1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nằm lại với Hoàng Sa

Một đám tang không thể thê lương hơn vừa diễn ra trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng cuối xóm Cây Bàng, thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Không tiếng trống chiêng, chỉ có khói hương bái vọng về hướng biển.

Cùng đó là những dòng nước mắt tử biệt dành cho người ngư dân xấu số Nguyễn Văn Sỹ - vừa vĩnh viễn nằm lại giữa biển Hoàng Sa.

Anh Công cùng chiếc
tàu cá gặp nạn trên cửa biển Sa Cần. Ảnh: T.T.Thư

Anh Công cùng chiếc tàu cá gặp nạn trên cửa biển Sa Cần. Ảnh: T.T.Thư

Bờ biển miền Trung giờ lại thêm một ngôi mộ gió an ủi nỗi lòng những góa phụ làng chài...

Thêm một người nằm lại…

Vừa sửa chiếc khăn tang trên đầu, anh Nguyễn Văn Công - em ruột ông Sỹ - vừa khóc kể về cái chết của anh mình: Hai anh em cùng đi bạn trên tàu câu mực số hiệu QNg 95514 TS do ông Nguyễn Đình Hiệp (ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, cùng huyện Bình Sơn) vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng.

Sau khi rời cảng Sa Cần (Bình Sơn), liền thẳng tiến ra Hoàng Sa câu mực, với dự tính đi 3 tháng. Trên tàu có 32 lao động, đều là ngư dân ở huyện Bình Sơn. Ngày 11/8, tàu tổ chức câu mực ở khu vực cách đảo Bom Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 40 hải lý.

Tối 12/8, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão, nên có gió, sóng to. Tuy nhiên, các anh em trên tàu đều thống nhất vẫn câu mực, bởi đã đi được 1 tháng 4 ngày rồi mà cả tàu đánh bắt chưa đầy 3 tấn mực. Tối đó, 28 ngư dân cùng 28 thúng trên tàu tỏa ra khu vực có bán kính 200m để câu mực.

Nửa đêm, bất ngờ gió lớn, sóng dữ dội. Ông Hiệp - thuyền trưởng - phát tín hiệu cho các thúng câu mực khẩn cấp quay về lại tàu. Tất cả anh em nhanh chóng, kịp thời chạy về phía tàu và an toàn đưa lên boong.

Điểm mặt, mọi người hốt hoảng thấy thiếu ông Sỹ. Bộ đàm không liên lạc được, đèn câu cũng tắt. Thế là bất kể hoàn lưu bão, sóng gió mạnh, tàu quay đầu chạy về hướng thúng câu ông Sỹ, quần thảo tìm kiếm.

Anh Công nghẹn ngào: “Tìm mãi, tìm mãi, đến trưa hôm sau (13/8) mới thấy thúng anh Sỹ lật úp trôi lênh đênh trên biển. Hòm thức ăn còn đây, áo phao bảo hiểm còn đó, nhưng anh Sỹ thì vẫn bặt tăm. Lúc này, có 2 tàu cá của Quảng Nam đánh bắt gần đó cũng tham gia tìm kiếm. Tổng cộng 72 thúng chai dàn hàng ngang quần nát khu vực biển mấy kilômét, nhưng vô vọng. Sáng ngày 14.8, chúng tôi đành tuyệt vọng bỏ ngang chuyến biển quay về. Còn anh Sỹ của tôi thì đã nằm lại với Hoàng Sa vĩnh viễn”.

Chuyến tàu ra khơi trở về không mang theo cá mực đầy khoang, mà là nỗi buồn mất mát. Xóm Cây Bàng kéo đến nhà, dựng rạp, ngày 18/8, gia đình phát tang, lập bàn thờ ông Sỹ.

Nước mắt góa phụ làng chài

Anh Công vẫn chưa hết vẻ thất thần trong chuyến biển đầy sóng gió, cộng với nỗi mất mát người anh cật ruột, thành ra vẻ lơ ngơ như người vô hồn.

Ông Nguyễn Lượng - cậu ruột ông Sỹ - buồn rầu: “Nó (anh Sỹ) thật bất hạnh. Bố mẹ đều mất sớm, 4 anh chị em nó nương tựa lẫn nhau, cả 3 anh em trai đều đi biển từ năm 15-16 tuổi. Lang thang hết đi bạn cho tàu này thì sang làm cho tàu khác, đi biển Hoàng Sa, Trường Sa câu mực khơi. Rồi thành gia lập thất, nó dựng mái nhà đơn sơ trên nền đất của cha mẹ, nợ nần chồng chất. Nhưng họa vô đơn chí. Vợ nó bị đau tim triền miên, cộng thêm đứa con gái đầu lòng sinh ra bị bại liệt chỉ biết nằm nguyên một chỗ, tâm thần lơ mơ, 2 đứa con trai nhỏ mới 14 và 7 tuổi còn đi học. Thành ra nó bám biển nhiều ngày hơn ở nhà. Vậy mà trời biển cũng nỡ cướp đi trụ cột cuối cùng. Bây giờ nó còn nợ ngân hàng chính sách 10 triệu đồng và phí tổn chuyến ra khơi vừa rồi gần 20 triệu đồng, vợ con nó lấy chi mà trả?”.

Bà Phạm Thị Tâm - 43 tuổi, vợ ông Sỹ - đầu trắng khăn tang, ôm con gái vào lòng, nước mắt đã ngấm vào giọng nói: “Tội con nhỏ, mấy ngày ni hễ mỗi khi nghe nói chuyện về cha là nó ứa nước mắt”. Người đàn bà bất hạnh lặng lẽ, tất tả trong ngôi nhà cửa không kín gió, ánh mắt nhìn những đứa con vời vợi, nỗi đau thương còn sâu hơn biển.

Gia đình ông Sỹ buồn
thương tiễn đưa ông về với biển. Ảnh: T.T.Thư
 
Gia đình ông Sỹ buồn thương tiễn đưa ông về với biển. Ảnh: T.T.Thư

Những hồi ức nhỏ nhoi đứt quãng của bà Tâm thẽ thọt trong buổi chiều hương khói làng chài gợi nhắc về một người đàn ông hơn 30 năm bám biển, vượt qua mọi gian nguy vì vợ con, vì các em. Và chấp chới đâu đó trong câu chuyện là bóng dáng người đàn bà tảo tần ngày đêm trông ngóng về biển khơi, những lúc thót tim vì bão biển hay khi nghe làng xóm xôn xao tin có tàu Bình Sơn bị cướp bắt.

Bà Tâm nấc nghẹn: “Hết thật rồi, có muốn trắng đêm thao thức, có dắt con ra tận cửa biển Sa Cần đón chờ ảnh về cũng không được nữa”...

Lời bà Tâm bất ngờ gợi lên trong tôi hình ảnh biết bao góa phụ làng chài dọc biển miền Trung nghèo khó, bất hạnh. Lân cận, tại thôn Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chị Nguyễn Thị Xí (39 tuổi), cũng đang ôm 3 con nhỏ ngày ngày vọng về biển cả khóc thương chồng, cha - ngư dân Phạm Xí cũng đã bị lật thúng ra đi trong cơn bão biển mới đây.

Nỗi đau của biển

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông - thở dài: “Hoàn cảnh gia đình anh Sỹ, ngư dân khắp xã, và có lẽ cả huyện Bình Sơn này ai ai cũng biết. Anh Sỹ vừa dũng cảm vừa trung hậu, nên chủ tàu nào cũng muốn có ảnh. Năm nào ảnh cũng được tổ tự quản tàu thuyền thôn Tân Hy bầu chọn là “Ngư dân bám biển”. Bữa ông Hiệp chủ tàu báo tin về, cả xã rụng rời. Các đoàn thể cùng bà con đã túc trực để lo chuyện tang cho gia đình. Gia đình ảnh thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Giờ ảnh mất, gia đình càng khó khăn thêm. Xã đã lập tức gửi văn bản lên huyện, tỉnh đề nghị hỗ trợ hoàn cảnh của anh Sỹ, đang chờ kết quả”.

Ông Thanh cho biết, hết 90% số lao động cả xã làm nghề biển. Gần 1.000 tàu thuyền lớn nhỏ ngày đêm bám biển, cùng với ngư dân các xã Bình Thạnh, Bình Chánh... trong huyện bao lớp người mấy trăm năm qua vùng vẫy khắp Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhưng nghề biển lắm hiểm nguy, gần như năm nào Bình Đông cũng có ngư dân tử nạn, thân xác yên nghỉ trong lòng biển cả, nghĩa trang xã giờ nối thêm ngôi mộ gió của anh Sỹ. Người Bình Đông ai cũng nhớ thảm nạn năm 1991 khi cả xã có đến hơn trăm ngư dân bị tử nạn giữa biển khơi. Gần như năm nào cũng có người lật thúng, bão cuốn.

Gia đình ông Sỹ buồn
thương tiễn đưa ông về với biển. Ảnh: T.T.Thư
 
Từ ngày chồng mất tích trên biển Hoàng Sa, chị Xí phải mò cua, bắt ốc một mình nuôi 3 con nhỏ cộng với số tiền nợ ngân hàng trên 1 tỉ đồng ngoài sức chi trả. Ảnh: T.T.Thư

Các lão ngư xóm Cây Bàng buồn rầu nhắc tên ông Hiến, ông Sơn, ông Hùng, ông Hải... mấy năm nay cũng đều ra đi trên chiếc thúng câu dật dờ giữa biển Hoàng Sa. Họ cũng vì miếng cơm manh áo, giữ nghề truyền thống của cha ông, từ bao đời nay bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, nên dù có nguy nan thế nào, những chiếc thúng chai vẫn đêm đêm dập dềnh trên sóng gió biển khơi.

Nói như anh Công, anh Nông - em anh Sỹ - thì họ vẫn phải nén đau thương để rồi đây trở lại bám biển, nuôi sống gia đình, không phụ lòng những người đã bỏ mình giữ biển biết bao đời nay.

“Dù thường trực hiểm nguy, mất mát, nhưng biển cũng đem lại nguồn lợi hải sản nuôi sống biết bao gia đình nên ngư dân vẫn quyết tâm bám biển. Gần đây, xăng dầu lên giá, mực lại rớt giá, ngư dân gặp muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn không bỏ biển. Về phần mình, xã xem nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tổ chức cho ngư dân cải tiến tàu thuyền, trang bị thông tin, phương tiện cứu hộ cứu nạn, hình thành tổ đội đánh bắt để ra khơi, bám biển an toàn, hiệu quả, nâng cao đời sống gia đình và góp phần bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, xã cũng đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ ngư dân thiết thực, có chính sách về trợ giá dầu và các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên biển, kịp thời cứu hộ cứu nạn, để ngư dân an tâm đánh bắt” - ông Thanh bày tỏ tâm huyết.

“Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” - câu ca dao chấp chới cánh buồm nát trên cát trắng xóm Cây Bàng bây giờ hay ngược về làng chài xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - nơi có đến 90 ngư dân tử nạn trong bão Chan Chu 2006, hoặc suốt dọc bờ biển miền Trung... nơi nào cũng đều gợi nhắc bóng dáng những góa phụ làng chài buồn vời vợi...

Theo Trương Tâm Thư
Lao động