Nạn nhân vụ máy bay rơi trở lại Việt Nam: Những cuộc hội ngộ “đặc biệt”

(Dân trí) - Chuyến trở lại lần này, bà Annette gần như đã gặp được tất cả các ân nhân ở ngôi làng Ma O cách nơi máy bay rơi 10 dặm. Đó là người công an xã phát hiện ra bà giữa thung lũng, những người khiêng bà xuống núi, những y tá cấp cứu cho bà…

Nạn nhân vụ máy bay rơi trở lại Việt Nam: Những cuộc hội ngộ “đặc biệt”
Buổi gặp xúc động với ông Cao Văn Hạnh, người đầu tiên phát hiện ra bà Annette giữa thung lũng.

Những cuộc gặp gỡ xúc động

Khi xe đến trung tâm huyện Khánh Sơn vào trưa 13/8, đoàn đi vào một quán ăn ở xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) thì bà Annette tình cờ gặp ông Hoàng Trọng Nhẫn, một trong 8 người 22 năm trước đã khiêng bà từ hiện trường chiếc Yak-40 bị rơi đến trạm y tế xã.
 
Dù đã 22 năm trôi qua nhưng trong ký ức của người đàn ông 64 tuổi này, hình ảnh về hiện trường vụ thảm nạn máy bay ngày ấy chưa bao giờ lu mờ trong ông.

Gặp bà Annette, ông Nhẫn kể lại: “Lúc nhìn thấy bà ấy, tôi thấy bà ấy ngồi co ro trên một tảng đá, trời thì mưa nên không thể nhận ra đó là một con người. Tôi vẫn còn nhớ lúc khiêng bà ấy xuống núi, bà ấy nằm trong võng và chỉ ló mắt ra. Ánh mắt bà ấy rất vô hồn”.

Trong lần trở lại Ô Kha vào năm 2006, bà Annette đã gặp lại “người đàn ông mặc áo màu cam”, mà theo miêu tả trong tự truyện “192 Hours” đó là người đã bỏ đi để mặc những tiêng kêu yếu ớt của bà. Những hiểu lầm của bà với người đàn ông này cuối cùng cũng được giải tỏa trong lần trở lại năm đó. Giữa chốn “rừng thiêng nước độc”, trời nhá nhem tối lại có mưa lâm thâm nên người đàn ông này đã giật nảy người khi phát hiện ra một hình thù kỳ lạ kèm theo tiếng rên rỉ giữa thung lũng. “Người đàn ông da cam” cho rằng hình thù đó là “ma” nên không một lưỡng lự, ông đã bỏ đi! Tuy nhiên, sau ít phút thất thần kèm hoảng sợ, “người đàn ông da cam” vội quay lại hiện trường và kêu mọi người đến cứu Annette.

Nạn nhân vụ máy bay rơi trở lại Việt Nam: Những cuộc hội ngộ “đặc biệt”
Bà Annette đã gặp bà Kỳ và bà Châu, vốn là hai nữ y tá đã hết lòng sơ cứu cho bà trước khi chuyển xuống TP HCM.

Đó chính là ông Cao Văn Hạnh, năm nay 55 tuổi, sống tại xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Trên một bãi đất ở chân núi nhìn về phía thung lũng Ô Kha, cuộc trùng phùng giữa bà Annette với ông Hạnh ngập tràn trong niềm xúc động.

Nhớ lại giây phút hôm đó, ông Hạnh nói: “Tôi thấy có một người kêu rên và nói gì đó mà tôi không hiểu. Đã 8 ngày trôi qua, tôi không nghĩ là có người sống sót. Bà ấy ngồi chổm hổm trên tảng đá, lúc đó sức khỏe cũng đã yếu rồi. Tôi bỏ đi nhưng sau đã kêu mọi người ở trại lán gần đó tới giải cứu”.

Ngoài những người trên, bà Annette cũng không quên ghé thăm bệnh viện Khánh Sơn (hiện là trường THPT huyện Khánh Sơn), nơi từng sơ cấp cứu cho bà sau khi được đưa ra khỏi thung lũng. Tại đây, bà Annette cùng con gái đã gặp bà Nguyễn Thị Kim Kỳ và Mai Thị Minh Châu, vốn là hai nữ y tá của bệnh viện đã hết lòng sơ cứu cho bà trước khi chuyển xuống TP HCM.

Buổi gặp gỡ vừa vui mừng, vừa xúc động, con gái Annette cứ cầm lấy tay 2 nữ y tá như muốn thay mẹ nói lời cảm ơn.
 
Cũng thật tình cờ, trong chuyến trở lại lần này, bà Annette cũng được gặp chị Bùi Thị Miến, vốn là vợ của một trong bảy người tử nạn trên chiếc máy bay Mi-8 đã rơi sau chiếc Yak-40 ít ngày khi lên Khánh Sơn tiếp tế. Họ đã cảm thông, chia sẻ, động viên nhau trước sự việc vô cùng đáng tiếc dồn dập xảy ra cách đây 22 năm trước.

Nạn nhân vụ máy bay rơi trở lại Việt Nam: Những cuộc hội ngộ “đặc biệt”
Vợ của hai cơ trưởng của chiếc Yak-40 và chiếc Mi-8 cũng đi với bà Annette từ TP HCM đến Khánh Sơn lần này.

Đi tìm chồng sau thảm nạn “kép” ở thung lũng Ô Kha

Có hai nhân vật là vợ của hai cơ trưởng lái chiếc Yak-40 và chiếc Mi-8 cũng đi với bà Annette từ TP HCM đến Khánh Sơn lần này. Đó là chị Hồ Thu Thủy - vợ cơ trưởng Lưu Công Lương lái chiếc máy bay Yak-40 và chị Nguyễn Thị Lan - vợ cơ trưởng Nguyễn Quang Vinh lái chiếc máy bay Mi-8.
 
Tâm nguyện ban đầu của 2 người phụ nữ này là được đến Khánh Sơn một lần, nếu thuận lợi thì đến hiện trường để thắp cho chồng một nén nhang. Tuy nhiên, khi đến đây, họ được người dân bản địa cho biết quãng đường vào thung lũng Ô Kha vô cùng xa xôi và không ít hiểm trở. Người khỏe mạnh phải mất 5 đến 6 giờ đồng hồ mới có thể đến nơi, và lo ngại các chị không đủ sức để đi.

Phút xúc động của chị Lan khi nhìn về Ô Kha.
Phút xúc động của chị Lan khi nhìn về Ô Kha.

Không những vậy, ban đầu chị Thủy và chị Lan có ý định đi cùng nhau, nhưng đến đây mới biết đường vào thung lũng nơi 2 chiếc máy bay rơi không đi cùng một đường mà phải xuất phát từ 2 hướng khác nhau. Sở dĩ như vậy vì 2 chiếc máy bay rơi ở 2 vị trí khác nhau, cách nhau 5km đường chim bay.

Vì lẽ đó, kế hoạch đến hiện trường dưới thung lũng Ô Kha để “thăm” chồng đã không thành. Khi đoàn đi đến con suối ở thôn Ma O, phía tây xã Sơn Trung thì chị Lan bật khóc nức nở. Hai chị lặng lẽ đi ra bãi đất trống ở dưới chân núi phía trước, lặng lẽ thắp nhang hướng về núi Ô Kha, nơi chồng tử nạn 22 năm trước mà khóc.
 
22 năm sau khi tai nạn "kép" xảy ra, đến được mảnh đất Khánh Sơn, nơi chồng đã vĩnh viễn nằm lại, nỗi đau của các chị cũng đã vơi đi phần nào.

Viết Hảo