1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng

Đăng Đức

(Dân trí) - Hơn 400 năm nay, những câu chuyện về làng trạng Vĩnh Hoàng vẫn được người dân tại Quảng Trị tiếp nối kể, dù có phần hư cấu nhưng rất tự nhiên, hài hước, trở thành nét văn hóa đặc sắc nơi đây.

Làng hàng trăm năm nói chuyện trạng

Theo các cụ cao niên thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), chuyện trạng đã có từ lâu đời, khoảng thế kỷ 17-18. Thời kỳ đó, người dân trong làng thường kể những câu chuyện trạng cho nhau nghe để gây cười, nhằm xua đi những cực nhọc trong cuộc sống.

Đến năm 1950, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, cái tên "chuyện trạng Vĩnh Hoàng" xuất hiện. Từ đó đến nay, những câu chuyện trạng được sáng tác và lưu truyền đã khoảng 400 năm.

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng - 1

Ông Trần Hữu Chư sưu tầm những câu chuyện trạng để lưu truyền cho thế hệ sau.

Theo ông Trần Hữu Chư (86 tuổi, ở thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú), chuyện trạng Vĩnh Hoàng xuất xứ từ dân gian, là nét văn hóa rất độc đáo, mang đặc trưng tính cách riêng của người dân nơi đây, không một nơi nào có.

Chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi được nhân cách hóa, cường điệu hóa, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực và rất hài hước, vui nhộn. "Nói trạng" trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân. Những câu chuyện mang lại tiếng cười đầy sảng khoái giúp cho người dân có thêm nghị lực, chiến đấu bền bỉ, sống lạc quan và yêu đời.

Ông Chư thuộc số ít người tại thôn Huỳnh Công, xã Vĩnh Tú còn lưu giữ và nói được chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ông cũng dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm hàng chục câu chuyện trạng. Theo ông Chư, hiện trong làng chỉ còn một vài người nói chuyện trạng tự nhiên, hài hước, hấp dẫn như ông: Nguyễn Sồ, Trần Đức Trí, Võ Nông…

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng - 2

Ông Chư kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng với chất giọng tự nhiên, hài hước.

Nhiều năm qua, ông Chư tự tay vẽ hơn 60 bức tranh để minh họa cho những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Mỗi bức tranh đều mang nét độc đáo, giúp người xem dễ hình dung hơn.

Ông Chư nói rằng, dù nhiều người nói được chuyện trạng Vĩnh Hoàng, nhưng kể được với giọng điệu hài hước, tự nhiên thì rất ít. Bởi theo ông, khó nhất khi kể chuyện trạng là giữ được giọng điệu quê hương, mang tính gần gũi, cách kể chuyện hóm hỉnh mới gây được tiếng cười.

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng - 3

Hơn 60 bức tranh do chính tay ông Chư vẽ giúp bạn đọc hình dung ra câu chuyện.

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng - 4

Ông Chư vẽ tranh minh họa cho câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Thú vị chuyện "bắt hổ đi cày"

Để minh chứng cho nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của trạng Vĩnh Hoàng, ông Chư kể nhiều câu chuyện trạng với chất giọng địa phương, hài hước. Thú vị hơn là chuyện "bắt hổ đi cày", "cắt nhầm đuôi hổ" được dân gian lưu truyền hàng trăm năm nay.

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng - 5

Từ thực tế đời sống, người dân đã hư cấu thành câu chuyện bắt hổ đi cày ruộng thay trâu.

Ông Chư kể: "Bữa đó tui (tôi) dắt bò đi cày ruộng sớm vì sợ sáng ra trời nóng. Tui sờ vô (vào) từng con, thấy con mô (nào) con nấy cũng trơn, cũng láng cả, không biết con nào là ô, con nào là dề. Tui ngó (nhìn) về cây chạc mao, thấy có 2 con ăn song song với nhau. Tui nói, con ô với con dề đang ăn với nhau đây rồi, tui mới bắt hai con cải vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui phải vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn. Chỉ mới một loáng mà tui cày xong mẫu mốt ruộng như chơi. Qua vạt ruộng thứ hai, tui mới cày được mấy đàng (đường) cày, tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa".

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng - 6

Với bàn tay khéo léo của mình, ông Chư vẽ tranh minh họa chuyện trạng Vĩnh Hoàng trên tường trước nhà.

"Tui dạo "tắc, tắc" hắn cũng không đi, tui dạo "rì, rì" hắn cũng ì ra. Tức máu quá tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên làm cho cái cày đâm sâu xuống nghe kêu rắc rắc. Tui nói: Con bò dề sáng ni (nay) sao mà trở chứng. Rồi hắn xây (quay) cái mặt lại với tui, chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, thì rõ ràng đây là đực cọp (hổ) chứ có phải bò dề mô. Sẵn cơn rạ roọng (cây rựa), tui chạy lên lấy xuống chặt một nhát, làm cho cái niệt cày đứt làm đôi, tháo cho cọp chạy. Lạo (con hổ - PV) lủi một mạch lên rú (rừng) ông Đồn mà không dám ngoái đầu lại", ông Chư kể tiếp.

Người dân làng trạng Vĩnh Hoàng không những "bắt hổ đi cày" thay trâu mà còn "bứt nhầm đuôi hổ" về lợp mái nhà.

Ông Chư kể: "Hôm đó, mấy anh em tui rủ nhau đi bứt tranh trên nguồn. Lên đến nơi, chúng tôi gặp được một bãi tranh rậm rạp, thấy ưng ý. Chúng tôi sà vô bứt, vì mải mê bứt tranh nên không để ý, bỗng có tiếng soạt làm đám tranh tung lên. Tôi thấy máu phọt ra đầy cả chân tay, tôi tưởng mình đã bị thương, nhưng sờ vô khắp cả người, chẳng thấy thương tích chỗ nào".

Năm Dần, nghe chuyện bắt hổ đi cày, cắt nhầm đuôi hổ ở làng trạng - 7

Bức tranh minh họa cho câu chuyện cắt nhầm đuôi hổ.

"Đang bứt tranh thì bỗng từ phía bên kia đồi, tiếng hổ gầm thét làm kinh thiên động địa. Tôi mới đoán ra: A, té ra đực cọp bị thương, vì tôi say bứt mà không để ý nên liềm phang phải lạo (con hổ), phọt máu ra đau quá mới vọt chạy, chừ (giờ) kêu toáng lên đó thôi", ông Chư cười bí hiểm.

Người dân không hề hay biết đã lợp tranh lẫn đuôi hổ lên mái nhà. Đến khi gió thổi mới lộ ra chiếc đuôi hổ bấy lâu.

"Một buổi trưa, tôi còn đang say trong giấc ngủ, bỗng ngoài sân con chó vàng sủa toáng lên, nghe đinh tai, điếc óc, làm cho tôi thức giấc, không ngủ được nữa. Té ra gió nam thổi mạnh, làm cho mấy cái tranh tốc ngược lên, để bày ra cái đuôi cọp vằn vằn, vện vện cứ vất qua vất lại thật là ngạo nghễ. Rứa là bữa trước bứt tranh tôi đã bứt nhầm phải đuôi "mệ" đem về lợp lên mái nhà mà không biết", giọng ông Chư vui vẻ.

Trong thời kỳ chống Mỹ, nhân dân Vĩnh Hoàng đã sáng tạo thêm nhiều câu chuyện trạng hài hước: Đào địa đạo xuyên lục địa, Đầu tét bom bi, Thừa một đứa con... Theo ông Chư, hàng năm vào các dịp lễ hội, làng đều tổ chức thi kể chuyện trạng, giao lưu văn hóa. Nhưng thực tế cho thấy, thế hệ trẻ ít có niềm yêu thích kể chuyện trạng.

Lo sợ chuyện trạng mai một, mất dần trong đời sống, ông Trần Hữu Chư và những người yêu thích chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã đề xuất ngành văn hóa có phương án bảo tồn, lưu giữ lại những nét văn hóa đặc sắc của chuyện trạng, qua đó, phát huy nét văn hóa dân gian đã lưu truyền qua hàng trăm năm nay.