Gia Lai:
Nắn đường đang thi công để giữ một cây cổ thụ
(Dân trí) - Với quyết định nắn tim đường để giữ lại một cây gạo cổ thụ khi thi công Quốc lộ 14 mở rộng đoạn qua tỉnh Gia Lai, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết đây là cách có thể lưu giữ lịch sử và văn hóa của người dân địa phương.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, theo thiết kế ban đầu, để đảm bảo tuyến đường chạy thẳng tắp thì buộc phải chặt hạ cây gạo cổ thụ. Tuy nhiên, khi sắp thi công đến đoạn đường này, nhiều người dân địa phương đã có kiến nghị và bày tỏ sự tiếc nuối nếu cây cổ thụ bị chặt bỏ.
“Đời người chỉ được mấy chục năm, cây cổ thụ kia đã được vài trăm năm. Đó là lịch sử, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con dân tộc Tây Nguyên đã đi vào tiềm thức của bà con từ bao đời nay nên mình cần phải trân trọng” - đại diện Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho hay.
Cũng theo đại diện Ban này, nếu thực hiện phương án không chặt cây cổ thụ thì buộc phải nắn tim đường, mà việc thay đổi thiết kế dự án không phải là chuyện muốn là có thể làm ngay. Vì vậy, Ban quản lý dự án đã báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải.
Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh kiểm tra công trường thi công Quốc lộ 14 mở rộng, đoạn qua tỉnh Gia Lai.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, khi nắm được tình hình trên công trường Quốc lộ 14 mở rộng, Bộ đã đồng ý để Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thay đổi thiết kế nhằm giữ lại cây cổ thụ. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải có khảo sát, đánh giá kỹ đoạn đường để vừa lưu giữ được giá trị lịch sử tại đây, đảm bảo cảnh quan và an toàn giao thông.
Được biết, đến nay đoạn đường đã thi công xong với thiết kế mới được điều chỉnh, tim đường được nắn cách vị trí cây gạo khoảng 2-3m. Cây gạo cổ thụ vẫn còn đó, đường cũng đã được mở rộng hợp lí và đảm bảo an toàn giao thông. Bà con dân tộc tại địa phương bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi vì vừa có đường mới vừa giữ lại được cây gạo cổ thụ của thôn bản.
Châu Như Quỳnh