1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Định: Hàng chục tỉ đồng ngâm trong nước mặn

(Dân trí) - Đã hơn 10 ngày kể từ khi cơn bão số 9 tràn vào Việt Nam, khu du lịch Thịnh Long thuộc huyện Hải Hậu, Nam Định vẫn ngập trong nước mặn. Nhà cửa, vườn tược trị giá nhiều chục tỉ đồng bị dầm trong nước biển khiến dân ở đây kêu trời.

Con nước lớn nhất từ trước đến nay

 

Cơn bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp và gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh phía Nam. Ảnh hưởng của cơn bão này, một số vùng ven biển của các tỉnh phía bắc cũng xảy ra tình trạng nước dâng cao, tràn vào ruộng đồng.

 

Tại Thịnh Long, người dân cho biết mặc dù trong cơn bão số 9 ở đây không xảy ra mưa bão, nhưng nước dâng rất cao và tràn vào nhà cửa, vườn cây ngập cao lên đến hơn 1m. Cả một vùng trắng xoá mênh mông nước mặn. Dân bản xứ ở đây đều nói: Chưa bao giờ thấy thuỷ triều dâng cao như trong đợt vừa qua.

 

Ông Trần Văn Ngọc, một người dân sống trong thị trấn Thịnh Long cho hay: “Tôi ở đây đã mấy chục năm nay, chưa bao giờ thấy nước dâng lên cao như thế. Ngay cả những con nước ráng cũng chỉ dâng lên đến xấp xỉ mặt kè”. Ông Ngọc cho biết, nước dâng lên khiến cho nhiều người không kịp về thị trấn. Muốn về, phải đầy liều lội băng qua cánh đồng mênh mông nước, không biết đâu là đường, đâu là hồ ao.

 

Và hậu quả là toàn bộ khu du lịch bị ngâm trong nước mặn, chẳng những hoạt động kinh doanh bị đình trệ mà nhiều vườn cây cảnh trong khuôn viên các khách sạn có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng cũng bị ngâm muối, khiến ai đi qua cũng phải xót xa.

 

Nhà, cây ngâm muối

 

Nam Định: Hàng chục tỉ đồng ngâm trong nước mặn - 1

Các ngôi nhà dầm dề trong nước, im ắng hoang lạnh.

Năm ngoái 2005, Khu du lịch Thịnh Long đã bị cơn bão số 7 quật tan nát. Sau cơn bão này, 18km đường kè ven biển xây dựng từ năm 2000 đã gần như trở thành hoang phế. Khu du lịch vẫn còn đang uể oải gượng dậy thì cơn bão số 9 năm nay lại tiếp tục làm nước dâng cao, tràn vào toàn bộ nhà cửa, hoa màu cây cối ở khu vực này.

 

Đã hơn 10 ngày trôi qua, nhưng nước vẫn mênh mông dọc suốt 2km bờ biển. Nước chỉ mới rút khỏi những con đường trong khu du lịch và các kiốt ở ngay bờ biển. Mùa đông vốn đã ít khách, lại thêm cảnh ngập úng khiến khu du lịch càng thêm tiêu điều hoang lạnh.

 

Không nói đến khách, ngay cả người làm ăn ở đây cũng ngán ngẩm bỏ hết vào thị trấn. Những ông chủ khách sạn thì thuê người trông nom, còn họ cũng rút hết về tư gia. Các khách sạn khá lớn như Hồng Quang, An Thịnh, Hải Long… đều đóng cửa im ỉm, bên trong nước ngập trắng sân.

 

Ở đây có tới 80 khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ các loại. Các ngôi nhà ba, bốn tầng có, năm bảy tầng có, nằm ngâm trong nước muối. Mặc dù ai cũng biết muối sẽ ăn vào móng nhà, gây nguy hại cho công trình, nhưng người dân không ai biết làm gì hơn ngoài việc ngồi nhìn bất lực.

 

Khắp nơi, mùi xú uế bốc lên khăn khẳn. Nguyên nhân là do nước ngập lâu ngày không thoát, tràn vào các bể phốt rồi tràn ngược ra ngoài. Những chiếc xe máy ở đây, mặc dù nhiều xe trông rất mới, nhưng nhìn kỹ thì những phụ tùng bằng sắt đều bị muối ăn khiến chúng trở nên hoen ố cóc ghẻ.

 

Do trời hay người?

 

Nam Định: Hàng chục tỉ đồng ngâm trong nước mặn - 2

Môi trường bị ô nhiễm, cả đoạn đường không có một bóng người qua lại.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng Ban quản lý khu du lịch Thịnh Long thì ở đây có đầy đủ hệ thống thoát nước. Đường kè trong thời gian qua cũng vừa mới được xây lại, chưa nghiệm thu. Tuy nhiên, nước ngập vào quá nhiều nên việc phóng (xả) nước cũng chỉ có thể thực hiện cầm chừng, mỗi ngày lựa lúc thuỷ triều xuống thì lực lượng chức năng cũng chỉ có thể mở cống trong khoảng 5 tiếng, nước rút nước được khoảng 10cm.

           

Ông Tiến cho biết: “Trước đây, chúng tôi có họng cống xả ra đồng muối, có thể phóng hàng trăm nghìn m3/giờ. Nhưng nay do chuyển đổi cơ cấu, đồng muối chuyển đổi thành đồng mầu nên việc xả nước ra cánh đồng này là không thể. Nếu phóng nước ồ ạt thì sẽ làm hỏng đồng mầu của người dân”.

 

Theo ông Tiến, hiện tại khu du lịch đang được thiết kế hệ thống thoát nước riêng, nhưng không phải sẽ làm được trong ngày một ngày hai. Trong phạm vi gần 2km bờ thì hệ thống thoát nước này nhanh nhất cũng phải sang năm mới có.

 

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch huyện phụ trách kinh tế cho biết thêm: Huyện đã đầu tư rất nhiều tiền của để bêtông hoá khu vực sân, đường bờ biển. Tuy nhiên con nước “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” lần này dâng quá lớn, vượt quá giới hạn trong khả năng đối phó của địa phương.

 

Những đợt sóng ngầu đục nối tiếp nhau xô bờ, phía chân trời xa là những đám mây u ám mang đầy hơi nước, khiến người dân không khỏi hoang mang. Nếu chỉ duy trì phương án rút nước mặn “cầm chừng” này thì Thịnh Long, mũi nhọn kinh tế của huyện Hải Hậu cũng như tỉnh Nam Định còn dầm dề trong nước biển đến bao giờ?  

Bảo Trung