Quảng Trị:
Nan giải “bài toán” thiếu lao động làm nghề biển
(Dân trí) - Lượng thanh niên xuất khẩu lao động ngày càng đông, cùng với số lao động cao tuổi đã già hóa, đội ngũ thanh niên khác đi học hoặc làm ăn xa, đã làm cho lực lượng lao động đi biển ở vùng Cửa Việt, Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) hết sức khan hiếm.
Thời gian gần đây, nhiều chủ phương tiện đánh bắt tại các vùng biển tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm bạn thuyền để vươn khơi.
Lao động của 3 thuyền gộp lại mới đủ nhân lực
Dù đang là thời gian cao điểm khai thác thủy sản nhưng rất nhiều tàu thuyền tại xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) vẫn nằm ở bến neo đậu. Vùng biển nhưng thiếu lao động đi biển là chuyện khó tin nhưng thực tế đang diễn ra tại nhiều làng biển tỉnh Quảng Trị, lẫn các địa phương miền Trung.
Ông Bùi Xuân Tấn (54 tuổi) trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt cho biết: “Thời gian này nhiều chủ tàu gặp khó khăn do thiếu người đi biển. Các chủ tàu đang tích cực đi tìm bạn thuyền ở khắp các nơi.
Ông Tấn đang là chủ chiếc tàu cá công suất 700 CV, hành nghề lưới rê bùng nhùng ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa. Cách đây hơn 7 năm, ông mua lại tàu cũ của một người trong vùng rồi tu sửa lại, mua máy to để ra khơi. Khi có Nghị định 67 của Chính phủ, ông tiếp tục vay vốn để cải hoán tàu và mua sắm mới ngư lưới cụ, phục vụ tốt hơn cho việc ra khơi.
Những năm trước, tàu của ông tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 8-9 lao động địa phương. Thế nhưng, hơn 2 năm trở lại đây, lao động biển ngày càng thiếu nên ông Tấn phải đầu tư mua sắm thêm máy tời, máy kéo lưới… nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất công việc.
Tại cảng Cửa Việt, rất đông tàu thuyền neo ở khu neo đậu. Số ít các tàu sửa soạn ngư lưới cụ để vươn khơi. Anh Nguyễn Văn Hồng, chủ tàu QT 91567 TS, có công suất hơn 400CV cho biết, từ đầu năm đến nay nguồn lao động rất hiếm. Phải tốn công đi tìm mới có người tham gia đánh bắt, hoặc lao động của cả 3 tàu cá gộp lại cùng đi 1 thuyền mới đủ lực lượng tham gia đánh bắt.
Đang tất bật tiếp hàng hóa, thu lại ngư lưới cụ để chuẩn bị ra khơi, anh Hồng nói rằng: “Sau sự cố môi trường đến nay, ngư dân vùng biển gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ khan hiếm nguồn lao động đi biển mà việc đánh bắt cũng không được thuận lợi, sản lượng hải sản sụt giảm hơn trước”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động hiện nay tại các làng biển là do phong trào xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… ngày càng đông. Dù XKLĐ được đánh giá là hướng đi mới, dịch chuyển lao động sau sự cố môi trường, mở ra cơ hội việc làm cho thanh niên, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể vào sự đóng góp chung cho gia đình và xã hội, song đã gây nên tình trạng thiếu hụt lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, do số lao động bị già hóa, lực lượng bạn thuyền cao tuổi nay đã nghỉ nghề biển vì không đủ sức làm việc nặng, lượng thanh niên khác thì đi học hoặc làm ăn xa.
Cần cân đối lại lực lượng lao động
Theo ông Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt: Trong năm 2016, xã có trên 140 người đi xuất khẩu lao động các nước, trong 5 tháng đầu năm đi được 67 lao động; trong đó tập trung ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Chủ tịch xã Gio Việt Nguyễn Thanh Thương phân tích, tuổi trẻ đã không còn chọn con đường theo nghiệp cha ông tiếp tục đi biển tìm kế mưu sinh mà ào ào đi XKLĐ; lực lượng bạn thuyền ở nhà thì ngày càng cao tuổi phải nghỉ nghề biển vì không đủ sức làm việc nặng đã làm cho lao động biển khan hiếm.
Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là địa phương có số lượng người tham gia XKLĐ nước ngoài cao nhất của tỉnh Quảng Trị. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có gần 100 người đi XKLĐ, tập trung ở các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Còn con số thanh niên XKLĐ tính đến nay của địa phương là gần 500 người.
Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND Thị trấn Cửa Việt, cho biết: Sau sự cố môi trường biển, thị trấn đã tập trung triển khai quyết liệt những biện pháp trước mắt như chuyển đổi sinh kế, giải quyết việc làm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong đó, XKLĐ được xem là một biện pháp hợp lý, thiết thực góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống kinh tế.
Ông Cảm cũng đánh giá rằng, do tình trạng thiếu việc làm ở cơ sở nên xu thế con em trên địa bàn học xong lớp 12 đều chọn xuất khẩu lao động ra nước ngoài, dẫn đến tình trạng thiếu lao động tại chỗ. Chính vì vậy, địa phương đang nghiên cứu phương án cân đối giữa cung và cầu để đảm bảo vấn đề lao động tại địa phương.
Tỉnh Quảng Trị hiện có tổng số hơn 2 ngàn tàu thuyền với tổng công suất gần 120 ngàn CV. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, trên địa bàn tỉnh có 24 tàu vỏ thép được đóng mới thì nhu cầu sử dụng lao động biển rất lớn.
Để khắc phục tình trạng thiếu lao động biển, thời gian qua, các ban, ngành liên quan tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, thực hiện các chính sách phát triển ngành thủy sản như hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn lực cũng cần được chú trọng, cần khuyến khích các lao động ngoài vùng biển tham gia lao động biển. Muốn có đủ lao động bền vững thì ngư dân phải hiện đại hóa tàu cá, áp dụng công nghệ, máy móc hiện đại để giảm nguồn nhân công nhưng vẫn đảm bảo năng suất và hiệu quả khai thác cao.
Đăng Đức