Năm mới, nhớ người tiên phong xóa bỏ bao cấp
Đã 26 năm, nhưng mỗi khi nói đến công cuộc đổi mới, nhiều người vẫn nhắc tới ông Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần), nguyên bí thư tỉnh ủy Long An, như là một trong những người tiên phong xoá bỏ quan liêu, bao cấp bằng chương trình giá - lương - tiền.
Thời kỳ ông làm bí thư tỉnh ủy (1976-1984) cũng là lúc nền kinh tế Việt Nam rất khó khăn. Long An lại là tỉnh thuần nông, nông dân vào làm ăn trong các hợp tác xã luôn đói. Nguyên nhân là cơ chế quan liên, bao cấp kéo dài hằng chục năm. Đã vậy, tình trạng ngăn sông, cấm chợ ngăn cản việc lưu thông hàng hoá, tạo bất bình trong xã hội.
Ông Chín Cần và các cán bộ trong Thường vụ tỉnh ủy đã rất trăn trở, cố gắng tìm lời giải đáp. Vào năm 1979, tại Ty thương nghiệp Long An có ông Tư Giao và Hồ Đắc Hy, trưởng và phó ty, cũng chung trăn trở như lãnh đạo tỉnh ủy. Các ông bèn mạnh dạn đề xuất với Thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhanh chóng xóa bỏ cơ chế bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, rồi lôi kéo lực lượng tư thương hợp với thương nghiệp nhà nước hình thành mạng lưới lưu thông hàng hoá.
Cách làm có lợi cho cả nhà nước và nông dân này nhanh chóng được Thường vụ tỉnh ủy ủng hộ. Thường trực tỉnh ủy chỉ đạo khi xây dựng đề án cần chú ý tập trung vào các vấn đề then chốt như thu mua lúa, lợn của nông dan phải dựa trên sự thỏa thuận về giá cả. Nhà nước chủ động hướng tư thân không ép giá đối với nông dân. Ở khu vực ăn lương thì bỏ chế độ phân phối qua tem phiếu bằng bù giá vào lương, làm sao để công chức tạm đủ sống bằng lương.
Ông Chín Cần nhớ lại: "Theo cách làm này, lương của Bí thư như tôi mỗi tháng được nhận khoảng 610 đồng tại thời điểm cách đây 26 năm. Thường vụ tỉnh ủy giao cho ngành thương nghiệp triển khai làm thử trong 3 tháng. Tuy nhiên, bấy giờ chúng tôi chưa dám báo cáo với trung ương vì sợ trung ương không đồng ý".
Chỉ sau gần một tháng thực hiện đề án giá - lương - tiền, nhân dân, cán bộ trong tỉnh Long An cảm thấy như vừa được cởi trói, đời sống dễ chịu hơn. Từ thắng lợi này, Thường vụ tỉnh ủy tập trung chỉ đạo xoá bao cấp, xoá ngăn sông cấm chợ trên phạm vi toàn tỉnh, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong thời gian 3 tháng.
Sự thay đổi của Long An đã được trung ương biết. Tháng 3/1980, ông Chín Cần cùng ông Nguyễn Văn Mới, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Tư Giao được gọi ra báo cáo với Bộ Chính trị. Đêm đầu tiên đến Hà Nội, cả ba người tranh thủ đi thăm và trình bày với các ông Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo. Không ngờ, hai lãnh đạo trên rất tán thành cách làm của Long An.
Tại buổi làm việc chính thức với đoàn Long An, có các ông Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Trân, Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo, Vũ Oanh và các người đứng đầu các bộ, ngành đến dự. Trong lúc ông Chín Cần trình bày đề án, một lãnh đạo đứng lên chất vất: "Tại sao bí thư, chủ tịch tỉnh lại lĩnh lương tới hơn 600 đồng/tháng, Long An lấy tiền đâu để trả". Khi ông Chín Cần được Tổng bí thư yêu cầu báo cáo lại thì Tổng bí thư rất vui mừng.
Kết thúc cuộc làm việc căng thẳng nhưng rất ấn tượng này, thay mặt Bộ Chính trị, ông Nguyễn Duy Trinh kết luận: "Long An đã làm được một việc lớn, kết quả rất lớn, cho phép Long An tiếp tục thực hiện làm thí điểm cho cả nước...". Ông Trinh cũng giao cho các bộ ngành ở trương ương tạo điều kiện giúp Long An thực hiện có hiệu quả và sớm tổng kết đề án giá - lương - tiền.
Như vậy, cửa đã mở và Long An có thêm sức mạnh tiến công xóa bao cấp thông qua giá - lương - tiền. Nhờ đó đã tạo động lức mới, thúc đẩy thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội lớn như: khai hoang cải tạo Đồng Tháp Mười, biến vùng đất hoang phèn này thành vựa lúa của cả nước; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trong đó có tuyến lộ 49 từ thị xã Tân An xuyên lên Đồng Tháp Mười nay được nhà nước nâng cấp thành quốc lộ 62.
Năm 1984, ông Chín Cần được trung ương điều ra làm Bộ trưởng Lương thực, rồi Phó thủ tướng.
Theo Nông Thôn Ngày Nay