1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nạn ẩu đả vì hơi men: Giảm rượu bia và rèn văn hóa ứng xử!

(Dân trí) - “Chúng ta đừng đổ lỗi cho rượu bia, cái gốc vẫn là ý thức con người. Tại sao nhiều người uống bia rượu họ lại không đánh nhau? Muốn kéo giảm vấn nạn này, theo tôi phải rèn văn hóa ứng xử, pháp luật nghiêm minh hơn, xã hội phải lành mạnh hơn…”.

Đó là quan điểm của PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học) - trước thực trạng số vụ ẩu đả dẫn đến nhập viện liên quan đến bia rượu gia tăng ở một số địa phương trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua (theo số liệu của Bộ Y tế đã cung cấp).

PGS.TS Trịnh Hòa Bình trao đổi với PV Dân trí

PGS.TS Trịnh Hòa Bình trao đổi với PV Dân trí

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng đáng buồn trên là do ý thức của con người. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam văn hóa trong ứng xử đã bị lệch chuẩn trầm trọng, họ thường sử dụng cách giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm, hung khí… với nhau.

“Chúng ta thường nói một bộ phận không nhỏ người Việt Nam văn hóa ứng xử đang bị xuống cấp nghiêm trọng, thường thích giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm, bạo lực. Rồi thì hàng loạt những lo toan đời thường, ít quan tâm đến nhau hơn trong gia đình, giáo dục con trẻ phó mặc cho nhà trường và xã hội. Những bất công, bực dọc dồn nén trong lòng… cộng với thói quen sử dụng rượu bia, những búc xúc trong người đó họ đã mượn hơi men để làm càn, đánh đấm nhau, thiếu sự kìm chế, kiên nhẫn bản thân. Tuy nhiên, đừng đổ lỗi do rượu bia, bởi nó chỉ là nguyên nhân trực tiếp, kích hoạt thói hung hăng nhất thời, sâu xa vẫn là ý thức con người. Tại sao nhiều người uống bia rượu họ không đánh nhau, bởi những người này văn hóa ứng xử người ta có, họ kìm chế, rèn luyện sự kiên nhẫn bản thân tốt” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích.

Trước quan điểm cho rằng do số ngày người dân được nghỉ nhiều trong mỗi dịp lễ, tết dẫn đến số vụ ẩu đả, tai nạn giao thông tăng cao, PGS.TS Trịnh Hòa Bình phản bác, bởi đó là chỉ con số cơ học, không phải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. “Tất nhiên 1 ngày sẽ ít vụ hơn 10 ngày, nhưng đó là con số cơ học chứ không phải là nguyên nhân. Cái chính vẫn là ý thức con người như trên tôi đã nói” – PGS.TS Bình nói thêm.

Nói về khả năng kéo giảm thực trạng trên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình đưa ra một số giải pháp: Thứ nhất phải lành mạnh xã hội, cần tích cực chung tay đẩy lùi những tiêu cực, nạn tham nhũng. Để tạo ra môi trường sống thực sự công bằng, dân chủ, văn minh cho con người. Khi đã có công bằng, dân chủ thì sẽ không còn chỗ cho bực dọc, ấm ức trong mỗi con người và sẽ hạn chế rất nhiều những vụ ẩu đả như trên khi họ sử dụng rượu bia.

Gia đình, nhà trường, xã hội cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến giáo dục văn hóa ứng xử cho giới trẻ. Để ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường giới trẻ đã được rèn luyện cách ứng xử, giao tiếp với nhau có văn hóa; phải tăng cường các hình phạt nghiêm minh hơn, đủ sức răn đe mạnh hơn đối với các hành vi ẩu đả, đánh nhau, để thói côn đồ, hung hãn trong cách giải quyết mâu thuẫn bị đẩy lùi.

Cũng liên quan đến thực trạng nói trên, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – GĐ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) – cho biết, tình trạng TNGT, ẩu đả nhau phần lớn là do có hơi men bia rượu. Kỳ nghỉ lễ này cũng ghi nhận nhiều ca đánh nhau nhập viện trong tình trạng chấn thương nghiêm trọng, phần đông có liên quan đến cồn như ngày 29/4 có 7 ca tai nạn do đánh nhau; ngày 30/4 là 10 ca. Tai nạn xảy ra phần lớn nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Nhiều trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân…

Cũng vì có hơi men nên khi xảy ra va chạm người ta dễ nổi khùng, xông vào đánh nhau gây những chấn thương nguy kịch, thậm chí tử vong. Khi say, con người ta không làm chủ được ý thức. Anh em, bạn bè đánh nhau vì lời ra tiếng vào, khi say rượu có thể gây những hành vi đáng tiếc, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng. Vì thế TS. Quyết khuyến cáo mọi người dù vui đến mấy khi nâng chén cũng cần phải ý thức được nguy cơ say xỉn, phòng những tai nạn đáng tiếc.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tại các bệnh viện ở TPHCM, trong 4 ngày lễ (từ 28/4 đến 2/5) có gần 72 nghìn lượt người khám chữa bệnh, trong đó tổng số khám, cấp cứu vì tai nạn lên đến 13 nghìn trường hợp với 44 ca tử vong. Số ca TNGT chiếm tỉ lệ khá lớn với 1.472 ca, 22 ca chấn thương sọ não, 3 ca tử vong vì TNGT. Cùng với đó là 303 ca nhập viện vì ẩu đả do có tí hơi men, bốc đồng của thanh niên.

Nguyễn Dương