1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nâng 40% lương tối thiểu ở doanh nghiệp FDI

Trước hàng loạt vụ đình công trong những ngày gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH đã trình Chính phủ kiến nghị về việc nâng lương tối thiểu cho người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên 40%.

Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị trên. Văn bản chính thức sẽ sớm được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2006.

 

Trước đó, ngày 28/12/2005, hơn 18.000 công nhân Công ty Freetrend (KCX Linh Trung) đã đình công vì công ty không thực hiện cam kết tăng lương 30% như đã hứa. Ngay sau đó, trong 2 ngày 29 và 30/12/2005, hơn 4.000 công nhân ở hai Công ty Kollan và Hugo (cùng ở KCX Linh Trung) cũng đình công, yêu cầu được nâng lương 30%.

 

Theo công nhân, tiền lương hiện nay của họ quá thấp, chỉ tương đương lương tối thiểu. Nhiều năm qua, Nhà nước không tăng lương, kéo theo DN cũng không tăng lương hoặc tăng lương rất ít. Điều đó, làm cho cuộc sống của công nhân ngày càng khó khăn, tiền lương không đủ tái tạo sức lao động. Muốn có thêm thu nhập, họ phải tăng ca triền miên đến kiệt sức.

 

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khẳng định: Bức xúc của công nhân là chính đáng. Tuy nhiên, lỗi không hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp (DN) mà do chính sách tiền lương của Nhà nước chậm cải thiện.

 

Ngay khi xảy ra đình công, làm việc với các cơ quan chức năng TP, lãnh đạo các công ty đều thừa nhận tiền lương của công nhân hiện nay thấp. Nhưng doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định. Thậm chí nhiều nơi còn trả lương tối thiểu cao hơn quy định. Họ cũng cho biết, đã sẵn sàng cho việc tăng lương ngay khi Nhà nước ban hành quy định.

 

Trước mắt, để ổn định tình hình, các doanh nghiệp đều đồng ý tăng lương cho công nhân. Tuy chưa đến 30% như yêu cầu nhưng đã cải thiện tiền lương, thu nhập của công nhân một bước. Đối với những doanh nghiệp có đông lao động như Freetrend hay Kollan, khoản tiền lương tăng thêm này rất lớn. Điều đó cho thấy doanh nghiệp có thiện chí và mong muốn cải thiện tình hình.

 

Tổng LĐLĐVN mong muốn công nhân yên tâm, trở lại làm việc, giúp doanh nghiệp ổn định tình hình, phát triển sản xuất vì việc làm, đời sống của anh chị em luôn gắn liền với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

 

Theo Lệ Thủy
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm