chờ được nước đã chết cháy
Ông Trần Công Khoa - Phó Chủ tịch xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn - cho biết, vụ này xã gieo sạ hơn 500ha lúa hè thu. Nguồn nước tưới chủ yếu lệ thuộc vào 8 trạm bơm điện, nhưng từ đầu tháng 7 nguồn nước sông xuống thấp và nhiễm mặn gây thiếu nước tưới cho cây trồng. Hiện số lúa người dân gieo trồng sau cỏ đã mọc cao hơn cả lúa, nhiều thửa ruộng cỏ chiếm gần 2/3. Nếu nắng nóng và khô hạn cứ kéo dài, sẽ có khoảng 70ha lúa tại vùng cuối kênh bị khô hạn, mất mùa.
Theo công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, do nguồn nước sông Thu Bồn liên tục giảm thấp, nước mặn xâm nhập rất mạnh, nên đơn vị đã thực hiện đắp đập tại Gò Nổi (thị xã Điện Bàn) để ngăn nước mặn xâm nhập vào trạm bơm điện Xuyên Đông; đập dâng Duy Thành (huyện Duy Xuyên) tưới cho diện tích hơn 1.400ha và đang hỗ trợ cứu hạn cho một số trạm bơm của huyện Duy Xuyên.
Trạm bơm 19/5 có độ mặn vượt mức cho phép không thể cung cấp nước cho đồng ruộng, tại trạm bơm 3/2 người dân sử dụng nước đưa về từ hồ Phú Ninh ứng phó khô hạn và nhiễm mặn
Nước mặn xâm nhập rất mạnh trên sông Thu Bồn vào đầu sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) từ cuối tháng 6/2019 nên đơn vị đã phải thực hiện đào vét lấy nước đẩy mặn để bơm tưới nhưng đến nay nước mặn đã xâm nhập quá khốc liệt.
Ông Lê Tấn Hướng (phụ trách trạm bơm 19/5 xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết, độ mặn đo được những ngày qua đã lên cao đến 21/1.000, trong khi đó mức mặn tối đa để máy bơm có thể hoạt động tưới tiêu cho hoa màu chỉ 0,8/1.000.
Nhiều cánh đồng tại thị xã Điện Bàn do người dân gieo xạ đúng dịp khô hạn, thiếu nước tưới nên hiện giờ cỏ mọc lấn cả lúa
Toàn bộ 7 trụ bơm tại trạm bơm điện 19/5 tưới tiêu cho gần 500ha lúa của ba xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy An (Duy Xuyên) nửa tháng nay không thể hoạt động do nước mặn từ biển Cửa Đại tràn sâu vào thượng lưu sông Thu Bồn gây ra ngập mặn nặng.
Trước tình hình đó, UBND xã Duy Vinh đã cho khoan 10 giếng máy để hút mạch nước ngầm tạm thời giải nguy cho các cánh đồng lúa đang làm đòng.
Người dân Cù Lao Chàm trữ nước để xài vì nắng hạn
Ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, Duy Xuyên - cho biết, vụ hè thu 2019 này nông dân địa phương sản xuất tổng cộng 148ha lúa. Trong số diện tích lúa nêu trên có 65ha ở 2 thôn Hà Nam và Trà Đông nhận nguồn nước tưới của trạm bơm điện 19/5 thuộc địa bàn xã Duy Phước.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 dương lịch đến nay, do nước mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ rất cao khiến trạm bơm điện 19/5 phải ngưng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng.
“Trước tình trạng 65ha lúa hè thu đang trong thời kỳ đứng cái – làm đòng của nông dân 2 thôn bị khô hạn nặng, những ngày qua chính quyền địa phương đã gấp rút triển khai phương án đối phó nhằm giải cứu hàng loạt chân ruộng đứng trước nguy cơ chết héo. Xã đã trích ra 80 triệu để khoan 8 giếng bơm nước để cứu hạn cho lúa”, ông Sáu nói thêm.
Tại Hội An, nước sông Thu Bồn nhiễm mặn nặng đã khiến việc cấp nước ngọt cho phố cổ Hội An đình trệ, nước cho dân cư thiếu hụt suốt hai tháng nay. Ông Nguyễn Hùng Linh – Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, Hội An - cho biết, 70% người dân xã này bị thiếu nước sinh hoạt suốt hai tháng qua.
Tại đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An) cũng rơi vào tình trạng thiếu nước. Tất cả người dân, cơ quan hành chính, và 40 homestay, nhà hàng… đều sử dụng chung nguồn nước từ hồ Bãi Bìm. Năm nào người dân cũng đối diện với tình trạng thiếu nước nhưng đây là lần đầu tiên căng thẳng nhất trong nhiều năm qua.
C.Bính-N.Linh